Đến hẹn lại... "nóng"!

16/01/2012 14:25

(Baonghean.vn) - Cuối năm, cùng với không khí nhộn nhịp mua sắm cho cái Tết đủ đầy thì nỗi lo VSATTP cũng tăng cao. Đây là vấn đề "biết rồi" và dù "nói mãi" mà vẫn... "nóng".

Những con số, vụ việc:


Năm 2011, tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phức tạp. Theo số liệu của Chi cục ATVSTP, thì đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ngộ độc với 250 người mắc. Tuy không có trường hợp tử vong, song mối nguy là rất lớn. Trong số này có 2 vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, 2 vụ do hóa chất, 3 vụ do thực phẩm biến chất và 4 vụ do độc tố tự nhiên. Các vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở vùng cao, vùng sâu, nơi nhận thức về công tác bảo đảm chất lượng VSATTP còn hạn chế.



Kiểm tra chất lượng VSATTP tại Siêu thị Big C -Vinh. Ảnh:Từ Thành


Cuối năm, số các vụ việc vi phạm ATVSTP bị phanh phui cũng tăng lên. Trong vòng tháng 12, trên địa bàn đã nổi cộm vụ việc Đội Cảnh sát Môi trường- Công an T.P Vinh bắt giữ, tiêu hủy 600 kg đuôi bò, phín bò, gân bò không rõ nguồn gốc được để trong ngăn đá tủ lạnh của một gia đình kinh doanh đồ nhắm tại đường Lê Hồng Phong. Cũng trong tháng này, Công an Thị xã Cửa Lò cũng đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở sản xuất bánh kem trái phép tại khối Hải Giang, phường Nghi Hải, thu giữ 36 thùng bánh kem xốp, 1 máy dán bao bì, một số phụ gia chế biến bánh, kẹo, 500 nhãn mác các loại.

Đó là chưa kể, ngay sát địa bàn tỉnh ta, lực lượng chức năng các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã phát hiện thu giữ nhiều tấn nội tạng bốc mùi đang được vận chuyển từ Bắc vào Nam trên tuyến Quốc lộ 1. Còn trên phạm vi cả nước, thì có tới 25 trường hợp chết do ngộ độc mà chủ yếu do uống methanone, tức là uống cồn công nghiệp được đưa vào rượu. Vì thế trong dịp Tết này, rượu sẽ là mặt hàng được kiểm tra nghiêm ngặt. Địa bàn tỉnh ta, không chỉ nóng vấn đề rượu giả, rượu ngoại nhập lậu mà còn tồn tại nhiều lò... nấu rượu quê phục vụ dịp Tết.


Lo từ làng đến phố


Khảo sát các chợ và hỏi han người dân ở các huyên Thanh Chương, Nam Đàn, chúng tôi được biết, người dân nơi đây "không lo chuyện thịt, chuyện rau" vì chủ yếu đây là nguồn tự cung, tự cấp mà lo nhất là các mặt hàng chế biến sΩn từ nem, chả, lạp xường đến bánh, mứt, kẹo, phồng tôm, hạt dưa, và các gia vị như mì chính, tương ớt... Những mặt hàng này không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chỉ đoán chừng được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong dịp kiểm tra gần đây, Thanh Chương đã phát hiện ra 1 cơ sở kinh doanh thịt sấy, và 5 cơ sở kinh doanh bánh kẹo vi phạm quy định nhãn mác, 3 cơ sở kinh doanh nước ngọt, bánh quy, sữa dây hết hạn, 2 cơ sở kinh doanh kẹo mút, và cơ sở kinh doanh thạch rau câu kém chất lượng. Đáng lo ngại là thấy xuất hiện loại đồ chơi cho trẻ do Trung Quốc sản xuất mà trong đó có cả kẹo có thể vừa để chơi, vừa để ăn.

Trong 420 cơ sở được thanh, kiểm tra trong năm thì các cơ sở vi phạm chủ yếu là do sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trung tâm Y tế huyện cũng mới mở lớp tập huấn về kiến thức ATVSTP cho trên 50 chủ hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cấp dưỡng trường mầm non tăng cường trong dịp gần Tết này.


Nam Đàn, do địa thế gần thành phố nên bà con không mặn mà lắm với việc sắm Tết tại các cơ sở kinh doanh địa phương. Trong năm, đoàn kiểm tra của huyện đã đi kiểm tra tại 102 cơ ở sản xuất chế biến thực phẩm, 218 cơ sở kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, 154 dịch vụ ăn uống, 22 bếp ăn tập thể, phát hiện ra sai phạm tại 53 cơ sở trong đó có 6 cơ sở kinh doanh ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, 13 cơ sở kinh doanh hàng trôi nổi, quá hạn, đã cảnh cáo, nhắc nhở 30 cơ sở, hủy sản phẩm của 13 cơ sở.

