Mũ bảo hiểm - mua theo mốt, bỏ qua an toàn
(Baonghean.vn) - Đánh vào tâm lý của không ít người tiêu dùng, nhất là giới trẻ thường mua các loại mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng, thời trang và giá rẻ, không ít nhà sản xuất vì lợi nhuận nên trong quy trình sản xuất đã bỏ qua quy định công dụng bắt buộc là bảo vệ an toàn cho người điều khiển xe máy của MBH...
(Baonghean.vn) - Đánh vào tâm lý của không ít người tiêu dùng, nhất là giới trẻ thường mua các loại mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng, thời trang và giá rẻ, không ít nhà sản xuất vì lợi nhuận nên trong quy trình sản xuất đã bỏ qua quy định công dụng bắt buộc là bảo vệ an toàn cho người điều khiển xe máy của MBH...
Len lỏi giữa hàng rau, hàng thịt trong chợ Hưng Dũng (TP Vinh), một người đàn ông hai tay lỉnh kỉnh độ hơn chục cái mũ đủ sắc màu được rao bán là MBH vừa nhẹ vừa gọn, giá rẻ bất ngờ, mỗi chiếc ba chục ngàn, hai chiếc năm chục ngàn... Vậy là bà con ta, các tiểu thương cũng như khách hàng xúm vào xem hàng. Nhiều người đội thử. Cái họ ưng nhất chính là giá rẻ mà “hợp thời trang”, không nặng đầu mà lại yên tâm vì không phạm luật ATGT. Còn chuyện để lộ ra nửa đầu phía sau, lòi nguyên tai, nguyên trán, mỏng lét thì chẳng ai quan tâm làm gì. Tôi thử chọn một cái để xem thì quả thật ngoài việc nó được làm bằng nhựa và có dây cài ra thì trông không có gì so với một chiếc mũ lưỡi trai. Mũ “dày” hơn 1/2 cm, phần nhựa và một lớp đệm cực mỏng dính với nhau bằng loại keo dán nhựa. Khi chúng tôi vừa gõ 2 cái mũ vào nhau liền bị chủ hàng gắt: “Ấy nhẹ thôi chứ, coi chừng... vỡ ”.
Mũ bảo hiểm "vỉa hè" đa dạng về kiểu dáng, màu sắc
Dạo qua các quầy bán MBH trên vỉa hè ở các tuyến đường như Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Sỹ Sách... chúng tôi hoa mắt với đủ loại MBH, mũ cách điệu với màu sắc và kiểu dáng vô cùng phong phú, nhưng chúng cùng một tiêu chuẩn “3 không”: không dấu hợp quy (tem CR), không lớp xốp tản lực khi va đập, không địa chỉ nhà sản xuất đang được bày bán công khai. Chúng được các nhà sản xuất đăng ký tên gọi như mũ thời trang dành cho người đi bộ, đi xe đạp và thể thao nhằm để lách luật... Cái thì được bọc vành bằng một lớp nhôm mỏng, cái thì được khoét phía sau để dùng cho các cô nương bới tóc đuôi gà, tránh bị xẹp tóc, mất thẩm mỹ... mỗi chiếc MBH nặng cỡ... vài lạng với giá bán trung bình từ 30.000- 60.000 đồng/cái, mua hai cái trở lên thì được giảm giá 5.000 đồng/cái. Ngoài ra, cũng có nhiều sản phẩm mà chỉ cần 40.000- 80.000 đồng là khách hàng có thể sở hữu ngay một chiếc MBH với đầy đủ "tem chất lượng hợp quy", nhưng chỉ nhìn qua cũng đủ thấy các loại mũ này đều không có khả năng bảo vệ, phần vỏ nhựa bên ngoài mỏng, giòn, được làm chủ yếu bằng nhựa phế thải chế tạo lại, lớp xốp bên trong mềm, dễ vỡ, quai đeo mỏng, móc khóa dễ hỏng...
