Sắc xuân ở Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

17/01/2012 14:24

(Baonghean.vn) - Sương mù giăng phủ những bản làng vắt lưng chừng núi rừng. Đã 9h sáng, đoạn đường lên xã Nậm Cắn - Kỳ Sơn, chỉ cách nhau năm, sáu mét vẫn không thấy rõ mặt người. Nhưng dòng người, xe cộ vẫn nối đuôi nhau ngược xuôi qua lại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Những chuyến xe chở đầy hoa đào và các loại hàng hóa đặc sản của vùng cao đang "cõng Tết về xuôi". Mùa xuân đã đến sớm hơn với vùng đất biên cương xa xôi của miền Tây NAm xứ Nghệ!

(Baonghean.vn) - Sương mù giăng phủ những bản làng vắt lưng chừng núi rừng. Đã 9h sáng, đoạn đường lên xã Nậm Cắn - Kỳ Sơn, chỉ cách nhau năm, sáu mét vẫn không thấy rõ mặt người. Nhưng dòng người, xe cộ vẫn nối đuôi nhau ngược xuôi qua lại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Những chuyến xe chở đầy hoa đào và các loại hàng hóa đặc sản của vùng cao đang "cõng Tết về xuôi". Mùa xuân đã đến sớm hơn với vùng đất biên cương xa xôi của miền Tây NAm xứ Nghệ!

Gặp anh Lưu Đình Bình, quê ở huyện Nam Đàn đang làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, niềm vui hiện trên gương mặt khắc khổ của anh. Trong cái rét thấu xương dưới 10độC, vừa xoa đôi bàn tay cho đỡ cóng lạnh, anh Bình nói với chúng tôi: "Mấy anh em chúng tôi đi làm thợ xây ở bên Lào, bắt xe từ Noọng Hét về đây. Đi làm xa quê, chịu khó, cực nhọc một tí nhưng còn có đồng ra, đồng vào tăng thu nhập cho gia đình chứ ở nhà nhìn vào mấy sào ruộng lúa thì không đủ cái ăn, cái mặc cho con cái. Xa quê đã lâu, giờ sắp đến ngày Tết háo hức lắm".



Bà con xã Chiêu Lưu - Kỳ Sơn xuống chợ sắm Tết.

Những ngày áp Tết, cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đông vui nhộn nhịp hơn ngày thường. Ngoài xe chuyên vận chuyển đào từ Lào về Việt Nam thì các xe chở hàng khác hay xe gia đình thông quan qua cửa khẩu đều có cành đào "dắt xe". Tranh thủ trong lúc chờ đoàn xe trước đi qua, anh Cụt Văn Xí ở bản Noọng Dẻ loay hoay buộc mấy cành đào vừa chặt được bên Noọng Hét về. Anh cho biết, để kiếm được mấy cành đào ưng ý, người mua phải sang tận bên Lào, đi độ chừng hai giờ đồng hồ, đường đi rất khó khăn vào sâu tận trong rừng mới có được đào đẹp.

Thường ngày, anh làm bốc vác ngay tại cửa khẩu, nhưng tranh thủ dịp Tết, từ ngày 15 tháng Chạp trở đi, anh sang Lào chặt đào về bán. Bình quân một cành đào đẹp, có giá 2,5 triệu kíp, tương đương 5 triệu đồng tiền Việt. Anh Xí cho biết thêm: Người mua chuộng nhất là đào đá, đào rêu, có cành được bán với giá 20- 23 triệu đồng, vậy mà cũng không có đào đẹp để bán. Đào từ Lào về được tập kết tại cửa khẩu, dân buôn đào từ dưới Vinh lên gom hàng và chở về xuôi luôn trong ngày.

Dòng người làm ăn từ nước bạn Lào về quê ăn tết mỗi ngày qua đây rất đông. Trên mỗi chuyến xe, điều dễ nhận thấy bà con hầu hết đều mang theo ít cành đào, gạo nếp, lợn nít, gà đen... Không ít du khách đến từ các nước phương Tây cũng đã vào Việt Nam để chứng kiến đồng bào ta đón Tết cổ truyền.

Năm nào cũng vậy, không kể ngày nghỉ hay ngày lễ, mỗi độ Tết đến Xuân về, cán bộ, nhân viên hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đều thường trực để làm thủ tục cho những chuyến hàng tết được thông quan, phục vụ nhu cầu cho khách du lịch cũng như nhân dân qua lại biên giới vui Tết, đón Xuân. Đồng bào Mông ở Noọng Hét (Xiêng Khoảng, Lào) và Nậm Cắn, Kỳ Sơn phần lớn có quan hệ huyết thống với nhau vì vậy dịp Tết Nguyên đán bà con qua lại nên lưu lượng người qua lại gấp 2-3 lần ngày thường.

Bên cạnh đó, lượng hàng hóa qua lại cũng tăng đột biến, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như rượu, bia, mì chính và quần áo... Chính vì vậy, rất dễ nảy sinh các tệ nạn như buôn lậu, mất an ninh trật tự và nhất là buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Để ngăn chặn tình trạng này, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã lên kế hoạch, phân công cán bộ tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa qua cửa khẩu, có các phương án chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả.

Rất nhiều loại hàng hóa từ nhiều vùng miền đã được đưa lên Nậm Cắn, trong đó phần lớn là thực phẩm chuẩn bị đón Tết. Hàng Việt ở chợ phiên chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Còn tiểu thương Lào lại cung ứng vải thổ cẩm, ẩm thực cho du khách đi chợ. Cải Mông, gà đen là những thực phẩm ưa thích của người Việt, trong khi đó bạn Lào lại chú ý muối, mực khô, cá biển, cá đồng...

Từ xa nhìn về cửa khẩu Nậm Cắn đã thấy sắc xuân trên những cành đào đang chớm nụ, từ màu xanh của những cuộn lá dong, từ những đoàn xe ngược xuôi, xua tan không khí giá lạnh nơi miền tây nam xứ Nghệ. Tết đến nơi miền biên ải còn thấp thoáng màu xanh áo lính của các chiến sỹ biên phòng, hải quan hòa trong sắc màu rực rỡ của đồng bào các dân tộc anh em để cùng vui xuân trong những ngày hội của vùng cao nơi đây.


Lê Thanh