Không chịu lùi trước số phận

20/01/2012 10:26

(Baonghean.vn) - Đã xem trên ti vi chiếc xe tự động dành cho người khuyết tật được chế tạo tại Mỹ với giá hàng nghìn đô la, tôi ngạc nhiên và tò mò khi thấy một người mất cả 2 chân nhưng vẫn di chuyển nhanh nhẹn trên chiếc xe điện 3 bánh khá độc đáo, ngay tại Thị trấn huyện Diễn Châu.

(Baonghean.vn) - Đã xem trên ti vi chiếc xe tự động dành cho người khuyết tật được chế tạo tại Mỹ với giá hàng nghìn đô la, tôi ngạc nhiên và tò mò khi thấy một người mất cả 2 chân nhưng vẫn di chuyển nhanh nhẹn trên chiếc xe điện 3 bánh khá độc đáo, ngay tại Thị trấn huyện Diễn Châu.

Đó là anh Đinh Văn Cảnh - thương binh đặc biệt (hạng 1/4), ở khối 3, Thị trấn Diễn Châu. Trở về từ chiến trường Cămpuchia, sau một thời gian sống ở trại an dưỡng, anh Cảnh quyết định về quê lập nghiệp. Với những kiến thức được học trong thời kỳ quân ngũ về cơ khí, anh mày mò chế tạo chiếc xe gắn máy ba bánh để đi lại và chở hàng phụ giúp vợ con. Thấy hiệu quả cao của chiếc xe, nhiều người cùng cảnh ngộ nhờ anh làm giúp.

Không quản ngại, anh đã giúp các thương binh, người tàn tật ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chế tạo ra hàng trăm chiếc xe gắn máy ba bánh. Điều độc đáo là chiếc xe của anh có thể tiến, lùi một cách dễ dàng nhờ "hộp số lùi tự động" do anh chế ra. Đây là một công đoạn khó nhất mà đến nay các cơ sở ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn còn phải đặt hàng với anh.


Từ những kinh nghiệm chế tạo chiếc xe gắn máy ba bánh, mới đây, anh lại sáng chế ra chiếc xe chạy bằng điện dành cho người khuyết tật, điều thú vị là xe có thể ngồi hoặc nằm cũng điều khiển được, xe có thể xoay 180 độ và người chỉ còn 1 tay cũng điều khiển dễ dàng. Xe có thể di chuyển trong nhà, và đi xa từ 30-40 km mới phải xạc điện. Khi hết điện, có thể điều khiển bằng tay. Anh cho biết, bản thân là một người khuyết tật nên biết cái gì cần phải có ở chiếc xe này. Những linh kiện để chế tạo đều dễ dàng mua trên thị trường với giá mỗi chiếc cỡ 7 triệu đồng.


Nhờ chiếc xe anh Cảnh chế tạo, một số người khuyết tật từ chỗ phải sống nhờ vào người khác trong sinh hoạt hàng ngày, nay có thể đi lại và tự kiếm sống được. Nhiều người bị tật đã không cầm được nước mắt. Họ nói, nếu không có sự sáng tạo của anh Cảnh thì cả đời cũng không có cơ hội để tiếp xúc với những phương tiện như thế!


Nhằm tạo cơ hội cho người khuyết tật được hoà nhập với cộng đồng, hiện nay, anh Đinh Văn Cảnh đang cùng một số người bạn đang xúc tiến thành lập một trung tâm dạy nghề cơ khí, điện tử cho người khuyết tật do anh và một số người làm nghề cơ khí tự nguyện đứng ra giảng dạy...


Anh Cảnh cũng mong muốn một ngày nào đó, chiếc xe tự động giá rẻ của anh được đầu tư sản xuất hàng loạt để những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng.


Đức Chuyên