Gặp thủy thủ trở về từ cõi chết

02/02/2012 09:52

(Baonghean.vn) - Trở về sau vụ chìm tàu cá Jeong Woo 2 của Hàn Quốc trên vùng biển Nam Cực, thuyền viên Phạm Văn Chung đã có một mùa Xuân dẫu muộn màng nhưng ấm áp trong không khí đoàn viên.

Bây giờ nhắc lại vẫn còn run…


Nghe tin thuyền viên Phạm Văn Chung trở về sau hành trình dài từ New Zealand, chúng tôi tìm về nhà Chung ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ngôi nhà nhỏ nằm ven biển Cửa Hội ấm áp trong không khí đoàn viên, rộn ràng những lời thăm hỏi của bà con hàng xóm khi nghe tin anh thoát chết trở về.

Khi chúng tôi đề nghị Chung kể lại cái đêm kinh hoàng lúc tàu cá bị cháy, Chung bảo: “Chừ mà nhắc lại vẫn còn run lắm!”. Nhưng rồi, Chung cũng chia sẻ những chi tiết về vụ cháy, tâm trạng của anh và của hàng chục thuyền viên khác trên con tàu xấu số ấy.

“Lúc 1 giờ sáng ngày 11/1, em đang ngủ để chuẩn bị cho ca trực lúc 3 giờ sáng thì nghe tiếng mọi người hô “Cháy, cháy…!”. Mở cửa phòng ra thì anh Sỹ và anh Ngoan (PV – tên 2 thuyền viên người Việt) đã bị bỏng nặng, đang nằm trên sàn bếp. Khói đen ngùn ngụt bốc lên, bao kín cả con tàu, mọi người bị ngạt khói, rất khó thở. Em và một thuyền viên nữa nhanh chóng đưa anh Ngoan lên buồng lái. Số thuyền viên còn lại cũng di tản hết lên đây”.

Biển đêm kín như bưng, gió thốc lên từng cơn, cả con tàu chồng chềnh trong lửa, khói đen len kín thân tàu, hàng chục thuyền viên nháo nhác, hoang mang, tâm trạng bất an cực độ. “Lúc này, nhiệt độ ngoài trời dưới 0 độ C, còn nước biển thì lạnh buốt. Nếu chẳng may rơi xuống biển thì chưa đầy 2 phút đã chết cóng, còn ở trên tàu thì không biết khi nào tàu sẽ nổ do trong hầm tàu chứa rất nhiều dầu chạy máy”, Chung nhớ lại, giọng run run.

Ngay lúc đó, thuyền trưởng tàu Jeong Woo 3 quyết định cho thả phao cứu sinh để di tản những người bị thương, còn những ai không bị thương thì ở lại tàu. Nhưng, một lần nữa, số phận lại thử thách các thuyền viên, chiếc phao cứu sinh vừa thả xuống đã lập tức bị lật úp và mất hút trong biển đêm. Chiếc phao thứ hai thả xuống an toàn. Những thuyền viên bị thương lập tức được chuyển xuống phao cứu sinh duy nhất còn lại. Chung là một trong những thuyền viên may mắn được lên phao cứu sinh. “Chúng em cho phao ở cách tàu 50m để phòng trường hợp tàu phát nổ. Lúc đó, từ xa nhìn về, cả con tàu như một ngọn đuốc. Lửa bao trùm cả thân sau con tàu, chỉ còn ở mũi tàu lửa chưa lan đến nên những người phải ở lại tàu đều dồn về phía ấy. Anh em trên phao chỉ sợ tàu nổ thôi”.

Vừa lên phao chưa lâu, tất cả các thuyền viên chưa kịp hoàn hồn thì phao cứu sinh bị rách do va phải băng trôi, lớp ngoài của phao cứ xuống hơi dần. Các thuyền viên trên phao, dù người bị ngạt khói hay bị bỏng đều nhanh chóng ổn định tâm lý, bình tĩnh, gắng gượng dùng tay làm mái chèo, bơi phao ra xa khu vực có băng trôi dù nước biển lạnh cóng. “Ai bỏ tay xuống nước cũng đỏ tấy và mất cảm giác vì lạnh, cứ được một chặp thì rút tay lên. Nhưng không còn cách nào khác, muốn sống thì phải bơi phao ra xa khu vực có băng trôi, chứ nếu va phải băng tiếp thì nguy cơ phao rách là rất cao. Cũng may là phao có 2 lớp nên lớp ngoài của phao xẹp xuống thì vẫn còn lớp trong”, Chung kể, giọng nghẹn đi vì nhớ lại những giây phút sinh tử mong manh.