Hỏi về các sản phẩm do người dân cung cấp ra thị trường như món tương truyền thống, rau và thịt gia súc, gia cầm thì cán bộ của Trung tâm Y tế huyện cũng chỉ dám chắc là món tương đảm bảo chất lượng ATVSTP vì quy trình làm tương rất khắt khe, còn rất có thể người trồng rau vẫn phun thuốc kích thích, nuôi lợn bằng các loại thức ăn công nghiệp tăng trọng...


Có thể nói rằng, những năm qua việc lựa chọn siêu thị đã dần trở thành thói quen của không ít người tiêu dùng thành phố. Siêu thị cũng là những địa điểm bình ổn giá, giúp cho bà con đỡ lo thêm nỗi bị bắt chẹt và mua phải hàng trôi nổi. Tuy nhiên, không ít người cho rằng cuối năm, các siêu thị dễ xả hàng tồn đọng, sắp hết hạn bằng các chiêu khuyến mại, cộng thêm việc tấp nập chen chúc, dễ bị kẻ gian lợi dụng nên họ đã chọn chợ hoặc các điểm kinh doanh tập trung khác. Chợ Vinh, chợ đầu mối cung cấp cho nhiều vùng, ngay từ bây giờ hàng hóa đã vô cùng sôi động.

Hàng bánh kẹo bán cân, hàng thực phẩm chế biến sΩn không có nguồn gốc... được bán khá chạy. Nhiều mặt hàng vẫn có bao bì đề chữ Trung Quốc nhưng không có thông tin bằng tiếng Việt. Hay như chợ Quang Trung (TP.Vinh) khi khách hỏi cần mua thịt bò khô thì một số quầy sẽ "tiếp thị" ngay món bò " vừa rẻ vừa ngon" đựng sΩn trong túi bóng lớn, bán theo cân. Nhiều quầy cũng quảng cáo mứt Tết "tự chế", chủ yếu là mứt gừng.


Thực phẩm ăn sΩn thì nhiều vô kể và... không biết lối nào mà lần, do các cơ sở kinh doanh hiện nay chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó là nỗi lo rượu lậu, rau phun hóa chất, thịt thì mới đóng dấu kiểm định tại chợ chứ không được kiểm định tai lò mổ... khiến cho người dân vừa mua vừa... lo.


Quản lý, xử phạt: khó?


Thiếu nhân lực là nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng lớn trong công tác đảm bảo ATVSTP. Chính vì thế, việc thanh, kiểm tra cũng chỉ được tổ chức ráo riết một năm 3 đợt lớn còn lại đành... thả lỏng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thường là các cơ sở vi phạm, hầu hết của hộ kinh doanh nghèo, mang tính tự phát ở vùng nông thôn, miền núi nên việc xử phạt không triệt để.

Thêm đó, dịp Tết, các mặt hàng quá hạn, kém chất lượng thường được đưa vào những vùng sâu, vùng xa, nơi các đoàn thanh, kiểm tra không đủ sức để vươn tới. Ngay tại Chi cục ATVSTP thì những đầu tư thích đáng cho hệ thống kiểm nghiệm còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là khi triển khai Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.


Ở tuyến huyện thì điều này còn bất cập hơn. Việc thanh tra, kiểm tra dựa hoàn toàn vào... cảm quan của cán bộ kiểm tra. Chỉ có một số mẫu thử kiểm nghiệm nước sôi, hàn the có trong giò chả là có test nhanh, còn lại nếu muốn kiểm nghiệm nhiều mặt hàng khác đành... gửi lên tuyến tỉnh hoặc Trung ương. "Đơn giản như mẫu nước đá, hay kem, chúng tôi cũng không đủ trình độ xét nghiệm để có thể công bố nó có đạt tiêu chuẩn hay không. Muốn biết đích xác, chúng tôi phải gửi mẫu xuống tỉnh và phải trả tiền cho xét nghiệm này. Nếu phải trả tiền thì chúng tôi cũng không biết thu ở đâu cho hợp lý, ấy là chưa kể việc đem sản phẩm người ta đang kinh doanh, sản xuất đi xét nghiệm và... phải chờ kết quả lâu hay mau là rất khó"- Giám đốc Trung tâm y tế Nam Đàn chia sẻ.


T.V