Ngôi đền thiêng và tấm lòng một doanh nhân

13/02/2012 14:46

(Baonghean) - Xuân Nhâm Thìn này, người dân xã Vĩnh Sơn và các xã lân cận thuộc huyện Anh Sơn có thêm một "địa chỉ tâm linh" để gửi gắm bao ước vọng về cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa và phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Đó là đền thờ Lý Nhật Quang, một công trình vừa được phục dựng nhờ công sức và tấm lòng của doanh nhân Nguyễn Sỹ Ngọc, một người con quê hương thành đạt trên đất thủ đô.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Đình Tùng (tròn 100 tuổi, hiện sống ở Vĩnh Sơn), vào khoảng năm 1057, trên đường truy kích giặc Ai Lao xâm phạm bờ cõi Đại Việt, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (Hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, được phong làm Tri châu Nghệ An) bị thương nặng phải rút lui về lỵ sở (xã Bạch Đường, huyện Nam Đường, nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương). Trên đường rút lui, máu của ngài rỏ tại đâu thì người dân ở đó liền lập đền thờ để bái tạ công ơn chăm lo và bảo vệ cuộc sống bình yên của ngài.


Thượng điện đền thờ Lý Nhật Quang và phòng tiếp khách



Cũng từ đó, đền thờ Lý Nhật Quang được người dân Vĩnh Sơn chăm lo hương khói quanh năm. Vào dịp đầu Xuân, các vị bô lão và quan viên làng xã tổ chức tế lễ để cầu an, cầu lộc cho bà con khắp làng, xã. Người dân địa phương luôn yên tâm sinh sống và làm ăn, vì trong tâm thức mọi người, họ luôn tin tưởng được anh linh của Uy Minh Vương che chở, phù hộ. Cho đến thời gian đầu thế kỷ XX, khi mảnh đất Vĩnh Sơn chịu sự đô hộ của bọn thực dân Pháp, rồi trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, đền thờ Lý Nhật Quang bị xuống cấp và sau đó đổ sập. Dù không còn hiện hữu trên mảnh đất Vĩnh Sơn, ngôi đền thiêng vẫn tồn tại trong tâm thức của bao thế hệ người dân nơi đây. Và nhiều người mơ ước đến một ngày ngôi đền sẽ được phục dựng...


Là một người con sinh ra và lớn lên ở đất Vĩnh Sơn, từng nếm trải những năm tháng khó khăn, vất vả, anh Nguyễn Sỹ Ngọc (SN 1962) luôn ấp ủ trong lòng ước vọng làm được một việc gì đó hữu ích cho quê hương. Hiện là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Tân Trường Sơn, thành đạt trên thương trường nhưng anh Ngọc không thể quên ký ức về tuổi thơ lam lũ ở một vùng quê nghèo bên tả ngạn sông Lam. Đó là những năm tháng đói quay quắt, phải dùng hạt ngô và bo bo thay gạo, là những buổi đứng chờ đò đến tận nửa đêm để sang sông...


Gần đây, mỗi khi trở về, thấy quê hương đã đổi thay ít nhiều nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, Nguyễn Sỹ Ngọc quyết tâm làm được một điều gì đó thật sự có ích cho bà con quê hương. Sau khi tham khảo ý kiến của các bậc cao niên trong xã và bàn bạc với người bạn đời, một người phụ nữ quê gốc Hà Nội, Nguyễn Sỹ Ngọc quyết định đứng ra đầu tư và phát tâm công đức để phục dựng đền thờ Lý Nhật Quang.

Anh cho rằng: Phục dựng một ngôi đền thật sự không dễ dàng, bên cạnh vấn đề kinh phí còn phải có tâm huyết với văn hóa tâm linh. Tôi quyết định phục dựng ngôi đền với mong muốn những người dân quê hương sẽ được hưởng cuộc sống bình an, mạnh khỏe và sung túc". Để phục dựng được ngôi đền, anh phải nhiều lần về quê bàn bạc với các cấp chính quyền và bà con nhân dân, sau đó mời các nhà phong thủy và ngoại cảm về xác định vị trí và làm lễ.


Đền thờ Lý Nhật Quang được phục dựng bên dòng sông Lam hiền hòa, thơ mộng, bao gồm các hạng mục chính: thượng điện, hậu cung, miếu thờ thần y và nhà tiếp khách. Khuôn viên đền khá rộng rãi và những hàng cây xanh trồng xen kẽ. Công trình được khởi công từ đầu năm 2009 và khánh thành vào đầu năm 2012.

Được biết, theo dự toán ban đầu, công trình khoảng 3,5 tỷ đồng. Về sau, do có nhiều phát sinh nên công trình có tổng giá trị lên tới hơn 5 tỷ đồng. Hầu hết số kinh phí này do doanh nhân Nguyễn Sỹ Ngọc đầu tư, người dân địa phương đóng góp ngày công và một ít nguyên vật liệu.Anh Ngọc cho biết thêm: "Khi đền được khánh thành, tôi sẽ bàn giao lại cho UBND xã quản lý. Và tôi cũng dự định mở một phòng khám tại đây, hàng tháng mời thầy thuốc giỏi về khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Sau đó, mở một phòng đọc để góp phần nâng cao dân trí và cải thiện đời sống tinh thần cho người dân quê hương".


Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang nằm uy nghi và soi bóng xuống dòng Lam. Đầu Xuân, dòng người khắp các ngả đường tìm về đây thắp nén hương thơm tưởng nhớ công đức người mở mang, khai phá vùng đất xứ Nghệ và tỏ rõ niềm tự hào về một vùng quê văn hiến. Trong làn khói hương thơm ngát, ai cũng cầu mong được đón nhận những điều may mắn, tốt lành...


Công Kiên