Người theo nghề gói bánh tết

21/01/2012 15:00

(Baonghean.vn) -Tết đến, người Việt sửa soạn mâm lễ trên bàn thờ dâng cúng Tổ Tiên - Trời Đất. Thức ngon, vật lạ, hương trầm, hoa tươi… với tấm lòng hiếu thảo bái tạ Bề trên đã ban phúc lộc cho con cháu. Có một lễ vật không thể thiếu, đó là bánh chưng.

Đã là con Lạc cháu Hồng, không thể quên khởi nghiệp dựng nước của các Vua Hùng. Nói đến tấm lòng hiếu thảo của con cháu với các đấng sinh thành, không ai không biết sự tích Hoàng tử Tiết Liêu (Lang Liêu) - người con trai thứ 18 của Vua Hùng dâng lên vua cha trong dịp Tết, mâm lễ vật là Bánh Chưng và Bánh Giày. Hoàng tử Tiết Liêu làm theo lời Thần báo mộng: ”Vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành". Bánh gạo nếp hình vuông, bỏ vào chõ chưng chín, Tiết Liêu gọi là Bánh Chưng; bánh gạo nếp nấu thành xôi, cho vào cối giã, làm thành hình tròn, gọi là Bánh Giày. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.



Bánh chưng không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết của người Việt.

Đã mấy nghìn năm qua, cho đến hôm nay, Bánh Chưng và Bánh Giày trở thành lễ vật thiêng dâng tế trong Quốc lễ, Thánh lễ và cả Gia lễ của người Việt. Không chỉ dùng trong các lễ sự, bánh Chưng bánh Giày đã gắn bó với cuộc sống hàng ngày, với mọi chúng sinh, mọi miền Tổ quốc.

Cữ này, đi chợ tết, bên những cành đào chúm nụ, cành mai hé sắc, cành mơ thoảng hương là những bó lá dong xanh mướt, những lóng giang tuổi dậy thì… Cữ này, đến nhà nào cùng bộn bề, tất bật: chắc tay xóc lại thúng nếp thơm, nhẹ nhàng lách từng lát thịt, khéo léo vo viên đậu xanh vừa hấp, rồi lau lá, chẻ giang, kê bếp, nhóm lò… Cữ này, thấy nhà nào cũng vui: ông gói bánh, bà nhuộm lạt, bố treo đèn, mẹ xào rán, chị kết hoa, còn lũ trẻ tung tẩy khắp nhà, ngó nghiêng mọi chỗ, í ới suốt ngày… Thật, vui như Tết !

Hai bẩy tháng Chạp, theo lời mách, tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Thanh. Lọt vào giữa hai “đại thự” kín cổng cao tường gần đường Hải Thượng Lãn Ông, một khu vườn nhỏ rộn tiếng cười. Cánh cổng sắt hen rỉ mở toang, người vào ra tấp nập. Bà Thanh đang bấn lên vì khách, người đến đặt hàng, người nhận bánh đã luộc chín.





Thịt lợn phải chọn loại vừa có nạc, có da nhưng lại ít mỡ, dứt khoát
không lấy thịt lợn sề.


Không rời chiếc chiếu, không ngơi nghỉ tay, Bà vừa gói bánh vừa tiếp chuyện tôi.

Gia đình bà gốc là người Thành phố Vinh, ở phưòng Lê Mao, nay ra ở đây - số 4, khối 13, phường Hà Huy Tập. Các cụ trước làm nghề giò chả, đến bà thì theo nghề gói bánh chưng, bánh tét, đã 32 năm nay. Ngày thường bà gói bánh loại nhỏ bán ở chợ Kênh Bắc, có một ít loại to để chào hàng. Khắp chợ và dân quanh vùng đều biết tiếng “bánh bà Thanh” nên khi nhà có việc, dòng họ có việc hiếu hỷ đều đến đặt bà gói bánh. Đến cả khách sạn Hữu Nghị cũng thường xuyên đến đặt bánh của bà cho các cỗ tiệc lớn. Mới hôm trước người của khách sạn đến đặt trọn gói toàn bộ bánh chưng để bán trong tết Nhâm Thìn này, nhưng bà không nhận lời vì không đủ sức.


