Hoảng hồn vì nhiều trẻ bị loét miệng

21/02/2012 18:08

Miệng ngậm bung búng nước bọt, đòi ăn nhưng khi cho ăn thì các bé đều khóc thét lên vì đau đớn. Kiểm tra thấy miệng con nhiều vết loét, nhiều mẹ hoảng hồn tức tốc đưa đến viện bất kể đêm hôm vì sợ tay chân miệng.

Đau đớn không ăn, không uống...

Chị Lê Thị Minh (Khu phố Trang Hạ, phường Trang Liệt, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, ngày 19/2, 4h sáng mà chị phải bế con từ Bắc Ninh vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) khám vì bé đang ngủ bỗng dưng tỉnh giấc, cứ ngửa người ra khóc, dỗ thế nào cũng không được, con cứ bập miệng vào ti mẹ rồi lại nhả ra khóc thét… “Nhìn thấy vết loét trong miệng khi con khóc, hai vợ chồng đêm hôm phải bắt xe cho con đi khám vì sợ tay chân miệng.

Dù bác sĩ giải thích bệnh do vi-rút gây ra, về bôi thuốc, theo dõi 3 ngày sau khám lại nhưng thấy 5 - 6 bé bị loét miệng tương tự cùng khu, chiều qua (20/2) mình lại đưa con tới khoa Nhi khám thêm một lần nữa và “năn nỉ” bác sĩ kê kháng sinh vì bé vẫn đau đớn, không chịu ăn, ti mẹ dù rất đói”, chị Minh kể.



Các vết loét dễ dàng phát hiện khi khám họng cho bệnh nhi. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ được bố mẹ đưa tới khám vì loét miệng, trung bình 6 -7 trường hợp/ ngày. Hầu hết phụ huynh đưa đến đều hoảng loạn, lo lắng sợ con bị tay chân miệng. Nhưng khi khám kỹ thì hầu hết các cháu bị loét miệng do vi-rút gây ra. Đây là một loại vi-rút đường tiêu hóa và thường gặp ở những trẻ đang bị sốt vi-rút.

“Quả thực với người dân, rất khó để phân biệt các vết loét này với bệnh tay chân miệng nên họ lo lắng là đúng. Nhưng nó khác với tay chân miệng ở chỗ, bé chỉ bị loét tại vùng niêm mạc miệng, đầu lưỡi, sát vòm họng..., nốt loét không phỏng nước và không có nốt ở tay, chân và tình trạng chung của trẻ vẫn rất khỏe khoắn, nghịch ngợm, vẫn đòi ăn”, TS Dũng nói.

Tự khỏi sau 3 ngày

Với những trường hợp trên, “chỉ cần chăm sóc để bé vẫn ăn uống được là bố mẹ sẽ đỡ lo lắng và sau 3 - 5 ngày là tự khỏi, không phải dùng bất cứ loại thuốc kháng sinh nào. Việc cha mẹ đòi kê kháng sinh hoặc tự cho con uống kháng sinh và tin rằng nhờ đó bé khỏi là hoàn toàn không phải”, TS Dũng nhấn mạnh.

“Thực chất, căn bệnh này thường không gây biến chứng gì cả nếu vệ sinh đúng cách (uống nước sau bữa ăn)”, TS Dũng nói.

Khi bé xuất hiện nốt loét đầu tiên, cha mẹ thường chưa để ý vì bé hơi đau vẫn ăn được nhưng những nốt loét sẽ nhân lên nhanh chóng, có những bé đến hàng chục nốt loét trong vòm miệng. Lúc này, bôi thuốc tê giảm đau tại chỗ (các thuốc sát trùng giảm đau như thuốc zytee hoặc những thuốc có hình đôi môi khác) trước bữa ăn, giúp bé bớt đau đớn và sẽ ăn uống được; tiếp đó uống vitamin C, kẽm để tăng cường sức đề kháng.

Trước khi bôi thuốc cho con cần rửa tay xà phòng sạch sẽ, để khô, bôi thuốc vào ngón tay út rồi xoa vào cả vòm miệng của trẻ. Sau chừng 15 phút bôi thuốc có thể cho bé ăn nhưng chú ý ăn, uống đồ nguội, không ăn mặn, không ăn chua cay và đồ ăn mềm. Tuyệt đối không bôi các loại thuốc dân gian (thuốc cam), vừa không vệ sinh vừa có nguy cơ gây ngộ độc chì hoặc dùng gạc thấm muối sinh lý lau làm tổn thương thêm niêm mạc miệng. Chắc chắn bệnh sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày mà không phải dùng tới kháng sinh.


Theo Dân trí