Làm rõ việc tăng giá và quản lý chất lượng gas

20/02/2012 16:08

Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp gas đầu mối phải có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng tại hệ thống của mình, kể cả đối với đại lý, đến khâu bán lẻ cuối cùng.

Tiếp sau cuộc họp với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương vừa tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam để làm rõ vì sao gần đây giá gas liên tục tăng và vai trò kiểm soát của các đầu mối đối với hệ thống phân phối của mình, kể cả hệ thống đại lý. Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp gas đầu mối phải có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng tại hệ thống của mình, kể cả đối với đại lý, đến khâu bán lẻ cuối cùng.

Giá tăng do nhiều doanh nghiệp cạnh tranh

Giải thích vì sao giá gas lại liên tục tăng trong 2 tháng qua, ông Nguyễn Sỹ Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng: Cơ cấu tính giá gas trong nước phụ thuộc vào giá thế giới (theo giá CP). Những tháng gần đây, giá gas thế giới liên tục tăng. Cụ thể là tháng 1 giá gas tăng mỗi tấn là 85 USD so với tháng 12 năm ngoái, tháng 2 tăng 145 USD/tấn so với tháng 1. Dự kiến, tháng 3 giá sẽ tiếp tục đứng ở mức cao như tháng 2. Đây là một nguyên nhân đẩy giá gas trong nước tăng. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, giá gas trong nước cao như hiện nay còn do ảnh hưởng từ việc tổ chức thị trường. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm ở trong nước.

Việc có quá nhiều doanh nghiệp đầu mối khiến cho tình hình kinh doanh gas cạnh tranh gay gắt và khó kiểm soát.“ Việt Nam hiện là nước có nhiều nhất số lượng doanh nghiệp kinh doanh gas. Ở Thái Lan 1 năm tiêu thụ 4 triệu tấn gas chỉ có 5 doanh nghiệp phân phối. Ở Malaysia tiêu thụ 3,5 – 4 triệu tấn gas/ năm cũng chỉ có 6 doanh nghiệp phân phối. Trong khi đó ở Việt Nam có tới gần 100 doanh nghiệp kinh doanh, quá nhiều so với thực tế, quá nhiều doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau, chiếm dụng lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh.”- Ông Thắng nói.

Hệ thống phân phối gas bất cập

Hiện nay Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas) chiếm đến 60% nguồn gas sản xuất trong nước. PV gas đấu giá khoảng một nửa, phần còn lại bán trong hệ thống của mình. Việc nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá gas lên cao. Vì thế, theo các thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam, cần có biện pháp chống liên kết, thông đồng trong khâu định giá; chống độc quyền bằng cách đấu thầu công khai 100% lượng gas sản xuất, không để một doanh nghiệp nào quá lớn, hoặc quá lợi thế trong sở hữu các nguồn lực tới mức có thể chi phối và ảnh hưởng tới định giá trên thị trường. Ngoài ra, theo ông Trần Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gas Petrolimex, do lo ngại về tỷ giá thay đổi dẫn đến việc bị thua lỗ, nên nhiều doanh nghiệp nhập gas qua Tổng Công ty Khí Việt Nam. Hiện nay, thị phần nhập khẩu của Tổng Công ty Khí Việt Nam chiếm tới 90%. Do đó, khi nguồn hàng của các nhà cung cấp, các đối tác có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Vì vậy kiểm soát tốt nguồn hàng này cũng sẽ có vai trò lớn trong điều tiết giá:“Vai trò của Bộ Công thương trong việc cân đối nguồn là rất quan trọng. Cần có chính sách về tỷ giá ngoại tệ, về đấu giá hàng nội địa.. các đơn vị nhập khẩu nên có 30-35% …thì mới đảm bảo tính an toàn thị trường.”

Về tổ chức hoạt độngkinh doanh gas, hiện đã có Nghị định 107 quy định về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cấp I, các tổng đại lý, đại lý... Tuy nhiên, thực tế việc cấp phép cũng như quản lý các cửa hàng, đại lý gas vẫn còn nhiều bất cập. Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, tình trạng “trăm hoa đua nở”, ai ai cũng có thể mở được cửa hàng kinh doanh gas làm cho cạnh tranh trên thị trường trong nước thực sự gay gắt. Để tồn tại, nhiều đơn vị nhỏ lẻ sang nạp gas lậu, sử dụng gas kém chất lượng, chiếm dụng bình gas của các công ty lớn rồi mang nhãn của mình; hoặc làm giá, đẩy giá lên cao nhằm kiếm lợi nhuận.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu, doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng tại hệ thống của mình, kể cả đối với đại lý, đến khâu bán lẻ cuối cùng: Thị trường gas rất mở rất cạnh tranh. Trong cạnh tranh, các doanh nghiệp phải có hoạt động quyết liệt. Càng cạnh tranh càng khó khăn. Các doanh nghiệp phải có triển khai giá như thế nào, đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hệ thống của mình: Quản lý giá bán lẻ, niêm yết, hoạt động cửa hàng bán lẻ. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý giá và chất lượng với hệ thống của mình.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý hiệu quả, có chế tài xử lý đủ mạnh (bao gồm cả hình thức tước giấy phép kinh doanh) nhằm loại bỏ các hành vi vi phạm như: kinh doanh gas kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, sang chiết nạp lậu gas …để tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị định 107 sau 2 năm thực hiện, từ đó có những điều chỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý, ổn định tình hình kinh doanh gas trong thời gian tới./.


Theo VOV