Tương Dương: Phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững

03/01/2012 17:20

(Baonghean.vn) - Trong những ngày cuối năm 2011, đi dọc con đường nối từ xã Tam Quang, thị trấn Hòa Bình đến các xã Yên Na, Yên Hòa, Nga My, Xiêng My... của huyện Tương Dương, đâu đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của cây rừng và nhiều trang trại kinh tế tổng hợp. Cùng với những con đường, công trình dân sinh mới, cuộc sống của đồng bào nơi huyện vùng cao biên giới này thực sự khởi sắc. Những thành quả ấy là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của người dân ở các địa phương.

(Baonghean.vn) - Trong những ngày cuối năm 2011, đi dọc con đường nối từ xã Tam Quang, thị trấn Hòa Bình đến các xã Yên Na, Yên Hòa, Nga My, Xiêng My... của huyện Tương Dương, đâu đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của cây rừng và nhiều trang trại kinh tế tổng hợp. Cùng với những con đường, công trình dân sinh mới, cuộc sống của đồng bào nơi huyện vùng cao biên giới này thực sự khởi sắc. Những thành quả ấy là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của người dân ở các địa phương.


X E ô tô vẫn lăn bánh trên những con đường quen thuộc đưa chúng tôi đến xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương. Những nếp nhà xây xinh xắn mọc lên thay cho những ngôi nhà lá tuyềnh toàng của 4, 5 năm về trước. Dưới chân núi là những đám ruộng bậc thang tươi tốt. Cuộc sống đồng bào hôm nay đã có nhiều đổi thay, họ đã biết vượt lên chính mình để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo xây dựng một diện mạo nông thôn miền núi mới, góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



Đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện kiểm tra công tác bầu cử tại xã Tam Thái.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phấn khởi cho biết: Tương Dương là huyện vùng núi cao, có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, địa bàn, địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Tất cả các chương trình, đề án của Tương Dương trong thời gian qua nhằm mục đích cuối cùng là đẩy nhanh tiến độ XĐGN trên địa bàn, xây dựng Tương Dương trở thành huyện khá nhất các huyện miền núi cao của tỉnh. Song song với việc tổ chức thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Tương Dương đẩy mạnh thực hiện hai chương trình kinh tế lớn là trồng rừng, trồng cỏ và phát triển chăn nuôi.

Đây được xem là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Anh Xồng Bá Nỏ - Bí thư Chi bộ bản Phà Lõm, xã Tam Hợp đi cùng góp thêm vào câu chuyện tính toán làm ăn: "Xác định rõ thế mạnh, Đảng ủy xã Tam Hợp cũng như Chi bộ bản Phà Lõm đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng ngô, sắn, khoai sọ, bí xanh, khai hoang lúa nước, trồng rừng kinh tế... Huy động sức dân bằng ngày công mở các tuyến đường thuận lợi cho người dân đi lại và sản xuất. Nhờ vậy, đời sống bà con không còn lo đói kém".





Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đang được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.


Qua những sẻ chia của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho thấy, những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia 134, 135, 167, 30a... đã mang lại niềm vui cho người dân nơi đây. Từ những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ những gia đình còn khó khăn có nhà ở, cây, con giống. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đồng bào các dân tộc ở Tương Dương càng vững tin để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Những năm gần đây, bà con đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi như: đưa các giống lúa, ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng thay các giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp. Đặc biệt là phát huy lợi thế trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc để phát triển các mô hình kinh tế.

Để trợ giúp nông dân trong sản xuất, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo từng mùa vụ. Huyện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, triển khai các mô hình nuôi lợn rừng, tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 76 triệu đồng; mô hình nuôi nhím, tổng nguồn vốn đầu tư 60 triệu đồng; mô hình nuôi lợn đen, tổng kinh phí đầu tư 24 triệu đồng. Ban quản lý dự án hợp đồng mua bê, nghé, cá giống cấp cho các xã. Hiện nay, đã có một số mô hình kinh tế bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi gà của chị Pay Thị Huyền ở xã Yên Na, mô hình chăn nuôi lợn thịt của hộ Lô Văn Tiến bản Tam Bông, xã Tam Quang. Huyện chỉ đạo quyết liệt các xã vận động nhân dân trồng 50 ha cỏ năm 2011 và 2 mô hình trồng cỏ VA 06 tại bản Chắn, xã Thạch Giám quy mô 1 ha; bản Hào, bản Cành Khỉn, bản Xốp Cháo, bản Đình Yên quy mô 1,6 ha. Giao cho các chủ dự án trồng rừng tiếp tục xây dựng các mô hình trồng rừng năm 2011.

