Liệu còn phù hợp?

23/12/2011 15:06

(Baonghean.vn) Đưa lúa lai vào gieo trồng đạt năng suất cao được đánh giá là thành công lớn của Nghệ An, bởi với giống lúa này, tỉnh đạt được mục tiêu 1,1 triệu tấn lương thực/năm, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào giống lúa lai Trung Quốc, dư luận đang đặt câu hỏi: cơ cấu giống lúa hiện nay liệu đã phù hợp và giống nội bao giờ đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất?

(Baonghean.vn) Đưa lúa lai vào gieo trồng đạt năng suất cao được đánh giá là thành công lớn của Nghệ An, bởi với giống lúa này, tỉnh đạt được mục tiêu 1,1 triệu tấn lương thực/năm, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào giống lúa lai Trung Quốc, dư luận đang đặt câu hỏi: cơ cấu giống lúa hiện nay liệu đã phù hợp và giống nội bao giờ đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất?




Giống lúa lai phục vụ sản xuất vụ xuân 2012 tại Công ty CP Giống cây trồng TƯ - Chi nhánh Vinh. Ảnh: Văn Đoàn

Được đưa vào gieo trồng ở Nghệ An hơn 15 năm, đến nay, diện tích lúa lai tại tỉnh ta đạt khoảng 80.000 ha/năm, chiếm 75% cơ cấu giống trong vụ xuân cho năng suất bình quân 6,7 tấn/ha. Trung bình mỗi năm, lúa lai cho sản lượng khoảng 400.000 tấn. Song, vấn đề đặt ra là hiện 80% giống lúa lai vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc (thông tin từ Sở NN và PTNT). Vì không chủ động được giống, nhiều khó khăn xảy ra đối với bà con nông dân và cả địa phương trong triển khai sản xuất.

Vụ đông xuân vừa qua, giống lúa lai Trung Quốc có biểu hiện khan hiếm, giá tăng tới mức kỷ lục, một số địa phương đã không thực hiện được diện tích gieo cấy lúa lai như kế hoạch. Hiện nay, một số giống lúa lai như Nghi Hương 2308 đạt mức cao kỷ lục 120.000 đồng/kg, giống Khải Phong cho năng suất nhưng chất lượng gạo thấp cũng đạt mức 94.000 đồng/kg. Có rất ít giống có giá dưới 80.000 đồng/kg. Theo tính toán, ngoài chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu, 1 mẫu ruộng (10 sào) dùng tiết kiệm cũng cần tới 15 kg giống, với mức giá không dưới 1 triệu đồng là nỗi lo không nhỏ của người nông dân. Trong khi đó, sản xuất bằng giống lúa thuần giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá nhập ngoại, có loại giá chỉ 15.000 đồng/kg.


Với chỉ tiêu sản lượng lương thực năm 2012 đạt 1,1 triệu tấn, trong đó mức phấn đấu của đông xuân phải đạt 60-65% tổng sản lượng kế hoạch cả năm, vụ xuân năm 2012, kế hoạch của Sở NN&PTNT vẫn duy trì 65.000 ha lúa lai trên tổng diện tích 85.000 ha gieo cấy, số còn lại là lúa thuần.

Cũng như mọi năm, cứ đến đầu vụ sản xuất vụ xuân là các doanh nghiệp lại kéo nhau sang Trung Quốc để mua giống lúa lai về bán cho bà con nông dân. Và hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đã nhập về trên 1.500 tấn giống lúa lai Trung Quốc. Trong đó, chủ lực là Công ty CP Giống cây trồng tỉnh, ngoài ra, còn có sự tham gia cung ứng của Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp NA, Tổng công ty Giống cây trồng Trung ương - Chi nhánh Nghệ An, Công ty Giống cây trồng tỉnh.


Theo ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT thì: Vấn đề chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa lai sang các giống lúa thuần có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với tình hình mới đang được ngành Nông nghiệp quan tâm nghiên cứu. Đã có một số giống lúa thương hiệu đã được khẳng định, bà con tin dùng như: AC5, NA1, NA2, AD9... Công tác khảo nghiệm, sản xuất thử đã đưa ra được một số giống có triển vọng cả về năng suất và chất lượng như: lúa lai Xuyên Hương, lúa thuần TL6...Tuy nhiên, để triển khai trên diện rộng cần có thời gian cũng như sự đầu tư về kinh phí.


Hiện nay, đã có nhiều địa phương chủ động sản xuất giống lúa thuần có chất lượng, hiệu quả. Điển hình như xã Văn Sơn - Đô Lương, vụ xuân năm nay toàn xã gieo cấy 210,4 ha diện tích đất hai lúa, trong đó AC5 (giống lúa của công ty TNHH Vĩnh Hòa - Yên Thành) là giống lúa chủ đạo với diện tích 120 ha, bố trí 40 ha sản xuất lúa giống cho Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, số còn lại là nếp và Khang Dân 18.

