Thách thức mới đối với ông Putin

07/03/2012 17:38

Mặc dù giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga hôm 4-3-2012, với gần 63,7 % số phiếu ủng hộ, nhưng Tổng thống đắc cử Vladimir Putin vẫn phải đương đầu với những thách thức to lớn, trong đó đáng chú ý nhất là sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, những người không muốn ông tiếp tục nắm quyền.

Mặc dù giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga hôm 4-3-2012, với gần 63,7 % số phiếu ủng hộ, nhưng Tổng thống đắc cử Vladimir Putin vẫn phải đương đầu với những thách thức to lớn, trong đó đáng chú ý nhất là sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, những người không muốn ông tiếp tục nắm quyền.

Đa số người dân Nga ủng hộ ông Putin

Hôm 5-3-2012, trong khi khoảng 20.000 người ủng hộ Putin tập trung tại quảng trường Manezhnaya ở Matxcơva mít tinh mừng thắng lợi của ông thì khoảng gần hai chục ngàn người chống Putin biểu tình tại quảng trường Pushkin để phản đối kết quả bầu cử. Cảnh sát Nga đã bắt giữ hàng trăm người trong những cuộc biểu tình không được phép. Trong số những người bị cảnh sát bắt có cả ông Alexei Navalny, một blogger nổi tiếng, và lãnh tụ đối lập Sergei Udatsov.

Trước đó, những người biểu tình định chiếm một công viên và dựng lều để tiếp tục biểu tình lâu dài nhưng kế hoạch của họ bất thành vì cảnh sát chống bạo loạn Nga đã nhanh chóng giải tán và bắt giữ nhiều người. Thị trưởng Matxcơva, ông Sergei Sobyanin, đã ra lệnh cấm người biểu tình dựng lều tại các công viên còn lực lượng an ninh thì sẵn sàng đàn áp bằng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình bất hợp pháp.

Dường như các nhà chức trách Nga đã hiểu rõ tầm mức nguy hiểm của các cuộc biểu tình dài ngày bằng phương cách dựng lều ở lì trên đường phố và công viên. Đây là phương thức đấu tranh mà những người ủng hộ cuộc cách mạng Cam ở Ukraina đã sử dụng hồi năm 2004 tại Kiev, và những người này đã thành công trong việc buộc chính quyền Ukraina thời bấy giờ phải hủy bỏ cuộc bầu cử trong đó một ứng cử viên thân Nga đã giành thắng lợi, để tổ chức lại một cuộc bầu cử khác, tạo điều kiện để một ứng cử viên thân phương Tây đắc cử.

Tỷ phú Mikhail Prokhorov, ứng cử viên giữ vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga, đã bày sự quan ngại trước việc sử dụng vũ lực và bắt giữ các nhà lãnh đạo đối lập tại cuộc míttinh ở quảng trường Pushkin vào tối 5-3. Trên trang mạng xã hội Facebook, ông Mikhail Prokhorov viết rằng, ông đã có mặt trong cuộc mít tinh ở quảng trường Pushkin và nhận thấy đó là cuộc mít tinh hòa bình, và ông cảm thấy phẫn nộ trước việc sử dụng vũ lực đối với những người đến tham gia cuộc tụ tập để bày tỏ quan điểm công dân của họ. Theo ông, sự kiện xảy ra hôm 5-3 trên quảng trường Pushkin đã phá vỡ truyền thống của các cuộc mít tinh hòa bình đối lập được tổ chức tại Nga trong thời gian gần đây.

Theo ông Prokhorov, chính quyền phải chịu trách nhiệm về an ninh cho các công dân, đồng thời cần giải quyết các tình huống như vậy bằng phương pháp tránh xung đột. Ông Prokhorov kêu gọi tất cả các công dân không để bị khiêu khích và hành động có trách nhiệm và hợp lý nhất trước tình hình hiện nay đồng thời yêu cầu phải làm rõ vụ việc xảy ra trên quảng trường Pushkin tại tòa án. Tổng cộng số người bị bắt giữ theo Đài Tiếng nói nước Nga là gần 250 người. Trước đó, ông Navalny đã diễn thuyết trước đám đông hàng chục nghìn người.

Các cuộc biểu tình ủng hộ và chống Putin diễn ra tại nhiều nơi trên khắp nước Nga đã phản ánh sự căng thẳng trong xã hội Nga. Thực ra, điều này đã được thể hiện từ trước đó, qua các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính quyền sau cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga (Hạ viện) cuối năm ngoái, cũng như trong thời gian tranh cử trước bầu cử Tổng thống.

Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, phe đối lập đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử "có gian lận trên quy mô rộng” và từ chối công nhận kết quả bầu cử, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành cuộc biểu tình rầm rộ nhất kể từ năm 2000 để phản đối ông Putin. Tuy đang gây một số khó khăn nhất định cho chính quyền Nga nhưng giới quan sát cho rằng lực lượng đối lập ở Nga vẫn chưa đủ khả năng thực hiện các cuộc cách mạng kiểu như cách mạng màu Cam hoặc Mùa Xuân Ả Rập vì các đảng phái đối lập ở Nga ít khi tìm được tiếng nói chung ngoài mục tiêu chống Putin.

Không những vậy họ còn không có được một chính sách rõ ràng về các vấn đề quốc kế dân sinh. Chính vì vậy, phần lớn người dân Nga cho đến nay vẫn chưa tin vào khả năng mang lại ổn định và thịnh vượng của lực lượng đối lập. Đã từng trải qua thời kỳ khốn khó do khủng hoảng trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, người dân Nga hiểu rõ cái giá phải trả cho sự bất ổn chính trị khắc nghiệt như thế nào. Đa số người dân Nga đã chọn ông Putin bởi lẽ họ đã biết được những mặt mạnh của ông. Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống trước đó của mình, ông Putin đã vực dậy một nước Nga suy sụp, mắc nợ đầm đìa, trở thành một nước Nga ổn định và phát triển, có được vị thế xứng đáng như ngày nay trên trường quốc tế.

Trở lại nắm cương vị Tổng thống, ông Putin không những phải đối mặt với các lực lượng đối lập đang ngày càng mạnh lên mà còn phải đối phó với các khó khăn trong lĩnh vực kinh tế, khi mà nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng tăng trưởng èo uột. Tại Nga, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều đang ở mức cao, số lượng người nghèo gia tăng và phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Trong khi đó nền kinh tế Nga lại lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Ngoài ra, nạn tham nhũng lan tràn không chỉ làm suy yếu nền kinh tế Nga mà còn làm giảm sút lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Cho dù trước mặt còn vô số thách thức, nhưng với ông Putin vẫn có nhiều thuận lợi. Trước hết, đó là nền kinh tế Nga phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao và nước Nga không bị sa vào cuộc khủng hoảng nợ như một số nước khác ở châu Âu. Trên trường quốc tế, Nga ngày càng khẳng định vị trí của một cường quốc, đấu tranh cho một trật tự thế giới mới đa cực. Nhưng có lẽ thuận lợi lớn nhất đối với ông Putin chính là việc ông được đa số người dân Nga ủng hộ và điều này đã được khẳng định qua tỷ lệ phiếu bầu cao, lên tới gần 64%, dành cho ông trong cuộc bầu cử vừa qua.


Theo Daidoanket