Cẩn thận với lá lộc mại

27/02/2012 16:56

(Baonghean) Thời gian qua, khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Nghệ An tiếp nhận một bệnh nhân bị ngộ độc, thiếu máu nặng. Nguyên nhân là do trước đó người nhà dùng lá lộc mại để tự chữa bệnh cho cháu...

Cây lộc mại còn có một số tên gọi khác như "lục mại", "mọi trắng", "bọ nẹt"..., tên khoa học là Claoxylon indicum (Reinw.ex Bl.) Hassk. Cây thường mọc hoang dã tại một số vùng núi, vùng trung du và vùng đồng bằng. Tại các huyện vùng cao ở tỉnh ta, cây còn được người dân dùng để làm hàng rào và chữa bệnh, đặc biệt là bệnh táo bón.


Theo bác sỹ Đậu Thị Hồi - Khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi thì một năm bệnh viện tiếp khoảng vài chục bệnh nhân bị ngộ độc lá lộc mại và một số lá rừng khác. Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Nhiều trường hợp do đến muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu đã dẫn đến tử vong. Điều đáng nói là, việc sử dụng lá lộc mại và một số lá cây rừng đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân do thiếu hiểu biết vẫn sử dụng để chữa bệnh. Nên chăng, trạm y tế xã và y tế các thôn bản cần tích hơn nữa tuyên truyền cho người dân về tác hại của lá lộc mại và đưa ra các phương pháp sơ cứu để người dân hiểu và áp dụng nếu gặp trường hợp không may xảy ra.


Song Hoàng