Gian nan mùa hoa Tết...

06/01/2012 16:53

(Baonghean.vn) - Với những người trồng hoa, mùa Xuân là mùa làm ăn thuận lợi nhất trong năm. Nhưng thật đáng buồn là Tết năm nay, cây hoa không phát triển như mong muốn...

Chúng tôi về làng hoa Nghi Liên vào những ngày đầu tháng Chạp. Giữa ban ngày, tiết trời rét xuống dưới 10oC nhưng làng hoa như được "hun nóng" bởi hàng trăm bóng đèn điện đang thắp sáng.

Trên các luống hoa,
mọi người đang cố gắng chăm tỉa từng gốc, từng nụ hoa để đợi ngày thu hoạch. Gần một phần ba các hộ dân trong xã Nghi Liên làm nghề trồng hoa và cây cảnh, nhưng mấy năm gần đây chưa năm nào nghề trồng hoa khó khăn như năm nay. Gần 4 tháng liên tục kể từ tháng 9 Âm lịch, hầu như tháng nào cũng có mưa lớn, lại đúng vào dịp bà con bắt đầu dăm hoa nên trồng đến đâu đất bị úng đến đó.



Người trồng hoa ở Nghi Liên thắp thêm bóng đèn để hoa kịp nở trong dịp Tết.


Chính bởi thế, dù đã trồng được gần 3 tháng nhưng nhiều cây hoa không phát triển được. Chỉ khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch nhưng hoa mới cao được khoảng một gang rưỡi, nhiều cây chưa có nụ. Chị Nguyễn Thị Bảy (xóm 3, xã Nghi Liên) than thở: Cả làng chúng tôi có nghề truyền thống trồng hoa cúc, mọi năm đến thời điểm này hoa đã bắt đầu hé nụ rồi, đến giữa tháng Chạp là bắt đầu thu hoạch để bán cho ngày tuần, ngày cúng ông Táo và bán cho các hộ dân về trồng.

Năm nay cây cho hoa chậm mà còn bị nhiều bệnh. Đến nhà chị Lê Thị Vân, thấy chị đang bận rộn vừa chỉnh độ sáng đèn điện cho vườn hoa ly, vừa tẩn mẩn nhặt những chiếc lá bị úa màu cho vườn cúc. Chị Vân cho biết: Chẳng biết có phải giống mới từ phía Bắc không hợp với đất hay lại do mưa và lạnh quá hay không mà hoa bị bệnh nấm lụi lá. Bệnh này không ảnh hưởng quá nhiều đến độ sinh trưởng của hoa nhưng lại làm cho cành hoa không được đẹp như bình thường.


Không chỉ làng hoa ở Nghi Liên mà các làng hoa khác như Trung Mỹ (Hưng Đông), Kim Chi (Nghi Ân) cũng rơi vào tình cảnh khó khăn tương tự. Nghệ An có gần 20 ha trồng hoa. Hiện nay, dù chưa có số lượng chính xác nhưng đến 1/3 tổng diện tích hoa (trong đó phần lớn là hoa cúc) đã bị hư hại do ngập úng và bệnh nấm lá. Ông Nguyễn Hữu Thông - xóm trưởng Kim Chi cho biết: "Hiện tại cả làng Kim Chi có khoảng 3 ha trồng hoa với khoảng 140 hộ trồng. Để chuẩn bị cho mùa Tết, cả làng trồng khoảng 103 vạn cây cúc nhưng hơn 30 vạn cây đã bị chết do ngập úng. Nhiều gia đình bị mất trắng. Số cây còn lại bà con đang tập trung chăm sóc, sưởi ấm và nếu từ nay đến Tết, tiết trời ấm lên thì vẫn đủ hoa để cung cấp cho thị trường Tết".


Trước những khó khăn trong nghề trồng hoa trong năm nay, nhiều người trồng hoa lâu năm như gia đình ông Nguyễn Trọng Tài, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (làng Trung Mỹ, Hưng Đông) đều dự báo "giá hoa năm nay chắc chắn cao hơn năm ngoái". Ngoài nguyên nhân khách quan trên, còn do giá giống hoa và giá phân bón tăng.


Trái ngược với dòng hoa phổ thông như hoa cúc, hoa zơn, hoa thược dược, hoa phăng, hoa cẩm chướng thì năm nay dòng hoa cao cấp như hoa ly, hoa lan trên thị trường Nghệ An phát triển rầm rộ hơn. Đây là những giống hoa hợp với khí hậu lạnh, lại được chăm sóc trong nhà lưới, nên những biến động về thời tiết đều không ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Ngoài vùng hoa ly "truyền thống" đã quen với khách hàng Nghệ An mấy năm nay ở huyện vùng cao Kỳ Sơn thì nay nhiều hộ dân ở Hưng Đông, Nghi Liên cũng đã đầu tư trồng hoa ly. Tại làng hoa Nghi Liên có gần chục hộ trồng ly, trong đó người ít thì trồng khoảng 500 cây, người nhiều trồng đến hàng nghìn cây. Năm nay nhà ông Nguyễn Đức Dục ở xóm 4 (Nghi Liên) trồng hơn 1.000 gốc ly. Ông phấn khởi: "Từ giữa tháng 11 đến nay, gia đình tôi đã có khách đến mua hàng. Mỗi một chậu 3 cây họ trả giá 170.000 đồng nhưng gia đình tôi chưa đồng ý. Có thể sát Tết giá hoa ly sẽ cao hơn nên chúng tôi không vội".


Tâm lý "thăm dò thị trường" đang được nhiều gia đình trồng hoa hiện nay âm thầm hưởng ứng. Tuy vậy, đại đa số vẫn khẳng định dù giá hoa có nhiều biến động và cao hơn năm ngoái nhưng giá cũng sẽ không tăng đột biến bởi hiện nay thị trường hoa rất đa dạng và có tính cạnh tranh cao. Người trồng hoa cũng dè chừng bởi nếu giá hoa trong tỉnh tăng quá cao, người dân trong tỉnh sẽ quay lưng và chuyển qua dùng hoa từ Đà Lạt và các tỉnh phía Bắc đổ về, bởi với ưu thế về thời tiết và nhiều điều kiện khác, hoa của các tỉnh bạn rất có thể sẽ đẹp, chất lượng và giá thấp hơn so với hoa trong tỉnh vào mùa Tết năm nay.


Mỹ Hà - Khánh Ly