Phát triển các cây, con chủ lực ở tân kỳ

03/01/2012 17:11

(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, cao su và mía là những cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân Tân Kỳ có việc làm, góp phần đắc lực vào xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế đó, thời gian tới, chủ trương của Tân Kỳ là phát triển diện tích cây cao su, nâng cao năng suất cây mía, sind hóa đàn bò và đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại.

(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, cao su và mía là những cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân Tân Kỳ có việc làm, góp phần đắc lực vào xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế đó, thời gian tới, chủ trương của Tân Kỳ là phát triển diện tích cây cao su, nâng cao năng suất cây mía, sind hóa đàn bò và đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại.

Mở rộng diện tích cao su


Tân Kỳ có 20 nghìn ha đất nông nghiệp. Trong những năm qua, bằng sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nhân dân, toàn huyện đã trồng được hơn 2 nghìn ha cao su, 5 nghìn ha mía nguyên liệu, còn lại là các cây trồng khác, như: lúa, ngô, sắn... Cây cao su ở Tân Kỳ đã khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay trên địa bàn huyện rất nhiều gia đình đầu tư trồng cây cao su thành trang trại, thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm.



Đồng chí Phạm Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ


Ông Phạm Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ khẳng định: Cây cao su đưa vào trồng tại huyện Tân Kỳ từ năm 2003, tập trung chủ yếu tại 3 nông trường: Sông Con, Vực Rồng và An Ngãi. Đến năm 1999, toàn huyện trồng được 707 ha. Nhưng từ năm 2000 đến 2005, do từ nhiều nguyên nhân nên diện tích cao su của Tân Kỳ giảm chỉ còn 581 ha. Những năm đầu khai thác, năng suất mủ chỉ đạt 6 - 7 tạ/ha, nhưng sau khi bà con nhận thức được vai trò của cây cao su nên tập trung đầu tư thâm canh, đến nay năng suất mủ đã đạt 40 tạ/ha (tăng gấp gần 6 lần so với thời kỳ đầu).

Thấy được lợi ích của cây cao su, năm 2006 Tân Kỳ xây dựng đề án phát triển cây cao su giai đoạn từ 2006 - 2010 và từ 2011 - 2015. Từ năm 2006 đến nay, thực hiện các chính sách hỗ trợ trồng cây cao su của tỉnh, huyện, bà con nông dân toàn huyện đã trồng mới được 1.411 ha, đưa diện tích cao su toàn huyện lên 1.992 ha. Mục tiêu của đề án là đến năm 2015 Tân Kỳ trồng được 3.500 ha cao su. Để đạt được mục tiêu đó, trước mắt huyện quy hoạch 3 vùng trồng cao su trọng điểm. Vùng 1 gồm các xã Tân Hợp, Tân Xuân, Giai Xuân, Tổng đội TNXP 4, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Tân Phú, Tân Long (2.800 ha). Vùng 2, gồm các xã Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Hương Sơn, Tân An (1.500 ha). Vùng 3 ở xã Phú Sơn (200 ha).


Để tạo điều kiện cho nông dân trồng cao su, UBND huyện có chính sách hỗ trợ 100% giá trị cây giống để trồng lại cho diện tích trồng mới trong 2 năm đầu bị thiệt hại do thiên tai. Hỗ trợ giống tre trúc điền cho các hộ trồng cao su năm đầu với quy mô 1 ha trở lên, với định mức 100 gốc tre/ha. Việc trồng tre trúc điền xung quanh vườn cao su nhằm mục đích cản gió, hạn chế thiệt hại khi có mưa bão, đồng thời khai thác được măng làm thức ăn.


Hiệu quả kinh tế của cây cao su là rất rõ nét. So với các loại cây trồng khác trên cùng một chân đất thì cây cao su lãi ròng cao nhất. 1 ha cao su bình quân thu nhập hàng năm trên 74 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi ròng hơn 53 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây cao su còn tạo việc làm cho người sản xuất, giảm bớt tệ nạn xã hội, góp phần ổn định đời sống trong khu dân cư, cải tạo môi trường sinh thái, tăng độ che phủ của rừng, chống xói mòn rửa trôi đất, hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra. Từ những hiệu quả kinh tế cao của cây cao su, UBND tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để mở rộng diện tích cây cao su trong những năm tới.


Tăng năng suất mía


Tân Kỳ hiện có 5 nghìn ha mía, hàng năm cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sông Con. Tuy nhiên, năng suất mía chưa cao, bình quân hiện mới chỉ đạt từ 45 - 50 tấn/ha. Nguyên nhân là do từ trước đến nay, các địa phương vẫn tận dụng diện tích đất đồi cao để trồng mía. Mía là cây chịu hạn kém, cho nên những năm hạn hán, diện tích mía vùng đồi năng suất thấp.


Tăng năng suất mía là mục tiêu của Tân Kỳ.



