Đề cao trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

29/02/2012 16:17

(Baonghean.vn) - Ngày 16/1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI với tên gọi: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Bản thân tên gọi của Nghị quyết đã đặt ra yêu cầu rất cao về nhận thức và hành động đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.

(Baonghean.vn) - Ngày 16/1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI với tên gọi: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Bản thân tên gọi của Nghị quyết đã đặt ra yêu cầu rất cao về nhận thức và hành động đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.

Nghị quyết khẳng định, nếu không sửa chữa những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, không thực hiện những vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng thì sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.


Vấn đề cấp bách đầu tiên, và cũng là yếu kém, hạn chế, khuyết điểm lớn, được đặt ra trong công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết chỉ ra là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nghị quyết chỉ rõ, đối tượng mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này hướng tới không dừng lại ở cán bộ, đảng viên nói chung mà đối tượng cần quan tâm nhiều chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, có cả một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, Nhà nước.




Cán bộ xã Châu Hội (Quỳ Châu) hướng dẫn bà con bản Khứm trồng mía.
Ảnh: Ngọc Lan
Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu, giữ vị trí đầu tàu trong cá tổ chức, cơ quan, đơn vị, cấp, ngành. Họ là những người có vai trò, vị trí quan trọng trong việc đảm bảo uy tín, tạo dựng hình ảnh,

tạo ra năng lực, sức mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị, cấp ngành; là rường cột trong hệ thống chính trị để đảm nhiệm và tiên phong thực hiện và phát huy năng lực, sức chiến đấu của Đảng.

Thế nhưng, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí và dư luận nhân dân đã phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc sai phạm, vi phạm trong thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp đã có "nhiều con sâu", nếu không ngăn chặn kịp thời, để đâu đâu cũng có "sâu" thì không ai dám chắc sẽ không xảy ra thảm họa.

Thực tế, các vụ việc sai phạm, vi phạm của cán bộ lãnh đạo, quản lý cho thấy trước đó phần lớn họ đều là những người đã có quá trình rèn luyện, phấn đấu tốt, được Đảng và nhân dân tin tưởng và giao phó trọng trách, chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, khi có chức vụ, địa vị, giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, thậm chí giữ cương vị lãnh đạo ở tầm cao, không ít người đã sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tùy tiện, vô nguyên tắc... Từ chỗ là hạt nhân, là nhân tố điển hình tiêu biểu của phong trào, là cái gốc của phong trào, quá trình họ xa rời trách nhiệm, bổn phận của người cán bộ, đảng viên trước Đảng và nhân dân đã khiến họ trở thành những kẻ "sâu mọt" gây nên tội ác đối với đất nước và nhân dân; họ trở thành những kẻ làm hỏng tinh thần, phá hoại đạo đức cách mạng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, của chế độ.

Vì vậy, để góp phần thực hiện tốt vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, ngoài việc các tổ chức cơ sở đảng của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhóm giải pháp để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thì mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nghiêm khắc nhìn nhận, đánh giá lại nhận thức và hành động của chính bản thân mình, tự phê bình và kiểm điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bản thân mình. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tập thể cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm. Và, điều quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý nên làm, đó là: hãy nhìn nhận lại trách nhiệm và bổn phận của mình trên cương vị hiện tại trước Đảng và nhân dân. Cán bộ, đảng viên đừng bao giờ quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.


Ngô Kiên