Vượt trần lãi suất: Người gửi cũng bị xử lý

12/01/2012 18:16

Nếu tổ chức tín dụng vi phạm trần lãi suất, nếu người dân tham gia thì đó cũng là những tòng phạm, và theo pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm.

90% hệ thống liên ngân hàng cho vay bình thường. Ảnh minh họa

"Do đó, chúng tôi đề nghị người dân không tiếp tay với những vi phạm này", Thống đốc nói.

Trao đổi trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin Chính phủ điện tử sáng 12/1, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định mọi hành vi vi phạm các quy định của NHNN, trong đó có quy định về trần lãi suất đều vi phạm pháp luật và là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Nếu người dân có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm, hãy gửi các bằng chứng này tới NHNN để xử lý nghiêm.

Thời gian qua, NHNN cùng lực lượng Công an đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm. Rất mong người dân nếu phát hiện được các hành vi vi phạm thì báo ngay cho NHNN xử lý.

"Tôi cũng xin nói thêm là nếu tổ chức tín dụng vi phạm, người dân mà tham gia, thì đó cũng là những tòng phạm, và theo pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm. Do đó, chúng tôi đề nghị người dân không tiếp tay với những vi phạm này", Thống đốc khẳng định.

Theo Thống đốc, nếu khó vay vốn trên hệ thống liên ngân hàng là không chính xác, chỉ là tin đồn.

Hiện, 90% hệ thống liên ngân hàng cho vay bình thường, chỉ khoảng 10% các tổ chức tín dụng khó khăn hoặc có hiện tượng hoạt động không lành mạnh thì khó vay.

"Nếu một người bạn có khả năng toán, đạo đức tốt thì chúng ta dễ dàng cho vay hơn với một người bạn nhất định không thể trả nợ và vay chỉ để tiêu xài hoang phí. Do vậy, tôi xin khẳng định hiện có khoảng 10% các tổ chức tín dụng- 10% tính theo thị phần ngân hàng, đang có những khó khăn về tình hình tài chính, khó vay trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, khi cho vay các ngân hàng khác đòi hỏi phải có thế chấp. Tình hình này đòi hỏi NHNN phải xử lý các tổ chức không lành mạnh đó để trả lại sự lành mạnh cho thị trường", Thống đốc nói.

Về vấn đề của ngân hàng hợp nhất SCB, Thống đốc cho hay sau hợp nhất SCB đã chuyển biến tích cực. Nếu như trước hợp nhất, tại 3 tổ chức, người dân đều đến rút tiền rất nhiều, luồng tiền vào nhỏ hơn luồng tiền ra.

Để đảm bảo khả năng thanh khoản và chi trả cho người dân, cả 3 đều phải vay tái cấp vốn của NHNN. Đến nay, dòng tiền đã cơ bản cân bằng, luồng tiền vào đã có lúc cao hơn luồng tiền ra. Như vậy, đã có điều kiện để SCB ổn định trở lại. Hiện SCB đã có nhiều giải pháp như phối hợp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để đầu tư vào các dự án họ đã cho vay trước đây để tạo thanh khoản cho hệ thống.


Theo Infonet