Thiếu lao động giúp việc sau Tết

08/02/2012 10:33

(Baonghean) Lâu nay, trong nhiều gia đình, đặc biệt tầng lớp công chức ở thành phố thường có thêm một thành viên là... người giúp việc. Chính vì thế, không ít gia đình bỗng dưng tá hỏa khi ra Tết, người giúp việc đột nhiên "một đi không trở lại".


Mỏi mắt
chờ... "ôsin"


Chị Trần Thị Thuý nhà ở phường Lê Lợi (Thành phố Vinh) là giáo viên dạy tTiếng Anh, đã 2 năm nay chị phải thuê người giúp việc bởi con thứ hai của chị chưa đến tuổi đi học mẫu giáo, chồng chị lại công tác xa, ông bà hai bên nội, ngoại cũng bận bịu nghề kinh doanh.

Mấy ngày nay, "ô sin" chưa đến, ruột gan chị như lửa đốt. Chị cho biết: "Tết năm nay, hai anh trai của bé gái giúp việc không về quê ăn Tết, bố nó lại ốm nên nó chưa thể trở lại thành phố theo như hợp đồng miệng với chị được:"Tôi hết gửi con bên ông bà nội đến ông bà ngoại, có hôm bí quá còn mang con đến trường với mẹ" - Chị Thúy than thở.


Còn gia đình anh Đào Xuân Cường , trú tại Nghi Kim (Thành phố Vinh), vợ làm nghề giáo viên, còn anh làm nghề kinh doanh nên công việc lúc nào cũng bận. Trước Tết, vợ chồng chuẩn bị quà cho người giúp việc chu đáo: từ gói mỳ chính cho đến thịt, cá, quần áo... và ngoài tiền "lương" tháng 12, anh còn có thêm chút tiền mừng tuổi cho cô bé và chở về tận nhà,ở huyện Anh Sơn.

Trước khi anh Cường trở về Vinh, cô bé còn xin anh Cường 200 nghìn để nạp tiền cho điện thoại di động, anh Cường đồng ý mua cho thẻ điện thoại để những ngày Tết để liên lạc. Thế nhưng, mấy ngày Tết người giúp việc cũng lặng im, anh Cường điện thoại nhiều lần, lúc thì cô bé không nghe máy, lúc thì bảo ốm, lúc bảo đang giúp bố mẹ ra đồng... Anh phải đánh đường lên tận nhà thì được biếtHạnh đã nhận lời đi giúp việc cho một gia đình đồng hương đang công tác ở Hà Nội với thu nhập gấp đôi so với thu nhập cũ.


Thời điểm ra Tết, cũng là thời điểm số người giúp việc làm theo giờ, theo ngày cũng khó tìm hơn so với trong Tết. Điều này, khiến cho những người có nhu cầu tìm người giúp việc, nếu không ở lâu dài thì chỉ cần thuê theo giờ, theo ngày... cũng trở nên khó khăn. Nhất là khi ở TP. Vinh chưa có trung tâm môi giới người giúp việc thì những ai có nhu cầu chỉ còn cách lân la nhờ bạn bè, người thân ở quê xem có ai rảnh rỗi thì đến giúp năm hôm, ba bữa, nhưng chỉ là giải pháp tình thế.


Muôn vàn lý do...
và nỗi niềm


Có hàng trăm lý do để những người giúp việc nấn ná hoặc bỏ việc sau Tết. Nào là bận đồng áng, đau yếu, người trẻ thì mải chơi, vui bạn vui bè, hoặc đến tuổi lấy chồng, muốn bỏ việc để đi làm công nhân, người lớn tuổi thì "con cái họp bàn không cho đi"... Trong số này, không ít những lý do được đưa ra chỉ vì muốn được... tăng giá. Ngay như nhà anh Cường (kể trên), người giúp việc nhận thấy chủ mới trả lương cao hơn là bỏ chủ cũ. Anh Cường nói: "Thà rằng người ta nói với mình một câu, muốn tăng lương cũng phải nói, đằng này im lặng mà đi...".


"Thị trường" người giúp việc không phải năm nay mới "nóng" sau Tết, song việc tăng giá đến chóng mặt như năm nay thì vẫn khiến nhiều gia chủ... choáng váng. Có khá nhiều "ô sin" đã đòi đến mức lương 2 triệu hoặc hơn thế cho một tháng giúp việc (xấp xỉ, thậm chí cao hơn mức lương một công chức).

Tuy nhiên, cái cách "làm khó" cho gia chủ khiến nhiều người vừa phải trả tiền lại vừa chuốc thêm nỗi bực mình. Gia đình anh Hiệp - chị Ngọc ở phường Hà Huy Tập (Vinh) cất công lên Tân Kỳ đón "ô sin"; đã hiểu ngay là "ô sin" muốn tăng "lương": "Em nể anh chị em mới trở lại, nhiều người muốn em đến giúp việc lắm nhưng em chưa nhận lời". Anh Hiệp biết ý nên tăng "lương" cho cô này từ 1, 5 triệu/tháng lên 2 triệu/tháng, tiền tàu xe đi lại trong năm chủ nhà phải lo.


Tuy vậy, thì phía người đi giúp việc cũng có nỗi niềm riêng. Chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Dung (quê Thanh Chương) giúp việc cho một gia đình tại Khu chung cư Tecco (TP.Vinh), ra Tết cũng muốn đi làm tiếp nhưng "con cái đứa thì ở xa về, đứa thì ở quê dù đang rất nghèo nhưng đều bàn: thôi mẹ ở nhà chứ cứ đi giúp việc cho họ xấu mặt chúng con".

Hay như em Chu Thị Huyền (quê Diễn Châu) thì đã đến tuổi cập kê nên chấp nhận đi làm công nhân dù vất vả, lương thấp hơn, lại còn xa quê, phải lo chỗ ăn chỗ ở, để kiếm chồng chứ nếu "cứ mang tiếng là người giúp việc thì cũng ngại yêu đương". Có nhiều người khác thì vì thái độ của gia chủ mà bỏ việc, cũng có người không thích bị bó buộc và kiểm soát nên tìm cách bỏ việc...


Thực tế ấy cho thấy, mặc dù "ô sin" bấy lâu đã được xem như một nghề thì nhiều người vẫn quan niệm chưa đúng về " nghề" này. Chính vì vậy đã vô tình tạotâm lý không hay về công việc của người giúp việc và tạo điều kiện để giá cả của dịch vụ này lên cao.

Bên cạnh đó, việc quản lý cũng như hợp đồng cho công việc này còn muôn hình vạn trạng, chủ yếu là thỏa thuận miệng giữa chủ nhà và "ô sin", cùng lắm là với công ty môi giới (nếu có) nên cũng còn rất nhiều chuyện dở khóc dở cười của cả gia chủ lẫn người giúp việc. Vì thế, trước khi chờ đợi một quy định có tính pháp lý chung, thì mỗi gia chủ cũng nên có những thỏa thuận chặt chẽ với người giúp việc, đồng thời cũng hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào người giúp việc xảy ra như trên.


T.H- T.V