Hậu quả từ việc trồng sắn tự phát ở Quỳ Hợp
(Baonghean.vn) - Hàng trăm ha đất trồng mía, trồng cây công nghiệp phá bỏ để trồng sắn, dẫn đến kỳ thu hoạch, giá sắn thấp bất ngờ, cung vượt cầu và đã có tình trạng thu hoạch xong… phải đổ bỏ.
Dân ồ ạt trồng sắn
Đã hơn 1 tháng nay, người nông dân trên địa bàn huyện Qùy Hợp lo lắng, đứng ngồi không yên vì khi cây sắn đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn không có người đến mua. Giá sắn từ 1.200 đồng/kg đầu mùa vụ đã giảm còn 800 đồng/kg và có thể còn tiếp tục giảm thêm. Nhiều nhà máy, lò sấy đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu bán của nông dân.
Giá sắn giảm mạnh làm cho người trồng sắn lo lắng
Nguyên nhân khiến cho sắn của người nông dân đang khó bán là do diện tích trồng sắn trong năm 2011 đã tăng đột biến, dẫn đến tình trạng ế ẩm. Các tư thương bắt đầu lợi dụng ép giá nhằm “mua rẻ” sắn của người dân. Theo thống kê từ phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp thì diện tích sắn trên địa bàn là 1.795 ha, tăng gần 500 ha so với năm 2010 (năm 2010 diện tích là 1.300 ha). Số diện tích được trồng mới trong năm nay là do tự phát của người dân. Trong đó, phần nhiều là diện tích lâu nay người dân trồng mía, nhưng sau khi cây mía bị bệnh chồi cỏ phải phá bỏ, người dân đã chuyển sang trồng cây sắn. Một số khác thì tận dụng các diện tích đất đồi, đất trồng cây công nghiệp để trồng sắn.
Ngoài ra, do giá sắn năm 2010 khá cao, có lúc lên đến 2.300 đồng/kg, nhiều nông dân thấy lợi nhuận lớn nên ồ ạt trồng sắn. Nhiều gia đình có đến 5-7 ha, có nhiều hộ còn tận dụng những khoảng đất trống trong vườn để trồng sắn. Bên cạnh đó, cây sắn có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây mía, không tốn chi phí đầu tư, chăm sóc, lại ít sâu bệnh, chống chọi tốt với điều kiện khí hậu. Tại các xã Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn…, sắn đang được người dân tin tưởng trở thành cây chủ lực để thoát nghèo. Một số xã, diện tích sắn đã tăng gấp 2, 3 lần so với năm 2010.
Về xã Châu Đình, đi đến đâu người dân cũng bàn tán xôn xao chuyện cây sắn. Ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã lo lắng cho biết: Diện tích sắn năm nay đã lên đến 300 ha, gấp 3 lần so với năm 2010. Có nhiều xóm như Hương Châu, Hợp Nhân, Tổng Hốc…, cây sắn đã chiếm gần hết diện tích đất sản xuất. Do trồng sắn tốn ít chi phí ít sâu bệnh nên bà con tự phát trồng mới thêm rất nhiều”. Toàn xã có khoảng 70 hộ có diện tích trồng sắn trên 3 ha. Có hộ dân như anh Phan Đăng Bảy (xóm Mỹ Tân), diện tích trồng sắn đã lên tới 6 ha. “Năm ngoái, từ 6 ha sắn gia đình tôi thu nhập về hơn 200 triệu đồng. Vì thế, năm nay tôi đã quyết định tiếp tục trồng sắn. Trong xã đây, nhà nào cũng trồng nhiều thế cả”, anh Bảy cho biết.
Ở xã Văn Lợi, từ diện tích 139 ha (năm 2010), đến năm 2011, diện tích sắn của toàn xã đã tăng lên 248 ha. Ngoài diện tích mía bị bệnh thì hơn 15 ha trước nay trồng ngô cũng được người dân chuyển sang trồng sắn. “Số diện tích này là do người dân tự phát trồng chứ huyện không giao chỉ tiêu”. Ông Trương Thanh Tình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết:
Hậu quả được cảnh báo trước
Hiện nay, việc thu hoạch sắn của người dân trên địa bàn huyện Qùy Hợp đã diễn ra hơn 1 tháng. Tuy nhiên, không khí mua bán rất ảm đạm. Giá sắn năm nay thấp hơn rất nhiều so với năm 2010. Theo người dân thì giá sắn đầu mùa vụ là 1.200 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 800 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Hà (xóm Hầm, xã Châu Đình) lo lắng: Mấy ngày nay, có thấy người đi mua sắn đâu. Sắn cứ để lâu thì tinh bột sẽ giảm, sau này càng khó bán hơn”. Chị Hà còn cho biết, vừa qua chị thu hoạch gần 1ha sắn, chất đầy chiếc xe tải nhưng khi về bán cho chủ lò sấy trong xã thì họ bảo đã đủ hàng nên không mua nữa. Không biết bán cho ai, chị Hà đành phải đem về cắt ra phơi khắp đường, sân nhà hàng xóm. Do không có nắng nên sắn bốc mùi chị phải đem đi đổ.
Theo Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Châu Đình thì người dân trong xã sau khi thu hoạch sắn chỉ biết bán cho 3 lò sấy trên địa bàn xã và tư thương mà thôi. Nhưng công suất của mỗi lò sấy cũng chỉ khoảng 4-5 tấn sắn tươi/ ngày nên người dân không biết bán cho ai. “Hiện nay, tiến độ thu hoạch sắn trên địa bàn xã đang rất chậm. Tư thương cũng chưa dám đi gom hàng vì lượng sắn ở các nhà máy chế biến tinh bột đang tồn nhiều. Nếu cứ tình trạng này, giá sắn sẽ còn tiếp tục giảm” - ông Sửu cho biết.
Việc giá sắn giảm mạnh không phải là lần đầu mà trước đây, vào năm 2009 đã có 1 bài học. Khi đó, nông dân cũng đua nhau trồng sắn, giá sắn rớt thảm hại, xuống còn 400 đồng/kg.
Tình trạng thu hoạch sắn đang trì trệ như hiện nay trong khi việc trồng vụ mía mới đã đến khiến cho việc trồng lại mía thêm khó khăn. Thêm nữa, cái khó của người nông dân hiện nay là tìm được giống mía sạch bệnh. Trước nay, nông dân thường mua giống mía QĐ93.135 từ Thanh Hóa. Nhưng năm nay, nguồn giống này đã không được bán cho dân. Vì vậy, người dân đang rất cần được sự hỗ trợ về giống mía sạch bệnh.
Trước hệ quả từ việc trồng sắn không theo quy hoạch, nhiều địa phương đã có kế hoạch giảm dần diện tích sắn trong năm tới. Năm 2012, chủ trương của xã Châu Đình sẽ phát triển mạnh cây mía từ 456 ha lên đến 600 ha. Còn tại xã Văn Lợi, trong quy hoạch phát triển cây công nghiệp từ năm 2011- 2015, xã sẽ chuyển đổi khoảng 140 ha diện tích trồng sắn sang trồng cây cao su cho 3 xóm: Đại Thành, Nam Lợi, Văn Trường; chuyển các diện tích khác sang trồng cam, ngô và mía nhằm hạn chế diện tích sắn.
Phạm Bằng