Nên hình thành các tổ tư vấn học đường

31/01/2012 14:57

(Baonghean.vn) Các em học sinh phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) là những người đang từng bước tích luỹ kiến thức, từng bước hình thành nhân cách để phát triển. Vì thế, khi vấp phải những vấn đề tâm lý phức tạp, các em khó có thể vượt qua. Các em có rất nhiều khúc mắc trong học tập, rèn luyện, trong mối quan hệ với thầy cô giáo, gia đình, bạn bè... mà nếu không được hướng dẫn điều chỉnh, giải tỏa kịp thời, sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì thế, việc giải quyết vấn đề tâm lý đối với các em là rất cần thiết.

(Baonghean.vn) Các em học sinh phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) là những người đang từng bước tích luỹ kiến thức, từng bước hình thành nhân cách để phát triển. Vì thế, khi vấp phải những vấn đề tâm lý phức tạp, các em khó có thể vượt qua. Các em có rất nhiều khúc mắc trong học tập, rèn luyện, trong mối quan hệ với thầy cô giáo, gia đình, bạn bè... mà nếu không được hướng dẫn điều chỉnh, giải tỏa kịp thời, sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì thế, việc giải quyết vấn đề tâm lý đối với các em là rất cần thiết.

Cách đây khoảng 15 năm, một trường học ở Hà Nội đã thành lập tổ tư vấn học đường bên cạnh các tổ chuyên môn. Từ năm học 2007-2008, Thành phố Hồ Chí Minh đã giao biên chế để các trường phổ thônghình thành tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh. Tính đến hết năm học 2010-2011, 90% số trường phổ thông của Thành phố Hồ Chí Minh đã có phòng hoặc tổ tư vấn học đường. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong năm học 2011-2012, 100% số trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố phải thành lập xong tổ chức tư vấn học đường.


Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, diễn biến tâm lý của học sinh phổ thông, nhất là học sinh trung học rất phức tạp. Nhiều em vì bế tắc về tâm lý mà dẫn đến sai phạm, có em vi phạm pháp luật. Gia đình các em không có điều kiện để quan tâm đầy đủ đến con cái, nên việc nhà trường giúp học sinh giải quyết về vấn đề tâm lý lại càng cần được thực hiện hơn bao giờ hết. Để làm được điều này, việc hình thành tổ tư vấn học đường trong các nhà trường là một hướng đi đúng đắn.


Trước mắt, có thể chưa nên triển khai đại trà mà nên thành lập tổ tư vấn học đường thí điểm ở một số trường của từng cấp học phổ thông để rút kinh nghiệm. Tổ nàyhoạt động dưới chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo nhà trường, có vai trò tư vấn trực tiếp cho học sinh và cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho công tác chỉ đạo của nhà trường.

Nhiệm vụ chính của tổ là tư vấn cho học sinh có vấn đề về tâm lý; tư vấn hướng nghiệp và chọn lối đi lập nghiệp ban đầu cho học sinh trung học; tư vấn hỗ trợ cho cha mẹ học sinh khi họ có nhu cầu. Ban đầu, mỗi trường có thể cử vài ba giáo viên có kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục, cho đi tập huấn để phụ trách công tác này. Nhưng về lâu dài, Tổ Tư vấn học đường của các nhà trường phải có một cán bộ phụ trách và người này phải được đào tạo bài bản về tâm lý học.


Phạm Huy Đức