Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại rau.

10/02/2012 14:55

(Baonghean.vn) - Hiện nay, tại các vùng trồng rau tập trung trong tỉnh, bà con đang tiến hành gieo trồng rau các loại. Tuy nhiên, đã có một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.

Ông Trịnh Thạch Lam- trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV tỉnh Nghệ An cho biết: Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay các huyện đã gieo trồng được trên 5.500 ha rau các loại. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của ngành BVTV, hiện đã có khá nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện tích rau mới trồng. Hiện sâu xanh và sâu tơ đã xuất hiện trên cây rau họ hoa thập tự như cải bắp, xu hào…, cục bộ có một số diện tích có mật độ gây hại khá cao. Ngoài ra, bệnh sương mai đã phát sinh gây hại trên cà chua, dưa chuột dù mức độ gây hại không cao, và đặc biệt, bệnh lở cổ rễ- một loại bệnh hại quan trọng thời kỳ cây con cũng đã phát sinh gây hại cục bộ trên một số diện tích rau mới gieo trồng.




Chăm sóc rau vụ xuân ở Thanh Lĩnh (Thanh Chương)


Theo nhận định của các cán bộ bảo vệ thực vật, trong vụ xuân, sâu tơ thường phát sinh gây hại với mật độ cao và gây hại liên tục từ khi cây con cho đến khi thu hoạch. Sâu khoang và sâu xanh cũng là những loại sâu ăn tạp, gây hại trên nhiều loại rau khác nhau và trong suốt quá trình sinh trưởng. Đặc biệt, rệp muội là đối tượng gây hại trên rất nhiều loại rau, ngay từ lúc cây con cho đến khi thu hoạch, nhất ở thời kỳ rau đã xanh tốt. Rệp thường phát sinh gây hại nặng trong điều kiện thời tiết ấm ẩm, tập trung với mật độ cao và gây hại ở bộ phận nôn làm cây không phát triển được. Trên cà chua, dưa chuột, dự báo bệnh sương mai sẽ phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, đặc biệt trong điều kiện lạnh, có sương muối (từ tháng 1 đến tháng 4). Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây như lá, thân, cành... ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bệnh lở cổ rễ là bệnh phổ biến trên cây trồng cạn, gây ra trong suố quá trình sinh trưởng của cây, song tác hại lớn nhất khi gây hại vào thời kỳ cây con mới trồng hoặc ở trong vườn ươm.

Việc phòng trừ dịch hại trên rau phải đảm bảo hạn chế được thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đồng thời hạn chế được dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Do đó, phòng trừ dịch hại trên rau cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, trong đó nên ưutiên sử dụng các thuốc sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học.

Biện pháp canh tác là bón phân hợp lý, không dùng phân tươi để tưới và việc bón đạm hóa học phải kết thúc trước khi thu hoạch ít nhất từ 15 ngày đối với các loại quả, rau ăn lá... kết hợp chăm sóc và bắt diệt sâu bằng tay, nhổ bỏ hoặc cắt tỉa những cây bị bệnh đem xử lý để vừa hạn chế sâu, bệnh vừa giảm được lượng hóa chất BVTV không cần thiết. Đồng thời tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học để trừ sâu như V-BT, Bitadin, các thuốc trừ sâu như Trichoderma spp, sử dụng các loại thuốc BVTV để phun trừ khi sâu bệnh gây hại với mật độ, tỷ lệ cao. Với sâu ăn lá, nên sử dụng các loại thuốc sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học như V-BT 32.000WP, Angun 5WDG...., hoặc các loại thuốc hóa học như Ammante 150SC, 30WG, ... bệnh mốc sương nên sử dụng Aliette 800 WG, Cuproxat... Bệnh do nấm sử dụng Score 250ND, Bavistin 50FL....


Phú Hương