Tận cùng của võ là văn
(Baonghean.vn)- Là một người hâm mộ tài năng của võ sư - chưởng môn phái Nhất Nam, được xem triễn lãm tranh, ảnh và tuyển tập thơ của ông, càng khâm phục khi biết Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu đã trao danh hiệu "Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học" cho Giáo sư, Bác sỹ Ngô Xuân Bính vì có những đóng góp trong việc khám, chữa bệnh và những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao ở ngay cái nôi hàn lâm bác học - nước Nga!
Làm sống dậy môn võ dân tộc
Sinh ra trong một gia đình võ thuật ở Thành Vinh, Ngô Xuân Bính sớm thể hiện là người có năng khiếu và đam mê, chịu khó "tầm sư học đạo" những võ sư khắp vùng Nghệ An, Thanh Hoá. Chàng thanh niên xứ Nghệ đã đem theo cả niềm đam mê đó đến với giảng đường Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Vừa học văn hoá, Ngô Xuân Bính vừa miệt mài truyền dạy võ thuật cho các bạn, tạo thành phong trào tập luyện võ thuật trong trường.
Năm 1983, ở tuổi 24, Ngô Xuân Bính đã làm được điều phi thường là thống nhất các gia phái, hệ phái võ cổ truyền vùng Nghệ An, Thanh Hoá thành môn phái võ "Nhất
Trò chuyện, Ngô Xuân Bính cho rằng võ thuật không phải là bạo lực, mà là con đường dẫn đến sự hoàn thiện, sự hoà hợp giữa bản thể và cộng đồng, là đạo tu thân. Võ cổ truyền chính là di sản văn hoá mà ông cha ta để lại, tập võ ngoài việc làm cho con người khoẻ mạnh, có ý chí kiên cường, còn thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người con đất Việt.
Võ sư Ngô Xuân Bính biểu diễn một thế võ
Xuất phát từ quan điểm đó của Chưởng môn phái, gần 10 năm ra đời (từ 1983 đến 1990), võ Nhất Nam phát triển nhanh chóng, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia tập luyện, nhiều thế hệ học trò xuất sắc đã kế tục sứ mệnh của ông, đưa môn phái phát triển ở các địa bàn xa xôi. Năm 1990, ông đã giao lại cho học trò duy trì môn phái ở trong nước, để xuất ngoại gây dựng, quảng bá di sản văn hoá này. Với sự nhiệt tình, tâm huyết của võ sư Ngô Xuân Bính, cộng với những tinh hoa của võ Nhất Nam, môn võ ẩn hiện sau những luỹ tre làng đã sớm chinh phục trời Âu. Đến nay, Võ Nhất Nam đã có trên 40.000 môn sinh với hàng loạt các Liên đoàn võ Nhất Nam có mặt ở các nước như Nga, Bêlarút, Lítva, Ucraina...
Trở thành giáo sư, viện sỹ trên đất Nga
Sau gần 20 năm phát triển môn phái võ Nhất Nam ở nước ngoài, đến nay Ngô Xuân Bính là Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam ở Nga, Bêlarút, Lítva, Ucraina... Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền cấp quốc gia tại Nga từ năm 2005. Từ võ thuật, Ngô Xuân Bính còn nghiên cứu cả y học vì theo ông, học võ, trước hết là để tăng cường sức khỏe cho chính bản thân, cao hơn nữa, là dùng võ để chữa bệnh cho mọi người.
Với những hiểu biết về huyệt đạo của võ thuật, ông đi sâu nghiên cứu tìm tòi cách chữa bệnh, dưỡng sinh bằng châm cứu, bấm huyệt, để rồi tìm được những bộ huyệt và xây dựng nên cả một lý thuyết về châm cứu chữa bệnh. Theo lý thuyết này thì tuỳ theo từng loại bệnh sẽ có sự dịch chuyển về các huyệt đạo một cách nhất định để từ đó xây dựng nên những cách điều trị, châm cứu theo từng loại bệnh. Sau khi thẩm định, phương pháp này đã được Hiệp hội Y học dân tộc Nga (RANM) cho phép phổ biến để các bác sỹ châm cứu chữa bệnh cho mọi người.
Theo tiết lộ của Ngô Xuân Bính thì trong suốt gần 20 năm qua, ông được Văn phòng Tổng thống Nga mời làm chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cho các lãnh đạo cao cấp của nhà nước Nga. Hiện ông là thành viên Ủy ban Liên bang theo dõi và điều hành y tế phát triển sức khỏe cộng đồng.
