Ba người Nghệ nấu bánh Tết ở Nhật

08/01/2012 14:46

(Baonghean.vn) - Tôi đã từng ăn năm cái Tết ở Căm-pu-chia vào những năm 80 rồi hai cái Tết ở Nhật vào những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng lần đầu tiên, chúng tôi có thể nấu bánh chưng và bánh tét ở nước ngoài là lần cách đây tám, chín năm, vào các năm 2002 và 2003.

Lần đó, tôi được Đại học Ngoại ngữ Tokyo mời sang thỉnh giảng với điều kiện khá tốt. Thế là tôi đưa cả vợ và 2 con cùng sang. Trường đại học đã thuê trước cho chúng tôi một ngôi nhà khá rộng ở gần trường. Xung quanh nhà có vườn và chúng tôi có thể trồng đủ loại rau và rau thơm. Tết 2002, chúng tôi bắt đầu nấu bánh. Tôi mua lá chuối ở Ueno và gạo nếp Nhật ở siêu thị, lạt thì nhờ người quen ở Hà Nội mua gửi sang.Chúng tôi vẫn nấu bằng bếp ga. Tuy nhiên, bánh gói bằng lá chuối thì không được xanh. Và nấu bằng bếp ga thì phải nấu làm nhiều lần, cũng chưa phải là có không khí Tết lắm!

Đáng nhớ nhất là Tết 2003. Chúng tôi có thể nấu bánh chưng bằng củi với gạo nếp và lá dong, lạt giang. Những thứ này đều mua ở Việt Nam rồi gửi sang. Có một gia đình người quen có thể mang hộ được nên vợ tôi đã nhờ mang hộ kha khá lá dong vàlạt giang sang vào một tuần trước Tết. Thời tiết ở Nhật lạnh nên cũng dễ bảo quản. Gạo nếp thì thực ra ở Nhật cũng có, nhưng nếp Việt Nam vẫn thơm hơn. Người Nhật không quen ăn các loại gạo có mùi thơm. Trước Tết cả tháng, nhân có người bạn làm xuất khẩu hàng sang Nhật, tôi gửi được cảnăm chục cân gạo nếp kèm theo đỗ xanh, măng khô, nấm hương, bóng bì...

Thế là mọi điều kiện quan trọng nhất của việc nấu bánh đã tạm ổn. Chỉ còn việc phải có nồi to và nấu ở đâu. Củi thì vợ tôi đã xin được ở một xưởng mộc gần nhà. Nồi thì lúc đầu chúng tôi định thuê, nhưng vào mạng xem thì thuê cũng phải đến khoảng 5000 yên cho 2 ngày (gần 1 triệurưỡi tiền Việt), mà nếu nấu bằng củi thì có lẽ không được vì dù thế nào thì nồi cũng bị đen. Cuối cùng vợ tôi đã đi đến một cửa hàng khá xa nhà và mua được một cái nồi to, có thể nấu được khoảng 7,8 cân nếp. Tính cả tiền đi tắc xi và đi tàu thì cái nồi này giá đến 17.000 yên, khoảng 5 triệu đồng tiền Việt bây giờ, mà chỉ cho một lần nấu. Chúng tôi quyết định kê gạch nấu ở sân. Tuy nhiên, để cho cẩn thận, vợ tôi sang mấy nhà hàng xóm nói trước để họ hiểu, kẻo thấy đang đêm nổi lửa, họ lại gọi cảnh sát đến thì mất hay. Tôi cũng cẩn thận hỏi mấy ông cảnh sát tôi quen. Họ nói, thầy cứ nấu đi, nhưng thầy nhớ nói với hàng xóm để họ biết. Tôi lấy một tấm nhựa che bớt hướng ngoài đường vừa để đỡ gió, vừa cho kín đáo hơn một chút.

