Để ấm lòng người ở lại

08/12/2011 15:15

Như các phương tiện truyền thông đã cập nhật, vụ tai nạn thảm khốc tại dốc Pù Huột (Bình Chuẩn- Con Cuông - Nghệ An) sáng qua đã cướp đi sinh mạng mười người trai trẻ của xã Châu Lý- huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Họ ra đi để lại những người vợ trẻ với niềm đau hóa đá, những đứa con thơ dại đầu trắng khăn tang.

(Baonghean) - Như các phương tiện truyền thông đã cập nhật, vụ tai nạn thảm khốc tại dốc Pù Huột (Bình Chuẩn- Con Cuông - Nghệ An) sáng qua đã cướp đi sinh mạng mười người trai trẻ của xã Châu Lý- huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Họ ra đi để lại những người vợ trẻ với niềm đau hóa đá, những đứa con thơ dại đầu trắng khăn tang.

Cùng với các đoàn lãnh đạo các cấp đến thăm hỏi, chia buồn, hỗ trợ những gia đình nạn nhân, chúng tôi đã chứng kiến và thêm buốt lòng trước gia cảnh của những con người xấu số.

Trường hợp đầu tiên mà tôi muốn ghi lại là gia cảnh hai anh em nạn nhân xấu số Lô Văn Minh- Lô Văn Thông. Khi chúng tôi đến với gia đình thì xác hai anh em cũng vừa được đưa về. Trong túp lều nhỏ ước chừng khoảng 30 mét vuông, xác hai anh em được đặt hai phía đầu nhà trên nền đất lạnh. Hai người vợ trẻ chốc chốc lại ngất lịm bên thi thể chồng, phía ngoài sân 3 đứa con của hai nạn nhân được bà con trong bản bồng bế, đứa thì ngủ say, đứa thì ngơ ngác trước người lạ. Con của Lô Văn Thông mới tròn một tuổi; con của Lô Văn Minh đứa lớn 2 tuổi, đứa nhỏ với chưa đầy 4 tháng, chúng còn quá bé để hiểu được nỗi mất mát quá lớn này.

Gia đình Thông và Minh nghèo lắm, nghèo như không thể nghèo hơn. Ngay chỗ đất để dựng túp lều này cũng đang phải mượn tạm của gia đình hàng xóm. Ngày cưới Thông và Minh dân bản đã phải người góp chai rượu, người góp bát gạo để giúp đỡ. Bao ngày qua, 10 con người của ba thế hệ cứ sớm tối phải chui ra chui vào trong túp lều tơ tướp ấy, gạo chẳng đủ mà ăn, áo không đủ mà mặc. Khi nhận được tin hai anh em mất, Bí thư chi bộ bản Vi Thanh Hùng đã phải đôn đáo ngược xuôi vay cho đủ vài trăm ngàn để kịp thời lo việc. Những gia đình hàng quán gần đó đã góp tiền mua gạo để giúp có cái bỏ vào nồi cho đỡ đói lòng những người đang lo việc tang gia.



Hai đứa con nhỏ của nạn nhân Lô Văn Minh



Lãnh đạo các cấp cùng họp bàn phương án giúp đỡ gia đình nạn nhân

Chuyện của nạn nhân Lê Văn Lường cũng chạnh lòng không kém. Sinh ra ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, số phận đưa đẩy anh về làm rể đất Na Lạn. Bao ngày qua, cứ ngày anh đi làm công nhật, tối về lại lụi cụi xây nhà. Vậy nên căn nhà của anh khởi công đã hơn một năm mà nay vẫn chưa xong phần tường gạch. Gom góp từng cắc bạc làm cái nhà để ở nên đến nỗi một manh áo mới cũng chẳng dám bỏ tiền ra mua. Nay thì nhà chưa xong mà anh đã về với miền thiên cổ, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học lâm vào cảnh bơ vơ...

Nạn nhân Vi Văn Nhỏ cũng thế, sớm mồ côi cha mẹ, Nhỏ lớn lên trong sự đùm bọc của anh em làng bản. Năm ngoái vợ chồng anh được xã xét hỗ trợ theo chương trình xóa nhà tạm 167, gom góp vay mượn ngược xuôi mới cất được căn nhà để ở. Những món nợ làm nhà trả chưa xong thì nay tang thương ập xuống, nhiều người chạnh lòng không biết mai này người vợ trẻ sẽ xoay xở ra sao...

Chúng tôi đã đến từng nhà, mười nạn nhân ra đi là mười phận nghèo tê tái. Bà con dân bản không ai bảo ai đã tự nguyện người góp cân gạo, người góp bó củi, người góp tấm vải xô khâm liệm... để cùng chung lo việc tang gia, đưa tiễn người xấu số về nơi an nghỉ. Hơn bao giờ hết, lúc này sự sẻ chia của cả cộng đồng sẽ làm vợi bớt khó khăn, vợi bớt nhói lòng một nỗi đau quá lớn.


Cao Duy Thái