Phát huy giá trị của Tết trồng cây

30/01/2012 09:43

(Baonghean.vn) - Trong dịp Tết cổ truyền, có nhiều hoạt động diễn ra, nhưng "lễ hội" Tết trồng cây vẫn là hoạt động tạo được dấu ấn và ngày càng đem lại kết quả cao.

Tết trồng cây là hoạt động do Bác Hồ khởi xướng cách đây trên 50 năm. Đó là vào ngày 28/11/1959, Bác đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân kêu gọi toàn dân tham gia phong trào Tết trồng cây. Bởi "trồng cây việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều", nó sẽ làm cho "nước ta phong cảnh ngày càng tốt đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn", "Góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân...". Lời kêu gọi của Bác đã thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, có giá trị to lớn cả thực tiễn và lý luận, vì thế đã được các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong cả nước kiên trì triển khai thực hiện chu đáo. Năm nào cũng vậy, dù thời tiết thuận hay khó, dù nắng hay mưa, khắp nơi trên địa bàn cả nước từ tỉnh đến huyện, xã tưng bừng mở hội Tết trồng cây.

Lễ hội Tết trồng cây được coi như lễ "động thổ, trạch điền đầu năm mới", vì vậy được chuẩn bị rất chu đáo về mọi mặt, tổ chức vào ngày đầu năm mới với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của các tầng lớp cán bộ và nhân dân, học sinh. Từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước, dù có bận trăm công ngàn việc cũng tranh thủ tham gia Tết trồng cây.


Ông Nguyễn Tiến Lâm - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh tâm đắc: "Tết trồng cây là sự khởi đầu thực hiện một năm kế hoạch, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhân loại đang phải đối mặt với những thảm họa của biến đổi khí hậu thì nó càng có sức lan tỏa đặc biệt".

Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm nào cũng vậy cứ ra Tết, lúc thì mồng Bốn, khi mồng 6, năm mồng 8 Tết, tỉnh long trọng tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, tất cả các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các huyện, thành, thị đều tới dự và tham gia trồng cây.

Lễ phát động Tết trồng cây không cố định tổ chức một chỗ mà mỗi năm được đưa về một địa phương để tổ chức, thực sự đã có tác dụng thúc đẩy, nhân rộng phong trào, góp phần xã hội hóa công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ phát triển vốn rừng.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bác về Tết trồng cây, Đảng và Chính phủ cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách triển khai các chương trình dự án thúc đẩy phong trào nhận đất, nhận rừng, trồng cây gây rừng và bảo vệ phát triển rừng mạnh mẽ, gắn với tạo việc làm, nâng cao đời sống cho các hộ dân, nhất là đồng bào miền núi. Các hộ dân đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống để tạo giống mới cho trồng rừng.

Một số diện tích rừng tạp, rừng nghèo kiệt, rừng thứ sinh năng suất, chất lượng thấp đã được cải tạo, chuyển đổi, thay thế bằng các loại cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao hơn. Ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của cán bộ, nhân dân được nâng cao, ngày càng có nhiều tổ chức, hộ trồng rừng, khoanh nuôi rừng đạt hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Các hoạt động khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên đang dần chuyển sang tu bổ, tái tạo rừng.

Tết trồng cây đang trở thành cuộc thi đua dài hạn đã góp phần khép kín diện tích đất trống, đồi trọc, đưa độ che phủ rừng năm 2010 đạt 53%, hình thành hệ thống rừng thông phòng hộ kết hợp kinh tế liền vùng, gần 100 ngàn ha rừng nguyên liệu giấy, mỗi năm cung cấp 300 ngàn m3 gỗ rừng trồng, tạo mặt hàng xuất khẩu trên 30 triệu USD.

Một trong những thành quả to lớn của hơn nửa thế kỷ thực hiện phong trào Tết trồng cây là năm 2009, Tổ chức quốc tế UNESCO đã công nhận miền Tây Nghệ An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn, một lần nữa nó không chỉ khẳng định kết quả của Tết trồng cây mang lại mà còn nói lên giá trị của rừng Nghệ An đối với cuộc sống con người.


Tại một số hội nghị quốc tế gần đây bàn về bảo vệ môi trường trước nguy cơ của biến đổi khí hậu còn khẳng định vai trò của rừng, xác định trách nhiệm của các quốc gia, nhất là quốc gia có nền công nghiệp phát triển phải tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động chống lại hiệu ứng phát thải nhà kính gây ra. Các hoạt động của nghề rừng đang hướng tới góp phần vào mục đích bảo vệ môi trường sống, chứ không phải thu sản phẩm gỗ. Các nhu cầu tiêu dùng từ sản phẩm gỗ đã và đang dần được thay thế bằng các nguyên liệu nhân tạo.

Ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ra Nghị định số 99 về việc chi trả dịch vụ môi trường. Như vậy từ nay trở đi, những người trồng và bảo vệ rừng sẽ được đền đáp công lao bằng nguồn chỉ trả phát thải của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hưởng lợi từ rừng như: Các nhà máy thủy điện, các đơn vị kinh doanh nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông - công nghiệp, các nhà máy phát thải ra khí CO2... Đây thực sự đang là chủ trương, chính sách thúc đẩy phong trào Tết trồng cây không còn là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn có ý nghĩa bảo vệ sự sống con người mang tính toàn cầu do Bác Hồ kính yêu khởi xướng.


Văn Đoàn