Tôi và vợ tôi là người Nghệ, chúng tôi vẫn thích ăn bánh tét hơn bánh chưng. Vì vậy, vợ tôi gói cả bánh tét và bánh chưng, có cả bánh tétcon cho hai thằng bé nữa. Vợ tôi đã nhờ một người bạn mua hộ sang một cái khuôn gỗ để gói bánh chưng cho dễ. Chúng tôi nổi lửa vào khoảng 11 giờ trưa và vớt bánh lúc 11 giờ đêm.

Buổi ngày, tôi và Phạm Xuân Nguyên, cũng là một người Nghệ, làm nghề phê bình văn học đang công tác cùng trường tôi dạy ở Nhật, cùng đi Ueno để mua đồ chuẩn bị Tết. Ueno là nơi có thể mua các loại thực phẩm chuẩn bị món ăn Việt Nam.Buổi tối, tôi giao việc trông nồi bánh cho Phạm Xuân Nguyên. Đêm, ngoài trời âm 2 độ, nước trong vòi ở sân bị đông cứng không chảy được, Phạm Xuân Nguyên phải khệ nệ bê nước từ trong nhà ra để pha. Tôi thì bận làm món thịt đông, còn vợ tôi thì gói giò thủ.

Sau mấy ngày chuẩn bị, chúng tôi đã có một cái Tết Việt Nam cho gia đình tôi và cho khoảnghơn ba chục người Việt (chủ yếu là sinh viên) mà chúng tôi quen biết. Tôi cũng mời vài người bạn Nhật quen thân với tôi. Có khoảng mười lăm người ở lại đón Giao thừa tại nhà tôi và chơi Tết cho đến tối mồng Một. Trong số đó có anh Lê Văn Cừ, Việt kiều, tiến sỹ Ngôn ngữ học, giáo sư ở trường Đại học Ibaraki. Cho đến lúc đó, đã qua Nhật gần 30 năm, lấy vợ Nhật, Tết Việt nào anh cũng “xin phép vợ” tìm đến với một nhóm người Việt nào đó để cùng đón Tết. Từ chỗ anh tới chỗ tôi đi tàu hết 3 giờ đồng hồ. Anh đến từ sớm và mang theo mấy băng video karaoke bài hát Việt. Trong lúc chờ đón Giao thừa (ở Nhật chậm so với Việt Nam 2 tiếng), anh đọc chúng tôi nghe bài tứ tuyệt anh viết về cảnh xa quê hương của mình, tôi nhớ khi anh đọc xong, chúng tôi cùng kêu lên: “Buồn quá!”. Trước Tết năm ngoái, tôi đã gửi email xin lại bài thơ đó của anh cho chính xác. Anh viết cho tôi: “Trước khi chép lại bài thơ “Mùa Thu Đông Kinh” dưới đây, tôi nhận thấy cũng cần phải mượn mấy vần thơ của Thế Lữ để diễn tả tâm trạng của mình, trong những ngày năm hết Tết đến ở đây:

Rũ áo phong sương trên gác trọ,

Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang.”

Và đây là bài thơ mà anh đã đọc làm não lòng những kẻ xa quê như chúng tôi hồi ấy:

Mùa Thu Đông Kinh

Bát ngát rừng Thu Tôkyô,

Rực rỡ nắng vàng, cây Ichô.

Phần tư thế kỷ rồi, sao vẫn,

Lạc bước quê người, trên lá khô?

(Cây Ichô, một loại cây phong lá vàng rất phổ biến ở Nhật.)

Năm nay, chúng tôi được ăn Tết ở quê nhà. Còn anh Cừ, chắc anh lại tìm đến với những người bạn Việt để như là đang được ở Việt Nam. Tuy chúng tôi đã ở Việt Nam rồi, cũng chưa hẳn là có kịp nấu bánh hay không? Hay lại chỉ chạy ra chợ mua lấy một ít bánh luộc sẵn về sắm Tết, như bao năm trước?!

Hà Nội, cuối 2011


Anh Anh