Đi trên các tuyến đường ở thành phố Vinh, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người sử dụng các loại MBH sai chức năng khi điều khiển xe mô tô. Ghé vào mua một quầy MBH trên vỉa hè đường Lê Duẩn (TP Vinh) chúng tôi được chị chủ hàng cho biết: “Mỗi ngày tôi cũng bán được khoảng chục cái MBH thời trang. Từ khi bán hàng loại này chưa thấy đơn vị nào đến kiểm tra chất lượng sản phẩm, chỉ sợ đội quản lý trật tự của phường thu giữ vì bày bán lấn chiếm vỉa hè, làm mất cảnh quan đô thị”... Vừa lúc có một cặp vợ chồng tấp xe máy vào lề đường xem hàng, chị chủ hàng đon đả giới thiệu ngay: “Hàng vừa đẹp mà giá cả phải chăng, chỉ 40.000 đồng một chiếc”. Sau một hồi chọn lựa, cảm thấy giá như thế vẫn còn đắt, chị vợ kỳ kèo bớt giá với lý do chồng làm nghề xe ôm nên mới cần mua cái mới. Khách đi xe thấy mũ cũ quá họ cũng ngại đội, mà mua mũ đắt thì cũng phí tiền! Nhưng khi thấy anh chồng không muốn mua vì lo ngại về chất lượng, người bán chuyển ngay thái độ: “Chỉ có mấy chục bạc mà đòi hàng tốt, muốn chất lượng thì vào cửa hàng mà kiếm mũ mấy trăm nghìn, nhé”.
Mũ bảo hiểm” và mũ lưỡi trai bằng vải trông chẳng khác gì mấy.
Được biết, để thống nhất quản lý chất lượng MBH và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, theo Thông tư 23/2009TT- BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 1/7/2010 các loại mũ bảo hiểm (MBH) sản xuất, nhập khẩu trên thị trường Việt Nam phải gắn duy nhất dấu hợp quy (CR) thay cho dấu hợp chuẩn (CS) đối với sản xuất trong nước và tem “đã kiểm tra” đối với hàng nhập khẩu; các mũ không có dấu CR sẽ bị tịch thu.
Tất cả các MBH sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường đều sử dụng dấu hợp quy CR. Những loại dấu khác như CS đối với hàng sản xuất trong nước và tem “đã kiểm tra” đối với hàng nhập khẩu gắn trên MBH sẽ không còn hiệu lực. Và việc chuyển đổi dấu trên MBH chỉ thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối MBH chứ không liên quan đến người tiêu dùng, vì thế, những loại MBH mà người dân đang sử dụng có dấu CS hay tem “đã kiểm tra” vẫn được lưu thông bình thường. Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai, quy định này dường như chưa đi vào cuộc sống, cả người bán lẫn người mua còn thờ ơ...
Điều đáng lo ngại là hiện nay một bộ phận người tiêu dùng khi mua MBH đang quên dần tiêu chí phải đảm bảo quy chuẩn chất lượng theo QCVN 02: 2008/BKHCN về chất lượng đối với MBH. Nếu như trước đây, yếu tố chất lượng MBH được nhiều người tiêu dùng đặt lên hàng đầu khi mua hàng thì nay các loại dấu được gắn trên MBH như CS hay CR cũng ít được chú ý. Việc họ mua và đội mũ bảo hiểm chỉ để che mưa, nắng, cốt tránh không bị cảnh sát giao thông lập biên bản, hoặc nếu có mất cũng không "xót của" chứ chưa thực sự đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, xem đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình khi không may gặp rủi ro.
Trước việc MBH "vỉa hè" ngày càng bành trướng, hàng thật, hàng giả bày bán lẫn lộn, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả và mạnh tay hơn nữa trong việc quản lý thị trường mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên quan tâm đến chất lượng thực sự của mũ bảo hiểm vì sự an toàn chính bản thân mình. Và việc khách hàng từ chối những sản phẩm không có dấu hợp quy, kém chất lượng là đồng nghĩ với việc tố giác những hành vi của các cơ sở, cá nhân làm trái quy định của Nhà nước. Có như vậy thị trường hàng hoá mới trở nên lành mạnh, bảo đảm được quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ngọc Anh