Tôi hỏi: sao bà không thuê thêm người để làm ? Bà cười thật hiền: Ngay cả hiện giờ tôi cũng có thuê ai đâu, sáu bảy người đang giúp tôi đều là anh em con cháu trong nhà cả đấy. Người gói bánh chưng kia là dì Dung (em tôi), còn mự Nguyệt (em dâu) đang thái thịt, con bé đang vắt đậu là con gái, nấu bánh ngoài vườn là cậu và dượng, cháu gái đang học đại học về tết thì giúp bà giao hàng, thu tiền và ghi sổ sách… Ngày thường, ít hàng thì chỉ trong nhà tôi làm, còn ai việc người nấy, khi có nhiều hàng như đặt cỗ, lễ tết thì mới huy động đông thế này.


-Nhưng sao bà không thuê người làm theo mùa vụ - Tôi hỏi. Bà ngừng tay, nhìn thẳng vào mắt tôi: Gói bánh, nhất là bánh cho lễ - tết để thờ cúng cần người có tâm, làm đảm bảo trăm cái như một cần người trách nhiệm, làm thâu đêm suốt sáng cho kịp khách về thờ cúng cùng một lúc đưa đón ông bà hay giao thừa (mà bánh phải mới) thì cần người có sức khoẻ, có nhiệt tình và tự nguyện làm hết sức. Vậy, anh bảo, chỉ có người nhà mới tin cậy được như thế chứ !




Gói bánh cần người có tâm, khéo tay, đều tay, cẩn thận, sạch sẽ.
Bánh gói chặt, nấu kỹ thì để được lâu hơn.


-Tôi hỏi: Trong các công đoạn, từ mua nguyên liệu đến chế biến, gói và nấu thì khâu nào quan trọng nhất. Bà Thanh cho biết: Khâu nào cũng quan trọng cả. Ví như gạo nếp thì phải đặt mua một nơi ổn định, có uy tín; lá dong cũng đặt nhưng phải trực tiếp chọn vì họ lấy trên rừng nên không phải năm nào cũng như nhau; còn thịt lợn thì phải đến chợ chọn thịt ở từng quày một, vì mỗi con lợn chỉ lấy được 3-4 cân loại vừa có cả nạc, cả da nhưng lại ít mỡ, dứt khoát không lấy thịt lợn sề (lợn đã đẻ). Người gói phải khéo tay, đều tay, cẩn thận, sạch sẽ. Tôi không bao giờ gói bằng khuôn vì bánh không chặt, hình dáng đều tăm tắp như máy làm nên trông khô cứng không tình cảm. Bánh gói chặt, nấu kỹ thì để được lâu hơn. Bánh tôi nấu bằng củi, mỗi mẻ phải 8 tiếng, vớt ra rửa ngoài cho hết nhớt rồi xếp đều trên bàn và dùng ván đè ép.



Cô cháu gái giúp bà Thanh giao hàng, thu tiền và ghi sổ sách.

Tôi tò mò: mỗi cái bánh bà lời được bao nhiêu ? – Bánh đặt cho tết, mỗi cái năm lượng gạo nếp, nửa lượng thịt, nửa lượng đậu, còn hành-tiêu-muối-lá-củi… thì không chi li được, nhưng ươm ướm thì lời khoảng bảy tám nghìn thôi anh ạ. Vụ tết này tôi gói hơn tấn gạo, vất vả lắm nhưng tính ra cũng chẳng được là bao. Yêu cái nghề mà thích làm thôi, anh ạ.

Chợt điện thoại reo, bà lau vội tay rồi lần vào bâu áo: Mẹ vẫn khoẻ. Vì nhiệm vụ mà con không về ăn tết được thì cứ yên tâm mà công tác. À, mà này, ở đơn vị bộ đội của con có gói bánh chưng không ?…

Không làm phiền nữa, tôi chào bà Thanh. Ngoài cổng người vẫn tấp nập vào ra.

Chuyện bà Thanh gói bánh và câu nói: “gói bánh cho lễ - tết để thờ cúng cần người có tâm…” làm tôi nhận ra, cái nghề gói bánh tết mà bà đang theo không chỉ là mưu sinh ./.



Bai, ảnh: Minh Thông