Giá trị thời sự trong tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ

04/12/2011 15:28

Tại lễ kỷ niệm 140 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Trường Tộ tổ chức tại xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) ngày 22/11/2011 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng: ý nghĩa thời sự trong tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ về canh tân đất nước có nhiều điểm tương đồng với công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay…

(Baonghean) - Tại lễ kỷ niệm 140 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Trường Tộ tổ chức tại xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) ngày 22/11/2011 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng: ý nghĩa thời sự trong tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ về canh tân đất nước có nhiều điểm tương đồng với công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay…

Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ, nhà canh tân vĩ đại thế kỷ 19 thể hiện trong các lĩnh vực Chính trị, Kinh tế - Xã hội , Ngoại giao, Quốc phòng, Giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Chúng tôi mới ghi nhận được vài nét mà các quan chức, nhà nghiên cứu, trao đổi trong buổi lễ kỷ niệm về “Tính thời sự trong 3 lĩnh vực Kinh tế, Giáo dục và Cải cách hành chính”. Xin nêu để bạn đọc tham khảo.

Trong lĩnh vực Kinh tế, Nguyễn Trường Tộ có nhiều quan điểm rất mới so với thời bấy giờ. Di thảo số 5 (kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh), ông khẳng định: “cách làm cho nước mạnh là ở chỗ tạo được nhiều của cải”. Ông phân tích nước ta có nhiếu tài nguyên thiên nhiên có thể tạo ra nguốn của cải ấy. “Một là nguồn lợi về biển, về biển thì không có nguồn lợi nào bằng cá với muối; hai là nguồn lợi về rừng, rừng thì không có gì lớn bằng gỗ. Ba là nguồn lợi về đất đai. Bốn là nguồn lợi về mỏ”. Để khai thác nguồn lợi đó trong Di thảo số 8 năm 1866, ông đề xuất : “Nếu để cho người nước ngoài đầu tư khai thác thì không những nhà nước ta thu lợi mà nhân dân cũng có việc làm, lại được học tập, làm quen với khoa học kỹ thuật Tây phương…”. Ông đề xuất với triều đình Huế tăng cường mở rộng ngoại thương xuất khẩu hàng hóa bằng cách: “Cho tàu bè nhà nước chở sản vật nước ta ra bán cho các nước, rồi lại chở về nước mình những hàng cần dùng mà nước mình không có…”. Không những xuất khẩu hàng hóa mà ông còn chủ trương học tập và ứng dụng kỹ thuật công nghệ của các nước tiên tiến. Trong điều trần về việc mua và đóng thuyền máy (Di thảo số 6) và việc đào tạo người điều khiển, sửa chữa thuyền máy (Di thảo số 7), Nguyễn Trường Tộ đề nghị: “Phải chọn người mua các thiết bị thay thế kèm theo. Đồng thời cử người sang các nước học cách chế tạo các thiết bị máy móc để lựa chọn cái tốt cái xấu” và “ cử những người khéo tay (chọn lấy khoảng ba bốn mươi người từ 25 tuổi trở lên), đi học đại số, vi phân, cùng các môn: trọng lực học, hóa học, quang học...”. Đó cũng là phương hướng về giáo dục của ông.

Về quan điểm Giáo dục, ông cũng có những quan điểm rất gần với chúng ta ngày nay. Ông phân tích lối học thuộc lòng, tầm chương trích cú xưa không giúp ích được nhiều cho cuộc sống hiện tại. Do đó, trong Di thảo số 18 về việc học thực dụng, Nguyễn Trường Tộ xác định: “Học tập bồi dưỡng nhân tài tức con đường rộng lớn để đi đến giàu mạnh”. Trong Di thảo số 27, Tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp) ông một lần nữa khẳng định: “Chỉnh đốn học thuật là cái gốc lớn quốc gia”. Về cách học thực dụng, ông đề xuất học các khoa: Hải lợi (kinh tế thủy sản), Sơn lợi (kinh tế lâm nghiệp), Địa Lợi (khai hoang trồng trọt), Thủy lợi (dẫn nước nhập điền, đắp đê chống úng). Trong học thuật thì chú trọng nguyên tắc thực dụng. Theo ông không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục sẽ ngày một bại hoại, lòng người ngày một giả dối.

Đặc biệt, đối với nước ta hồi đó là nước nông nghiệp nên ông nhấn mạnh vai trò nông nghiệp. Ông viết: “Nông nghiệp là gốc, ăn mặc và hàng trăm nhu cầu khác cho đời sống đều nhờ vào đó”. Do vậy, trong học thuật cần có khoa Nông chính. Ngoài ra cần các khoa Thiên văn học, khoa Địa lý, khoa Kỹ thuật, khoa Luật học hỗ trợ. Trong Di thảo số 45 về việc gửi học sinh sang Singapo học sinh ngữ ông cho rằng, học ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu. Ông giải thích ngôn ngữ các nước trên thế giới đều khác nhau nhưng qua con đường thông dịch sẽ có cách hiểu nhau. Có hiểu tiếng của họ, mới giao dịch và học tập tiếp thu cái hay của họ được. Việc nêu gương học ngoại ngữ phải bắt đầu từ tầng lớp khóa sinh, quan lại. Để khuyến khích sự học ông đề nghị xếp các quan lại theo trình độ ngoại ngữ theo thứ bậc: “Người nào biết tiếng Y- pha- nho (tiếng Italia), Anh - cát - lợi (tiếng Anh) thì xếp vào hạng 2; tiếng Trảo oa, Trung Quốc thì xếp hạng 3; tiếng những nước gần biên giới phía Tây nước ta như Miên, Lào thì xếp vào hạng 4”...

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Nguyễn Trường Tộ đưa ra những ý kiến rất hay. Nội dung điều thứ 2 trong Tế cấp bát điều ông “xin hợp nhất tỉnh, huyện để bớt số quan lại và khóa sinh”. Ông phân tích quan lại lấy chữ Liêm- chính làm đầu và lên án sự tham nhũng, cửa quyền cực lực. Song ông cũng phân tích những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng có lý có tình . Trong đó có một ý hay là việc lương bổng không đủ sống cũng là một trong những nguyên nhân tham nhũng, lười biếng của quan lại nhỏ. Ông viết: “Các quan lại nước Nam trừ những người quá tham ô không nói, còn bao nhiêu những người khác thường sau khi xong việc, họ nhận lãnh của biếu xén, tạ ơn, điều đó cũng không đáng trách vì có đủ cơm ăn áo mặc rồi mới nói đến chuyện vinh hay nhục, mà muôn việc ở đời cơ bản là nuôi sự sống”. Do vậy, chủ trương của ông quan lại phải được cấp lương tiền đầy đủ để giúp họ giữ được thanh liêm, lúc bấy giờ nếu ai không thanh liêm mới có thể trách!.

Trong điều kiện triều đình phong kiến lạc hậu, vua Tự Đức ngạo mạn mà Nguyễn Trường Tộ giám nói những điều gan ruột, thẳng thắn, với trái với quan điểm chính thống Nho giáo thống trị hàng nghìn năm như vậy, quả thật là một người canh tân táo bạo, tâm huyết. Ngày nay, đọc những quan điểm ấy và ngầm so với những gì mà chúng ta đang thực hành, vẫn thấy như ông là người đương đại. Sở dĩ tư tưởng Nguyễn Trường Tộ có tính thời sự ấy là nhờ tư duy ông vượt qua thời đại , tấm lòng ông thật sự yêu nước, thương dân!


Hoàng Chỉnh