Một Lễ hội Tôn vinh gương lập công, lập đức

19/02/2012 15:00

(Baonghean) - Đã có rất nhiều nghiên cứu, hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Các đánh giá đều nhận định, Ngài là bậc khai quốc công thần độc đáo trong lịch sử các triều đại nước ta với “hai lần khai quốc”.

Ngài còn là Tướng quốc Công thần phò 4 đời vua thời Hậu Lê (Lê sơ). Công lao “trung quân ái quốc” của Ngài sử sách đã ghi nhận, Ngài còn là “người lập đức cho muôn đời: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, dòng họ; yêu thương nhân loại; quan tâm dạy bảo con cháu giữ bền gia phong gia đạo” (theo Giáo sư Nguyễn Đình Chú).

Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí sinh năm 1397, nguồn gốc vốn ở làng Động Gián (Cương Gián), nay thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đến đời ông nội Ngài làNguyễn Hợp đã dời gia đình sang sống tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ Ngài là Nguyễn Hội cùng thân mẫu là phu nhân Vũ Thị Hạch đã sinh Ngài tại đây, gia đình lúc đó gắn với nghề làm muối … Cha mẹ qua đời, 9 tuổi Nguyễn Xí phải theo anh là Nguyễn Biện ra Lam Sơn, Thanh Hóa ở với Lê Lợi – một thổ hào có chí khí trên đất Mường. Năm 1418, Lê Lợi chính thức phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược, hai anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí đã có mặt ngay từ đầu… Sớm trở thành một dũng tướng tài ba, Nguyễn Xí chỉ huy đội quân chủ lực, đi suốt mười năm cuộc khởi nghĩa cho đến thắng lợi cuối cùng vào năm 1428, công lao xếp hàng bậc nhất. Năm 1459, Nguyễn Xí cùng một số trung thần nghĩa sỹ giết bọn phản nghịch, hạ bệ Nghi Dân - kẻ tiếm ngôi vua, để đưa Lê Tư Thành lên ngôi là vua Lê Thánh Tông, một vị minh quân đưa đất nước tới độ cường thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam thời trung đại. Để có thành công đó, Nguyễn Xí đã phải hy sinh cho đại nghĩa người con trai út là Duy Tân chưa đầy một tuổi, để lại một sự kiện bi tráng có một không hai trong lịch sử nước nhà…Ngài cũng còn nhiều công lao khác với quê hương xứ sở, như việc nuôi dưỡng, cảm hóa những tù binh giặc Minh, tù binh Chiêm Thành, biến họ thành những công dân Đại Việt thực thụ. Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí thật xứng với sắc phong của vua Lê Thánh Tông: “Bình Ngô khai quốc, tĩnh nạn trung hưng”… Là Tướng quốc Công thần trải bốn đời vua, công lao tột bậc, trọng trách lớn lao, Ngài vẫn không mảy may sai đạo bề tôi phò vua giúp nước. Con cái của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí đều vâng theo lời di huấn của Ngài, một lòng trung hiếu đóng góp công lao cho dân cho nước được sử sách ghi nhận.