Ông Nguyễn Đăng Hà - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Sơn cho biết: "Bà con Văn Sơn không còn tính chuyện sản lượng mà quan trọng hơn là tìm đến giống lúa cho gạo ăn ngon, bán được giá. Mặc dù lúa lai năng suất có cao hơn nhưng chi phí cao hơn, chất lượng gạo thấp hơn, giá bán kém hơn. Trong khi gạo lúa lai giá 700.000 đồng/tạ còn khó bán, thì gạo AC5 có giá 1,1 triệu đồng/tạ được khách hàng tin dùng. Tính ra, làm lúa thuần hiệu quả hơn hẳn. Tính được bài toán hơn thiệt nên nếu như năm 2004 - năm đầu đưa AC5 vào triển khai mới chỉ có 40 ha nay bà con Văn Sơn đã "nghiện", hăng hái làm, vụ xuân 2010 cả xã có trên 100 ha AC5, năm nay dự tính là 120 ha".


Theo ông Lê Văn Trí - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn, trên đất Anh Sơn, 1 ha lúa lai đạt năng suất bình quân từ 5,8-6 tấn/ha. Để có được năng suất đó cần đầu tư phân bón, chăm sóc, đặc biệt là tiền giống lên tới 3 triệu đồng/ha. Trong lúc đó, 1 ha lúa thuần giống NA2 nếu được chăm bón đúng quy trình cũng đã đạt 5,4-5,8 tấn/ha, mà chi phí tiền giống chỉ bằng 1/3 giống lúa lai. Chất lượng lúa thuần như NA2 của Nghệ An đã có thương hiệu trên thị trường, gạo thơm ngon, tỷ lệ tấm thấp, chủ động được giống, lại dễ làm, khả năng chống sâu bệnh tốt. Vì thế, hiệu quả của giống lúa thuần NA2 hơn hẳn lúa lai.

Thế nhưng, việc đưa giống lúa thuần vào sản xuất vẫn còn gặp khó khăn. Ngoài nguyên nhân do nông dân đã quá quen với lúa lai, hơn 15 năm nay, tỉnh ta duy trì chính sách hỗ trợ lúa lai với mức 30% - 50% giá giống cho nông dân. Với những ưu ái đó, tỉnh đã không quá khó khăn để phát triển diện tích lúa lai, đảm bảo mục tiêu về sản lượng.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, khi đã "ăn no", nên chuyển sang hướng sử dụng bộ giống mới, tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Hiện chính sách hỗ trợ chỉ còn áp dụng cho đồng bào các xã vùng cao các huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu và một phần huyện Quỳ Hợp với mức hỗ trợ 30% giá giống.

Tuy nhiên, theo phản ánh thì bên cạnh việc rút dần chính sách lúa lai, cần có chính sách ưu ái hơn cho các giống lúa thuần do các tổ chức, cá nhân trong nước tạo ra, để vừa chủ động nguồn giống (lúa thuần thì người nông dân có thể để được giống cho vụ sau), vừa giảm chi phí trồng trọt. Theo ông Lê Văn Trí: Việc Nhà nước trợ giá cho giống nước ngoài đã tạo nên sự không công bằng đối với các công ty sản xuất giống trong nước. Lúa thuần trong nước cũng phải có chính sách ưu ái hơn. Chứ như hiện nay, giá giống không ngừng tăng, giá các loại vật tư, phân bón lên, liệu người nông dân sẽ có lãi bao nhiêu trên một đơn vị diện tích.


Trên thực tế, việc nhập giống lúa lai từ Trung Quốc bao giờ cũng có lãi và lãi nhanh hơn việc phải nghiên cứu và sản xuất giống lúa lai. Chẳng hạn như Công ty Giống cây trồng Trung ương, từ vài năm nay mới bắt đầu sản xuất, còn mấy năm trước chủ yếu vẫn đi nhập.

Chính vì vậy, vụ đông xuân này, Nghệ An đã phải nhập tới hơn 1.500 tấn giống lúa lai từ Trung Quốc với giá rất cao (22 tệ/kg), một lượng lớn ngoại tệ đã chảy trong cuộc chiến giống ngoại. Hay như vụ mùa năm nay, tình hình thiếu giống lúa lai đang rất nghiêm trọng. Các chuyên gia cũng dự báo, nguồn giống lúa lai nhập từ Trung Quốc còn khan hiếm hơn vào vụ hè thu tới.


Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp không nên mở rộng diện tích lúa nhập ngoại, mà tập trung vào nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả; chỉ tiếp tục phát triển lúa lai khi chủ động được giống lúa mang thương hiệu "made in Viet Nam".


Thu Huyền