Gặp "người học trò nhỏ" của Bác

24/01/2012 12:45

(Baonghean.vn) -LTS: Tự nhận mình là "người học trò nhỏ" của Bác Hồ, trong suốt cuộc đời hoạt động sôi nổi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến nhiều giới, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực; từ người dân, người lính, đội ngũ nghiên cứu khoa học đến giới báo chí, văn nghệ sỹ; từ công tác xóa nghèo cấp bách, đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng; từ người cao tuổi cho đến thiếu niên, nhi đồng; Đồng chí cũng là một chính khách được Quốc tế nể trọng.


Rất may mắn, vừa rồi nhân dịp nguyên Tổng Bí thư tròn 80 tuổi vào ngày 27/12/2011, đoàn cán bộ Báo Nghệ An do Tổng biên tập Phạm Thị Hồng Toan dẫn đầu đã có cuộc gặp gỡ hết sức thân mật với nguyên Tổng Bí thư tại Văn phòng làm việc của đồng chí. Báo Nghệ An ghi lại, trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Trên đường từ Vinh ra Hà Nội, chúng tôi được nhà báo Thanh Phong - nguyên Vụ trưởng, Trưởng Ban Xây dựng Đảng báo Nhân Dân thông báo: "Cụ cho hẹn gặp đoàn vào 8 giờ sáng ngày mai". Đêm hôm đó, tâm trạng ai cũng háo hức. Các phóng viên Sỹ Minh, Trần Hải lo lắng kiểm tra máy ảnh, máy ghi âm, nạp pin máy tính chuẩn bị sΩn sàng tác nghiệp. Sáng hôm sau, trên đường đến nhà nguyên Tổng Bí thư, nhà báo Thanh Phong hồi ức về những chuyến tháp tùng ông đi công tác.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, nguyên Tổng Bí thư luôn dành tình cảm đặc biệt đối với nhân dân Nghệ An, quê hương Bác Hồ kính yêu. Chuyến đi công tác đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam của đồng chí là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Dần 1998, thăm đồng bào Cà Mau, Cần Thơ bị cơn bão số 5 tàn phá nặng nề.



Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết lời đề tặng cuốn sách
cho Tổng Biên tập Báo Nghệ An.


Trong chuyến công tác 9 ngày đó, đồng chí đã đi nhiều nơi, hoạt động liên tục và hầu như không có giờ nghỉ. Vậy mà, sau khi trở ra Hà Nội chỉ nghỉ đúng một đêm, sáng ngày 24 Tết, đồng chí lại bắt đầu chuyến công tác vào Nghệ An. Vượt chặng đường hơn 300 km từ Thủ đô về Vinh, đồng chí đề nghị ngay với lãnh đạo tỉnh được đi thẳng về Nam Đàn. Sau khi dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm sóc cây đa do đồng chí trồng trong Khu di tích, đồng chí đã gặp gỡ bà con Kim Liên, hỏi han về tình hình kinh tế của xã, nhắc nhở bà con không được có tư tưởng công thần, ỷ lại.

Tiếp đó, nói chuyện với lãnh đạo tỉnh, đồng chí căn dặn: Nghệ An là quê hương Bác Hồ kính yêu, quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh. Xưa nghèo, nay đã khá lên nhiều, tôi mừng lắm. Nhưng Nghệ An phải đoàn kết vươn lên hơn nữa. Tôi còn trở lại với các đồng chí, cùng bàn bạc với các đồng chí để tìm một hướng đi, cách làm phù hợp với Nghệ An. Phải làm cho quê Bác giàu lên thì cả nước mới mừng. Đồng chí xúc động ghi vào sổ lưu niệm Khu di tích dòng chữ: Cháu và các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Trung ương, trong Chính phủ nguyện là người học trò nhỏ của Bác, quyết tâm cùng cả nước đi tiếp con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn: Độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh.


Mải nghe nhà báo Thanh Phong kể chuyện, xe đến trước cổng nhà nguyên Tổng Bí thư lúc nào không hay. Sau khi nhà báo Thanh Phong tiền trạm làm thủ tục, chúng tôi được dẫn vào phòng khách. Anh Hồng- Cán bộ Văn phòng của nguyên Tổng Bí thư mời mọi người ngồi và cho hay: Cụ rất bận, vừa đọc, viết sách, vừa tiếp đón các đoàn và các đồng chí lãnh đạo của Đảng đến trao đổi công việc. Vì vậy, thời gian dành cho đoàn sẽ không được nhiều! Tôi quan sát xung quanh căn phòng, quả thật không như tưởng tượng, phòng khách của nguyên Tổng Bí thư trông khá giản dị, chỉ rộng chừng 40 m2, được bố trí ngăn nắp, thoáng mát với 2 bộ bàn ghế nho nhỏ để tiếp khách. Trên tường, ảnh của Bác Hồ được treo ở nơi trang trọng nhất...