Đền Nguyễn Xi ngày hội

Sau khi Ngài mất (năm 1465), vua Lê Thánh Tông cho xây đền thờ tại địa điểm xã Nghi Hợp, Nghi Lộc ngày nay; thờ song thân, anh trai, Ngài và phu nhân với chế độ “quốc tạo” (nhà nước xây) và “quốc tế” (nhà nước tế). Bậc thần Ngài được phong cao nhất là Đại vương, Thượng Thượng đẳng tôn thần. Năm 1990, Nhà nước ta đã công nhận Đền là “Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia”. Đền thờ Nguyễn Xí dù đã trải bao đời nay vẫn nguy nga, tráng lệ, uy nghiêm, là một di sản vô giá, có sức lan tỏa sâu sắc trong đời sống tinh thần của nhân dân hiện nay. Tại đền thờ, chưa một ngày vắng hương khói, việc tế lễ ngày một quy củ hơn, hội tụ con cháu ở mọi miền đất nước và hải ngoại, lễ tế cũng ngày một đậm tình huyết tộc thiêng liêng đậm tính giáo dục gia phong, truyền thống tốt đẹp của cha ông. Lễ hội đền Nguyễn Xí vào ngày 30 tháng Giêng và mùng 1 tháng Hai âm lịch hàng năm cũng thu hút nhiều thiện nam, tín nữ ở nhiều địa phương xa gần đến cầu phúc, cầu yên ngày một đông. Từ các cứ liệu lịch sử đáng tin cậy cho thấy rõ sự thực về gốc tích quê hương tổ nghiệp, công lao đức độ của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, nên di tích lịch sử về Ngài ở Nghi Hợp sẽ mãi mãi hiện hữu, trường tồn với thời gian, với cả tâm thức sâu thẳm của mọi người dân xứ Nghệ và nó sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đền Nguyễn Xí năm Nhâm Thìn 2012 cũng như thường niên, được tổ chứcvào ngày 30 tháng Giêng và ngày mùng 1 tháng Hai tới, lại cũng là dịp kỷ niệm 615 năm sinh danh nhân Nguyễn Xí (1397 – 2012), 545 năm Đền thờ Nguyễn Xí đi vào hoạt động, cũng là dịp khánh thành việc nâng cấp lăng mộ Nguyễn Xí và song thân của Ngài. Lễ hội đền Nguyễn Xí hàng năm còn gọi là Lễ mừng công là ngày Nguyễn Xí được phong thưởng sau đại thắng giặc Minh, đã trở thành lễ hội của vùng có các địa phương khác trong tỉnh tham gia. Quy mô, sự trang trọng, ý nghĩa của lễ hội đã trở thành niềm tự hào thiêng liêng không chỉ cho con cháu dòng tộc của Ngài, mà đã có sự thu hút đặc biệt đậm nét văn hóa tâm linh đối với nhân dân nhiều địa phương trong cả nước. Di tích đền Nguyễn Xí và lễ hội hàng năm cũng đã trở thành điểm đến cho khách du lịch, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu thêm về những nét độc đáo riêng trong dòng chảy văn hóa xứ Nghệ giàu bản sắc và truyền thống yêu nước.

Về với Lễ hội đền Nguyễn Xí năm nay, thêm không khí kỷ niệm 615 năm sinh của Ngài, có dịp để hậu thế ghi nhớ lạithân thế, sự nghiệp một bậc khai quốc công thần đại dũng đại trí, một danh nhân để lại cho muôn đời tấm gương lập công, lập đức vì nước vì dân. Trong Đền thờ Ngài có tấm bia ghi lời chế của vua Lê Thánh Tông: “… Xét (Nguyễn Xí) đây: khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò Tiên khảo khi thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc khẳng khoe tươi. Nghiêm mặt giữa triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh… Than ôi! Bình nội nạn, chính ngôi vua, trong đời công lao hơn cả…”. Hỏi có bề tôi nào được vua sủng ái, quyến luyến hơn thế? Và còn đây, lời dạy của một bậc Thái úy Tướng quốc cho con cháu: “…Nay các ngươi trông thấy nhà đẹp ruộng tốt, giàu có, thì hãy nghĩ đến nỗi vất vả chặt gai phát bụi của ta. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ, thì phải nghĩ đến thời ta phải gian khổ, nằm tuyết gối đong. Ta thấy đời Đường, Lý Tĩnh là bậc danh tướngnhưng có hai con là Kính và Nghiệp phạm tội làm phản. Các ngươi lấy đó làm gương để tránh. Đời Tống có Tào Bân cũng là danh tướng nhưng có hai con là Xán và Vĩ lại bước lên đàn tướng lĩnh. Các ngươi nên sánh với họ. Các ngươi con cháu phải cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiếu cháu thảo của ta. Nhược bằng trái lại, nếu ai gây đầu mối tranh giành nhau thì các ngươi phải làm biểu tâu lên triều đình về tội bất hiếu. Các ngươi hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy của ta, không được quên…” (Trích “Di huấn”). Theo Phó Giáo sư Hoàng Văn Lân thì bản “Di huấn” của Nguyễn Xí cho thấy cốt cách, phẩm chất trung nghĩa của Ngài: Trung với đất nước Đại Việt, trung với triều đại Lê sơ. Để lại cho con cháu đời sau lời dạy như thế, là Ngài muốn các thế hệ con cháu không bao giờ được quên cuộc đời và sự nghiệp trung nghĩa của mình, hơn nữa còn phải đi theo con đường trung nghĩa mà Ngài từng đi suốt cuộc đời, và chỉ thế mới xứng là “con hiền cháu thảo”…

