Lãng phí !
(Baonghean) - Những năm gần đây, sau Tết Nguyên đán người đi đền, chùa ngày càng đông với nhiều mục đích, trong đó có cầu...
(Baonghean) - Những năm gần đây, sau Tết Nguyên đán người đi đền, chùa ngày càng đông với nhiều mục đích, trong đó có cầu may, cầu lộc, cầu tài, giải hạn... Lễ chùa tùy theo khả năng cũng như tấm lòng thành kính và quan niệm mà mỗi người có thể chuẩn bị sắm các vật lễ khác nhau. Có người lễ bạc lòng thành chỉ sắm gói bánh, thẻ hương, cơi trầu dăm bảy chục ngàn đồng; có người lại sắm đầy đủ xôi gà, quần áo vải vóc, tiền vàng, tư trang hành lý cho các thần hết tiền trăm, tiền triệu. Việc sắm lễ đi đền, chùa là thể hiện đạo lý và tập quán của người Việt, song xem ra chưa ổn vì quá tốn kém.
Chẳng hạn, khi đi lễ Đền thờ ông Hoàng Mười, chúng tôi nhận thấy ngoài các vật lễ hoa quả, rượu, tiền vàng có nhiều người còn sắm áo bào, ngựa hồng. Trong một ngày đã có hàng chục con ngựa được cung tiến cho vị quan thần với giá mỗi con từ 200 - 400 ngàn đồng. Và nếu tính cả tháng Giêng này thì các vị thần ở đền này được cung tiền lên tới hàng trăm, hàng ngàn con ngựa hồng. Nhiều người đặt câu hỏi vui: Quan được dâng nhiều ngựa như vậy, liệu ngựa của ai sẽ được dùng đi và ngựa nào phải thải loại, giết thịt!
Thiết nghĩ, đi vãn cảnh, dâng hương hoa, tế lễ đền chùa đầu năm thì lễ vật nhiều ít, to nhỏ không quan trọng mà điều quan trọng là có thành tâm hay không. Thành tâm và có tâm có đức với đền chùa, tiên tổ thì có nhiều việc làm ý nghĩa hơn. Ví như có thể đóng góp tiền công đức cho ban quản lý để trùng tu tôn tạo, nâng cấp đền chùa cho uy nghi, linh thiêng, qua đó thu hút con cháu muôn nơi đến thờ phụng... Việc đốt tiền, vàng mà cũng như các vật lễ tại đền, chùa không chỉ tốn kém, lãng phí vô ích mà còn vi phạm quy định của Nhà nước.
Hải Yến