Chúng tôi chờ đợi chừng 5 phút, nguyên Tổng Bí thư xuất hiện. Đồng chí thân mật, vui vẻ bắt tay, hỏi thăm sức khỏe từng người. Sau khi lắng nghe Tổng Biên tập Báo Nghệ An Phạm Thị Hồng Toan báo cáo nhanh về tình hình của Báo, nguyên Tổng Bí thư liền hỏi: "Vậy Ban xây dựng Đảng thế nào?" Tổng Biên tập trả lời: "Dạ thưa bác, chưa có ạ! Báo Nghệ An chỉ có phòng Thời sự - Chính trị có phóng viên viết về xây dựng Đảng, song các cây viết chưa thật sự cứng cáp". Nghe vậy, nguyên Tổng Bí thư liền nói: "Báo của Đảng thì phải mạnh viết về xây dựng đảng chứ!" Rồi, đồng chí tặng những người trong đoàn cuốn sách song ngữ của đồng chí vừa xuất bản: "Lê Khả Phiêu- những điều tâm đắc". Quyển sách là tuyển tập những bài viết của đồng chí về Đảng, Bác Hồ; là tấm lòng của đồng chí với nhân dân, các ngành, các giới và bạn bè Quốc tế. Đồng chí đã trực tiếp viết lời đề tặng lên quyển sách: "Tặng cháu Phạm Thị Hồng Toan- Tổng biên tập báo Nghệ An, tờ báo Đảng trên quê hương Bác Hồ kính yêu".


Cuộc gặp gỡ diễn ra mỗi lúc một thân mật, gần gũi, ấm cúng với những tràng cười rộn vang. Tổng Biên tập Phạm Thị Hồng Toan mạnh dạn đặt vấn đề: "Thưa Bác! Bác có thể cho chúng cháu biết về tình cảm của Bác dành cho Nghệ An, dành cho quê hương Bác Hồ?" Nguyên Tổng Bí thư chậm rãi nói: Mới 14 tuổi mình đã tham gia Cách mạng tháng Tám. Đến năm 1949, được kết nạp vào Đảng. Năm 1950, cuộc chiến chống Pháp bước sang giai đoạn tổng tấn công, mình được điều vào bộ đội, biên chế vào Sư đoàn 304 là sư đoàn thứ 2 của Quân đội ta. Một lần, trước khi ra trận trong Chiến dịch Biên giới, Sư 304 được Bác Hồ đến thăm. Lúc đó, mình mới được thấy con người thật của Bác. Các cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn vây quanh Bác, ai cũng muốn được ngồi gần Bác hơn. Bác nói chuyện, dặn dò các chiến sỹ trận này rất quan trọng, dứt khoát chúng ta phải đánh cho thắng. Những lời nói của Bác đã ăn sâu vào tình cảm và trách nhiệm của mình. Từ đó, mình nguyện là học trò nhỏ của Bác và tâm niệm suốt đời phấn đấu, nghiêm chỉnh thực hiện ước mong của Người là xây dựng nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, dù ở cương vị nào, lúc làm Tổng Bí thư và bây giờ về hưu, mình vẫn tâm niệm lời dạy của Bác là phải làm sao cho Đảng ta mạnh, khi thống nhất đất nước rồi thì trước tiên phải củng cố lại Đảng và phải làm sao cho quê hương Bác Hồ phát triển nhanh và bền vững,trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ mong muốn.


- Thưa Bác! Chúng cháu được biết, mặc dù tuổi đã cao, song Bác vẫn hàng ngày làm việc, lo lắng trước sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của Đất nước. Vậy điều Bác băn khoăn nhất hiện nay là gì?


- Nguyên Tổng Bí thư trầm ngâm, rồi nói rõ từng chữ: Quả thật, trong những năm đổi mới, Đảng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn đáng tự hào, song khuyết điểm cũng nhiều và không phải là nhỏ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng và vi phạm nguyên tắc tổ chức đang trở thành vấn đề bức bách trong Đảng. Hồi trước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói là nhà dột từ nóc, bây giờ nhà không phải chỉ từ nóc mà dột nhiều chỗ khác nữa.

Trong kỳ Hội nghị TƯ4 lần này, Đảng ta đã nói đến vấn đề cấp bách trong Đảng, song vấn đề cấp bách trong Đảng là cái gì, nó nằm ở đâu và sửa ở đâu thì cần phải xác định rõ. Vấn đề cấp bách trong Đảng hiện nay là phải tiến hành xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mà phải làm từ trên xuống. Tức là Bộ Chính trị và Trung ương làm trước, sau đó đến cấp tỉnh, huyện, xã và công khai cho toàn Đảng, toàn dân biết. Nếu không làm được điều đó là có lỗi với Bác Hồ. Các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây đã đề ra rất nhiều biện pháp, nhưng làm chưa đến nơi đến chốn, hoặc nói một đường làm một nẻo. Họp Trung ương thì phải chất vấn cao hơn Quốc hội chất vấn chứ. Lâu nay các đại biểu Quốc hội chất vấn ở hội trường thì Trung ương đã làm được chưa? Tại sao không làm được? Nói phát huy dân chủ trong Đảng, tại sao không để Trung ương chất vấn từ Tổng Bí thư trở xuống? Dân chủ phải thể hiện ra được bằng cơ chế mà không sợ ai cả. Sợ ở đây chẳng qua là sợ cái "ghế", nếu muốn vì đất nước thì anh có mất đầu cũng không sợ.