Hàng chục thuyền viên cả trên tàu, cả dưới phao sống lo âu, thấp thỏm đối mặt với tử thần như vậy suốt gần 8 giờ đồng hồ. Cho đến khi tàu cá Il Sung và Jeong Woo 3 cũng mang quốc tịch Hàn Quốc đến tiếp cứu lúc 8 giờ sáng cùng ngày, toàn bộ thuyền viên bị thương đều được chuyển lên tàu Jeong Woo 3, số thuyền viên còn lại được chuyển lên tàu Il Sung.

“Ngay sau khi di tản lên hai tàu cá bạn, toàn bộ thuyền viên được săn sóc y tế. Sau đó, toàn bộ thuyền viên chuyển lên tàu Jeong Woo 3, chúng tôi lênh đênh theo tàu này. Đến ngày 19/1, thì tàu cứu hộ từ New Zealand ra chở về thành phố Christ Church (New Zealand)”, Chung kể.

“Con sắp về!”

Đó là câu nói duy nhất xua tan bao nỗi lo đè nặng lên tâm trạng vợ chồng ông Phạm Hồng Thái (55 tuổi) và bà Đậu Thị Hiền (49 tuổi) (bố mẹ thuyền viên Phạm Văn Chung) trong suốt hơn 10 ngày ròng rã ngóng tin con.



Anh Phạm Văn Chung kể cho phóng viên về đêm kinh hoàng trên vùng biển Nam Cực

“Trưa 11/1, bác hàng xóm qua báo tin là tàu cá thằng Chung đi bị cháy, có người chết trên đó. Nghe được tin ni, vợ chồng tui như người mất hồn. Lập tức, chúng tôi lên chi nhánh Công ty LOD tại Nghệ An xác minh thông tin nhưng họ bảo không có, cứ yên tâm về đi. Nhưng về theo dõi ti vi, cả đọc báo trên mạng nữa thì có thông tin đó thật. Vợ chồng tui ruột gan như có lửa đốt!”, bà Hiền nhớ lại.

“Gia đình chỉ được công ty môi giới lao động thông báo thông tin chính thức khi đại diện công ty về thắp hương viếng cháu Sơn ở bên xã Phúc Thọ, cũng là thuyền viên đi cùng thuyền thằng Chung nhà tui. Nghe họ nói Chung vẫn an toàn và đang ở trên một tàu cá khác, vợ chồng tui nhẹ cả người. Nhưng lúc đó vẫn chưa được nghe giọng con, chưa thấy mặt con, hai vợ chồng tui vẫn không yên tâm, mấy đêm thức trắng không ngủ được!”, ông Phạm Hồng Thái nói.

Trong suốt quãng thời gian từ 11 – 25/1, không chỉ riêng gia đình anh Chung mà gia đình các thuyền viên khác đều không nhận được liên lạc của các thuyền viên. Cho đến khi tàu cứu hộ chạy về gần bờ biển New Zealand, các thuyền viên mới mượn được điện thoại gọi về nhà, xác thực thông tin với gia đình. Chung kể: “Thuyền trưởng cho mỗi người gọi 2 phút nên không nói được gì nhiều. Em chỉ nói với mẹ: “Chiều nay, 3 giờ cập cảng, con sắp về nước!”, là cúp máy”. Con trai vừa dứt câu, bà Hiền vội xen vào: “Nghe giọng hắn tui mới tin là hắn còn sống chú à. Chân tay luýnh quýnh hết cả lên.”

Thông tin tàu cháy đến vào những ngày cuối năm nên gia đình ông Thái, bà Hiền cũng chẳng còn tâm trạng nào mà chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền. Hàng xóm láng giềng nhộn nhịp mua sắm, chưng hoa, gói bánh, còn ông bà ngày qua ngày chỉ ngồi lặng nơi bậc cửa ngóng con về. Mãi đến khuya mồng 6 Tết thì không khí cả gia đình mới vỡ òa hạnh phúc khi Chung về. “Em về đến Hà Nội chiều mồng 5 Tết. Mấy anh em bắt xe về luôn trong đêm, sau đó ghé nhà anh Đông, anh Sơn thắp nén hương viếng các anh rồi mới về nhà”, Chung chia sẻ.

Khi các thuyền viên về đến Hà Nội, Công ty CP phát triển nguồn nhân lực LOD hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng và cho ứng 1 triệu đồng. “Em làm việc trên tàu Jeong Woo 2 hai tháng nhưng chưa nhận được tháng lương nào. Công ty hứa ra Tết sẽ giải quyết nhưng đến hôm nay là mồng 10 tháng Giêng rồi mà chưa thấy họ liên lạc gì”, anh Phạm Văn Chung trăn trở.


Thành Duy