Ngô Xuân Bính nhận danh hiệu "Giáo sư Y học Dân tộc" của Hiệp hội Y học dân tộc Nga
Ghi nhận những kết quả và nỗ lực của ông trong việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe cộng đồng ở Nga, ngày 24/12/2009, tại Cung "Các nhà khoa học" ở Mátxcơva, Ngô Xuân Bính vinh dự nhận danh hiệu "Giáo sư y học dân tộc" Nga, danh hiệu cao quý dành cho các danh y, do RANM trao tặng. Ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên thành danh và được ghi nhận tại cái nôi hàn lâm bác học là đất nước Nga! Đây là một niềm tự hào của y học phương Đông nói chung và y học Việt
Tháng 6/2011, tại Diễn đàn quốc tế "Y học liên kết 2011" do RANM tổ chức, trước Hội đồng khoa học đến từ Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu, Ngô Xuân Bính đã công bố lần đầu tiên công trình khoa học đồ sộ với 1.500 trang viết của mình, tựa đề: "Cao huyết áp - Các chứng liên đới - Chuyên khoa châm cứu". Theo đánh giá của RANM, công trình này là kết quả của nhiều năm nghiên cứu khoa học và thực hành chữa trị bệnh cao huyết áp. Tại đây, Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu đã trao hàm Viện sỹ về những thành tựu trong lĩnh vực y tế cho Giáo sư, Bác sỹ Ngô Xuân Bính.
Ngô Xuân Bính cho rằng, để có được những thành công đó là một quá trình tự học lâu dài, qua sự tiếp xúc với các nhà khoa học châu Âu để làm dày thêm kiến thức về bệnh học mới. Càng đi sâu nghiên cứu ông càng thấy hiệu quả của sự kết hợp giữa phương pháp chữa bệnh phương Đông và y học hiện đại, điều đó làm cho ông có lòng tin và thúc bách lớn để hình thành nên những đề tài nghiên cứu chữa bệnh được giới khoa học châu Âu thừa nhận.
Văn, võ song toàn
Không chỉ nổi danh ở các lĩnh vực võ thuật, y học, Ngô Xuân Bính còn được mọi người biết đến với tư cách là một nhà thơ, hoạ sỹ.
Ngô Xuân Bính đã biên soạn và vẽ các hình minh họa cho các tập sách đồ sộ: "Nhất
Ở lĩnh vực thơ ca, ông cũng kịp xuất bản 5 tập thơ dày dặn. Theo ông, làm thơ, vẽ tranh - đó chỉ là những thúc bách về tinh thần cần phải ghi chép lại những gì ông đi, thấy và chiêm nghiệm được. Do đó, thơ, họa của ông đều mang đậm chất nhân sinh, đầy sự trải nghiệm của một bậc chính nhân quân tử.
Ngoài làm thơ, vẽ tranh, Ngô Xuân Bính còn viết các tác phẩm về thuật châm cứu, bấm huyệt. Bộ Y thuật của Giáo sư Ngô Xuân Bính được xuất bản nay mai sẽ cho thấy tại sao giới y học thế giới xem ông như người có tính đại diện phương Đông. Trong tương lai, ông còn dự định ra mắt bộ Võ-Y-Triết luận triết lý, quan niệm về y võ... Hiện ông là giảng viên triết học phương Đông tại một trường đại học ở Nga.
Võ sư Ngô Xuân Bính nhấn mạnh: "Tận cùng của võ là văn". Theo ông, văn ở đây có nghĩa rộng, là văn hóa sống, là thần lực, là tinh thần thượng võ và bao quát hơn, đó là hào khí dân tộc...
Vĩ thanh
Với những thành công trong lĩnh vực võ thuật, y học, Giáo sư, Viện sỹ Ngô Xuân Bính được nhiều quốc gia mời đến làm việc và giảng dạy, nhưng ông vẫn đau đáu nghĩ về quê hương với ấp ủ sẽ thành lập Viện nghiên cứu võ thuật và y thuật Nhất Nam tại Nghệ An. Trong những ngày giáp Tết, mặc dù bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian từ Nga về thăm quê và cùng với các cộng sự xúc tiến việc thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam tại Việt Nam, bởi với ông, võ thuật là cả một cội nguồn, sức sống của dân tộc, việc tập võ là giữ lại hồn cốt, khí phách của người Việt.
Ở cái tuổi 54, tài năng văn võ của Ngô Xuân Bính đang thăng hoa, những cống hiến xuất sắc nhất của ông cho nước nhà và cho thế giới vẫn ở phía trước.
Đức Chuyên