Dịch vụ dán điện thoại, máy tính vỉa hè
(Baonghean.vn) – Cuộc sống số, công nghệ thông tin, điện thoại máy tính không ngừng thay đổi mẫu mã, tính năng mới và kéo theo đó, dịch vụ dán điện thoại, máy tính vỉa hè đang trở thành nguồn mưu sinh cho không ít người, nhất là thanh niên. Tại TP. Vinh, tập trung nhiều nhất là con phố công nghệ thông tin Minh Khai, trước cổng các trường đại học, cao đẳng.
(Baonghean.vn) – Cuộc sống số, công nghệ thông tin, điện thoại máy tính không ngừng thay đổi mẫu mã, tính năng mới và kéo theo đó, dịch vụ dán điện thoại, máy tính vỉa hè đang trở thành nguồn mưu sinh cho không ít người, nhất là thanh niên. Tại TP. Vinh, tập trung nhiều nhất là con phố công nghệ thông tin Minh Khai, trước cổng các trường đại học, cao đẳng.
Phố Minh Khai được đánh giá là một trong những tuyến phố công nghệ thông tin, di động sầm uất của thành Vinh. Cùng với cửa hàng cửa hiệu điện thoại di động, laptop, đã có thêm một nghề ăn theo - nghề dán máy. Khởi nghiệp đơn giản nhưng cũng lắm phiền phức là cảm nhận của chúng tôi khi tìm hiểu về nghề. Cửa hàng lưu động dán điện thoại, laptop chỉ một chiếc bàn nhựa nhỏ gọn, một chiếc ống chứa cuộn giấy nilon chống xước, một lọ keo đánh sạch thân máy trước khi dán nilon, cuộn giấy màu... Đồ nghề đơn giản, vốn ít, lưu động nên khá dễ dàng cho nhiều thanh niên muốn vào nghề. Chính vì thế. cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, di động, theo quan sát của chúng tôi, đội quân hiện khá đông đảo.
Có nhu cầu dán chiếc laptop mới, tham khảo một vòng thấy hầu hết quán đều đã có khách, tôi ghé vào một hàng ngay phía trước công ty máy tính Thành Tâm T&T trên phố Minh Khai. Dán máy laptop cho tôi là một cô gái – nữ duy nhất hành theo nghề tại con phố này. Hoa – cô gái dán máy cho tôi sinh năm 1980, quê ở Quỳnh Lưu, vào Vinh kiếm sống đã 5 năm nay. Vừa cặm cụi dán máy cho khách, Hoa kể, sau khi chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, cô cùng với cô con gái nhỏ vào Vinh kiếm sống.
Sau khi đã làm một số nghề nhưng không ăn thua, có ngươi bạn rủ, vậy là cô theo nghề luôn, đến nay đã được 4 năm. Học nghề vài ba tháng, đến giờ cô đã rất thành thạo trong các thao tác. Một tay bật lửa hơ giấy nilon cho phẳng, tay kia cô cầm miếng lưỡi lam rạch và điêu luyện giữ con dao bằng... miệng để lấy tay miết phẳng miếng dán.
Trong chừng 30 phút ngồi đợi đán laptop, tôi nhẩm tính có khoảng chục người tới dán chủ yếu là máy điện thoại di động. Tính sơ sơ một buổi, Hoa thu về vài trăm cầm chắc. Hoa nói, có những ngày mưa không có việc để làm nhưng đổi lại ngày đẹp trời nắng ráo, khách mua điện thoại, máy tính nhiều, làm không hết việc. Chẳng thế mà một mình từ quê vào Hoa đủ tiền trang trải thuê nhà, nuôi con gái đang học lớp 1 ở Trường tiểu học Hồng Sơn. “Nghề dán điện thoại vỉa hè, nếu làm ăn tốt thì trừ chi phí có thể lãi 100-150 ngàn một ngày. Nghề này phí học việc thấp, không yêu cầu cửa tiệm, đồ nghề nhiều nên rất dễ khởi nghiệp. Không nặng nhọc nhưng phải cẩn thận, khéo tay một chút. Những ngày đầu tay nghề non dán bị lỗi, em đã không ít lần bị khách bắt bóc ra dán lại từ đầu...” - Hoa tâm sự.
Không chỉ ở Minh Khai, cùng với nhu cầu ngày càng cao, khá nhiều nơi đã xuất hiện dịch vụ này. Trước cổng Trường ĐH Y khoa Vinh, và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, vào giờ tan tầm khi sinh viên tan học cũng là lúc họ bận rộn nhất. Anh Hải trước làm ở cổng Trường đại học Vinh nay mới di dời về ĐH Y khoa Vinh cho hay trưa là lúc anh bận việc nhất. Có những hôm mãi tới 1, 2 giờ chiều anh mới có thời gian để ăn cơm. “Dán điện thoại vỉa hè là vậy, ngồi cả ngày chỉ đông khách vào những lúc như thế. Thời gian "tút" lại một chiếc điện thoại tính cả mặt trước, sau và màn hình nếu nhanh chỉ 5 phút còn lâu lắm cũng không qúa 20 phút. Chính vì thế, tận dụng thời gian “vàng” này, mỗi người thợ có thể làm xong 5-7 máy. Tùy theo yêu cầu, loại máy, chất liệu, giá từ 20 đến 30 ngàn đồng. Còn dán laptop giá chừng 70-80 ngàn đồng/máy.
Anh Hải kể: Thế nhưng, đã có lần có vị khách quê Đô Lương xuống vào viện chăm sóc bố ốm bị mất máy điện thoại phải mua máy mới. Khi dán chống xước chiếc điện thoại di động này, tôi sơ ý rạch vết xước nhỏ lên máy. Dù rất mờ thôi nhưng khách bắt đền máy mới. Năn nỉ mãi cuối cùng họ mới chịu thông cảm và tôi chấp nhận không lấy tiền công.
Vậy đó, cũng như những người bán hàng rong khác, cuộc sống của họ không hẳn chỉ có an nhàn, một vốn bốn lời. Và nghề này dù dễ khởi nghiệp nhưng cũng lắm “tai nạn”. Chuyện dán để còn bong bóng, bụi trên thân máy, để máy xước, khách dễ tính còn đỡ, nếu không, xui xẻo gặp khách khó tính rất dễ bị… đền.
Việt Phương