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Chú thì, bao đời nay con cháu của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí vẫn coi Ngài là vị Thủy tổ, mặc dù trên Ngài vẫn lưu tích Thượng tổ, Khải tổ, bởi vì Nguyễn Xí đã bằng những cống hiến đột khởi và phi thường cho Tổ quốc, cho dân tộc để từ đó mở ra một dòng họ Nguyễn Đình Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí tồn tại hơn 600 năm nay có 376 đền thờ từ đời 14 trở lên, có 117 tộc phả thuộc các chi phái trong đại tộc… Về dự Lễ hội đền Nguyễn Xí năm nay, con cháu của Ngài cũng như đông đảo du khách, nhân dân các địa phương sẽ được viếng thăm Khu lăng mộ trong khuôn viên 1.000m2, trung tâm gồm mộ của Khải tổ Đình Quận công Nguyễn Hội (phụ thân của Ngài), mộ của Quận phu nhân Vũ Thị Hạch (mẫu thân của Ngài) và mộ của Ngàivừa được tôn tạo từ đóng góp của con cháu gần xa. Mộ của Khải tổ Nguyễn Hội có đường kính 11,4m được ghép bằng 24 tấm đá Thanh Hóa tương ứng với số cháu của Đức Khải tổ. Mộ của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí ghép bằng 24 tấm đá tượng trưng cho sự ôm ấp của 24 người con (16 con trai và 8 con gái) quanh người cha đáng kính. Mộ của Quận phu nhân Vũ Thị Hạch đường kính 8 m gồm 8 tấm đá ôm trọn như sự nâng niu của 8 người con gái quanh người mẹ hiền. Các bia dẫn tích, tắc môn làm từ đá nguyên khối đưa từ Bình Định ra, lư hương làm bằng đá Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng… tất cả đều được chạm khắc tinh xảo theo hoa văn kiến trúc thời Lê…

Có thể nói, nét riêng đáng ghi nhận của Lễ hội đền Nguyễn Xí là mỗi lần tổ chức lại có sự phối hợp chặt chẽ của Ban quản tộc Dòng họ Nguyễn Đình. Theo ông Nguyễn Thanh Tiên, nguyên Tổng Biên tập báo Nghệ An, nay là Chánh quản tộc đại tôn dòng họ, thì: “Hoạt động của Đại tôn Dòng họ Nguyễn Đình Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí là sẽ tập trung quản lý cả mặt vật thể và phi vật thể tại Đền thờ. Làm tốt công tác giáo dục thân thế sự nghiệp, công lao to lớn của Đức tổ cho con cháu nhằm mục đích “Tổ tiên trồng cây đức – con cháu vun đắp nền nhân”, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ để sống hữu ích…”.

Lễ hội đền Nguyễn Xí hàng năm diễn ra trang trọng, linh thiêng và là nhu cầu tự thân của dòng chảy văn hóa - lịch sửquê hương, dân tộc; đã luôn là sự tôn vinh một danh nhân sáng ngời tấm gương lập công, lập đức vì nước vì dân; tự hào, ghi nhận những cống hiến lớn lao của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí trong thời kỳ Lê sơ của nước Đại Việt.


Đình Sâm