Để từng bước nâng cao năng suất mía, Tân Kỳ đã có kế hoạch chuyển đổi dần diện tích trồng ngô, lạc ở vùng thấp sang trồng mía. Nhiều địa phương trong huyện đã xác định trồng mía hiệu quả cao, nên chuyển đổi cây ngô sang trồng mía. 1 ha mía nếu trồng ở vùng đất thuận lợi, đầu tư đúng mức, năng suất đạt từ 80 - 100 tấn ha. Giá thu mua của nhà máy 9 trăm đồng/kg, thì 1 ha mía thu về 70 - 90 triệu đồng. Nếu trồng ngô thì năng suất đạt hơn 3 tấn/ha, giá bán 6.000 đồng/kg, thu về gần 20 triệu đồng. Trong khi đó, trồng mía lưu gốc được 3 năm nên giảm được chi phí đầu tư.


Nâng cao chất lượng
đàn trâu, bò


Hiện nay, tổng đàn bò của Tân Kỳ có 18.603 con, đàn trâu có 30.843 con. Là huyện có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò, nên nhiều năm qua người dân đầu tư chăn nuôi bò hàng hóa rất mạnh. Song song với tăng số lượng thì Tân Kỳ còn chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò bằng cách sind hóa giống bò lai Zêbu. Đầu năm 2011, UBND huyện Tân Kỳ xây dựng đề án nâng cao chất lượng đàn trâu, bò giai đoạn 2011 - 2015. Mục đích của đề án là tập trung cải tạo chất lượng đàn trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lấy chăn nuôi trâu, bò làm trọng tâm. Phấn đấu đến năm 2015 nâng đàn bò lên 22.633 con, đàn trâu lên 34.053 con. Trong đó, mỗi năm phấn đấu phối thụ tinh nhân tạo từ 1.000 đến 2.000 liều bò lai, số bê sinh ra từ 600 đến 1.800 con; thụ tinh nhân tạo từ 50 đến 250 liều giống trâu Murrah, số nghé sinh ra đạt từ 50 - 150 con. Đến nay, Tân Kỳ đã có 7.751 con bò lai sind, chiếm 41% tổng đàn.


Tân Kỳ đang từng bước nâng chất lượng đàn bò.

Để đạt được mục tiêu đó, ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, Tân Kỳ hỗ trợ thức ăn tinh tương đương trị giá 50 nghìn đồng/con trâu, bò phối thụ tinh nhân tạo có chửa; hỗ trợ bò đực giống lai sind F1 đối với những vùng miền núi xa, những nơi không có điều kiện để thụ tinh nhân tạo (mức hỗ trợ 60% giá bò đực giống nhập chuồng); hỗ trợ mua bình ni tơ để phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo. Xây dựng 5 mô hình chăn nuôi bò cái lai sind chất lượng cao... Dự kiến trong 5 năm (từ 2011 - 2015) Tân Kỳ trích ngân sách hỗ trợ chăn nuôi bò lai sind gần 850 triệu đồng. Từ đó, hạn chế và dần chấm dứt tình trạng phối giống bò đực cóc, bò đực kém chất lượng.


Phát triển kinh tế
trang trại


Phát triển kinh tế trang trại là chủ trương đúng đắn của huyện Tân Kỳ từ nhiều năm nay. Do vậy, những năm qua, phong trào làm kinh tế trang trại ở các địa phương trong huyện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, toàn huyện đã có hơn 300 trang trại các loại, trong đó nhiều nhất là loại hình trang trại tổng hợp.



Mở rộng diện tích cao su là chủ trương của Tân Kỳ trong những năm tới.


Từ việc xác định đúng đắn vai trò của kinh tế trang trại, những năm qua, cùng với cơ chế của Nhà nước, Tân Kỳ đã khuyến khích, định hướng cho người dân hình thành những vùng kinh tế trang trại chuyên sâu và tập trung, như: cao su ở Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Tân Xuân, Tân Hợp; trồng rừng nguyên liệu ở Nghĩa Thái, Tân Hương, Giai Xuân, Đồng Văn, Tiên Kỳ...; trồng mía nguyên liệu ở Tân Hợp, Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Giai Xuân..., thu hút nhiều người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển kinh tế trang trại. Trong số hơn 300 trang trại ở Tân Kỳ thì phần lớn chủ trang trại là nông dân, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 25%.

Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi phù hợp với Tân Kỳ, thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và xã hội. Từ kinh tế trang trại, người nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất, tích tụ được ruộng đất. Mặt khác, cũng từ kinh tế trang trại đã tạo ra sự phân công lao động mới, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời từ kinh tế trang trại người nông dân có điều kiện để tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất. Từ đó UBND tỉnh cũng cần có cơ chế phù hợp với thực tế để kinh tế trang trại có điều kiện phát triển về số lượng và chất lượng.


Với những chủ trương, định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, hy vọng Tân Kỳ sẽ đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, đồng thời đây cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới.


Xuân Hoàng