- Thưa Bác! Báo Nghệ An vừa kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Một chặng đường phát triển chưa dài, song cũng không phải là ngắn. Nghiệm lại, chúng cháu thấy chưa làm được gì nhiều cho sự phát triển của quê hương. Mong Bác cho chúng cháu một lời khuyên.


- Nhấp một ngụm nước, nguyên Tổng Bí thư nói nhỏ nhẹ: Mình mong Báo Nghệ An thấm nhuần tư tưởng và tinh thần của Bác Hồ, cùng với cấp ủy địa phương luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Bác. Phải thực hiện được lý tưởng của Người trên từng bài viết, mỗi trang báo. Báo Đảng phải thể hiện cho được, định hướng cho rõ ràng cần phải lo cho dân thế nào, lo cho người lao động thế nào, đoàn kết trong nội bộ Đảng thế nào; phê bình và tự phê bình thế nào, chứ không phải nói chung chung, làm chung chung và đả kích để lật đổ lẫn nhau. Bác Hồ đã nói "Đảng ta là đạo đức là văn minh", nếu Đảng không mạnh mà còn bị "bệnh" thì làm sao mà văn minh được. Vì vậy, đã là quê hương Bác Hồ thì phải tiên phong trong việc làm theo đúng tinh thần của Người. Nghệ An phải quyết đi đầu để làm được điều đó. Mình tin là thế hệ trẻ các cậu sẽ làm được.


Mải mê trao đổi, thời gian cuộc gặp gỡ đã trôi qua hơn 2 giờ đồng hồ mà câu chuyện vẫn đang vào mạch, rộn ràng, vấn vít không dứt. Hai, rồi ba lần, anh cán bộ văn phòng khe khẽ nhắc về việc có khách chờ đã lâu, nguyên Tổng Bí thư và những người con từ quê hương Bác Hồ đành phải dừng lại câu chuyện còn dang dở, hẹn một ngày gần nhất sẽ tiếp tục câu chuyện trên chính quê hương Bác Hồ, ngay tại Tòa soạn Báo Nghệ An. Đồng chí nguyên Tổng Bí thư khép lại bằng mấy lời giản dị: Báo Nghệ An 50 năm là còn trẻ. Theo dõi Báo Nghệ An thấy bám sát được thực tiễn cuộc sống, động viên được các tầng lớp nhân dân. Tiếng nói chân thật và có sức đấu tranh, giữ được ý tưởng của Bác Hồ. Bây giờ Báo cần phải tiếp tục làm cho ý tưởng của Bác thấm sâu vào từng người dân, mà trước hết là từng đảng viên và đảng viên cấp cao. Động viên người có khả năng làm giàu chính đáng, chăm lo người nghèo, đừng để chênh lệch giàu nghèo lớn quá. Phải làm được như thế và chỉ làm như thế Nghệ An mới phát triển được.


Rời Văn phòng làm việc của nguyên Tổng Bí thư ở 36 Lý Nam Đế, Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi cứ bâng khuâng, xúc động mãi về những tình cảm mà "người học trò nhỏ" của Bác Hồ đã dành cho đoàn. Vốn xuất thân là một người lính, rồi lên đến cương vị Tổng Bí thư - người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, đồng chí Lê Khả Phiêu đã dành toàn bộ cuộc đời và tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam mãi xứng đáng là đội quân tiên phong lãnh đạo đất nước vươn lên giành thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới. Nay đã 80 tuổi đời, song nguyên Tổng Bí thư vẫn trăn trở với nỗi lo sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của đất nước; băn khoăn những điều về dân, về Đảng mà ông thấy, đã và đang suy nghĩ. Ông là hình ảnh đại diện cho nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta luôn làm việc hết mình, lo những vấn đề to lớn, lâu dài của đất nước và tới cả những chuyện cơm ăn, nước uống hàng ngày cho dân.

Đồng chí Lê Khả Phiêu nguyên là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1997-2001), sinh ngày 27/12/1931 ở làng Thượng Phúc, nay đổi là Thạch Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa - cũng là nơi quê hương của người Việt cổ với nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ mà tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn. Từ năm 14 tuổi ông đã tham gia Phong trào Việt Minh tại địa phương và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 19/6/1949, nhập ngũ vào bộ đội tháng 5/1950, lần lượt được phong quân hàm lên Thượng tướng và giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Về sự cống hiến trong Đảng, ông lần lượt giữ các chức vụ: Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa IX, X.


Bài: Mạnh Hùng; Ảnh: Sỹ Minh