Nhờ đó, đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 1.456.994/1.339.000 triệu đồng, đạt 108,8% kế hoạch, bằng 132,6 % so với cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 118.302/120.000 triệu đồng, đạt 98,6% kế hoạch, bằng 102,3% so với cùng kỳ; công nghiệp, xây dựng 1.186.961/1.054.000 triệu đồng, đạt 112,6 % kế hoạch, bằng 141,1 % so với cùng kỳ; dịch vụ 151.731/165.000 triệu đồng, đạt 92 % kế hoạch, bằng 107,5 % so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người 13.400.000 đồng/năm. Bình quân lương thực đầu người 249 kg/người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 65,2%, giảm 6,1% so với năm 2010. Tổng thu ngân sách Nhà nước 378.752/263.573 triệu đồng, đạt 143,6 % kế hoạch giao đầu năm. Trong đó: Thu ngân sách trên địa bàn 9.200/4.850 triệu đồng, đạt 190% dự toán giao đầu năm; bằng 146% Nghị quyết HĐND huyện đề ra (6.300 triệu đồng).


Tuy nhiên, kinh tế ở các vùng đồng bào dân tộc nhìn chung còn chậm phát triển. Nhiều nơi lúng túng hoặc chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, một số thiếu đất sản xuất. Điều bất cập trong việc thực hiện XĐGN ở Tương Dương hiện nay là người dân vừa muốn được đầu tư hỗ trợ của Nhà nước nhưng không muốn thoát nghèo. Để xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một điểm mới trong công tác XĐGN sẽ được Tương Dương triển khai đó là huyện tổ chức cho các hộ dân đăng ký các biểu mẫu đăng ký xóa nghèo cụ thể về: nhà cửa, trâu, bò, phương tiện nghe nhìn, đi lại... từ đó mới đăng ký cấp vốn. Để làm được điều này là không dễ dàng nhưng huyện quyết tâm thực hiện với phương châm "chỉ XĐGN cho hộ có quyết tâm XĐGN".


Để khắc phục những hạn chế, khó khăn nói trên, theo Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - Nguyễn Hồ Cảnh: Trong những năm trước mắt sẽ tập trung giúp bà con các dân tộc, nhất là vùng đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: thiếu lương thực, không đủ tư liệu sản xuất, thiếu đất ở và đất sản xuất. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, ưu tiên nguồn nhân lực tiếp tục xây dựng hạ tầng nông nghiệp nông thôn vùng cao, vùng biên giới, tạo động lực cho bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.


Trước mắt, huyện đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 100% số xã có đường ô tô vào tận xã trong 4 mùa. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã sáp nhập Ban chỉ đạo xây dựng các chương trình dự án trên địa bàn như: 30a, 134,135, nông thôn mới thành Ban Chỉ đạo các chương trình, dự án huyện. Đồng thời chọn 2 xã Thạch Giám và Tam Thái là hai xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành điều tra thực trạng nông thôn năm 2010 và xác định lộ trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc thực hiện các đề án an sinh xã hội, huyện đã xây dựng các biểu mẫu để các hộ gia đình, các bản, xã đăng ký thực hiện các nhiệm vụ XĐGN nhanh và bền vững. Phấn đấu hàng năm XĐGN được 4-5% hộ nghèo.


Với bước đi riêng, sự đồng lòng cùng quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân các đồng bào dân tộc cùng sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, tin tưởng rằng sẽ tạo nên sức sống mới cho huyện miền núi cao Tương Dương.


Thanh Lê