Về tín ngưỡng, tôn giáo thời kỳ mới

13/01/2012 16:49

(Baonghean.vn) - Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Nước cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua năm 2004 xác định rõ quan điểm của Đảng: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, văn minh, hiện đại, giàu mạnh và tươi đẹp".

Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với những lợi thế mới và những thách thức khi nền kinh tế xã hội của mỗi nước có sự khác nhau, nền văn hóa, tập quán có những đặc điểm riêng. Mỗi quốc gia phải có cách thức, phương pháp quản lý phù hợp với ý chí nguyện vọng của nhân dân để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.


Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung phát triển năm 2011) nêu rõ: "Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích Tổ quốc và nhân dân"(1).

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã cụ thể hóa những nội dung liên quan của Cương lĩnh và khẳng định: "Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc"(2).

Như vậy, so với các nội dung của các khóa Đại hội Đảng trước đây đều thể hiện được những nội dung cơ bản, thống nhất xuyên suốt là Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân, song về vấn đề đấu tranh chống các hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo thì ở Đại hội XI có đề cập rõ hơn, cụ thể hơn, đó là: "Chủ động, phòng ngừa" và "kiên quyết đấu tranh" với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước, chúng ta phải nhận thức đúng đắn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. "Công dân có quyềntự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào". Nhà nước tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức chính trị, xã hội... và mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật. Chính quyền các cấp có nhiệm vụ một mặt đảm bảo tự do tín ngưỡng chân chính của đồng bào, mặt khác có nhiệm vụ phải quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bằng Pháp luật của Nhà nước nhằm phòng chống những kẻ xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây rối trật tự xã hội hoặc chống phá lợi ích chung của dân tộc.


Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tôn giáo là hướng đến mỗi công dân, mỗi tín đồ phải đạt được: "Vừa làm tròn việc đạo, vừa làm đẹp việc đời", đó là nội dung xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng,Nhà nước ta. Điều đó cũng là yêu cầu của: Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi cộng đoàn tín hữu: "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào". Những nội dung đó phải được mọi công dân thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong đời sống hàng ngày tại nơi mình sinh sống trong cộng đồng dân cư.


Thiết nghĩ, thực hiện tốt nội dung nêu trên đối với người công giáo không những là tình cảm tự nhiên mà còn là đòi hỏi của Phúc âm sống trong lòng dân tộc, nơi Tổ quốc mình, nơi cội nguồn của bản thân. Đó cũng là truyền thống nhân ái của dân tộc ta: "Thương người như thể thương thân" và tinh thần: "Từ bi hỉ xả", "Vô ngã vị tha" của đạo Phật giàu đức hi sinh với ý thức: "Đạo Pháp gắn liền với dân tộc và Chủ nghĩa xã hội".

Đó cũng chính là nội dung phù hợp với đạo lý: "Mình vì mọi người, mọi người vì mình". Đây chính là nội dung, tư tưởng đồng thuận, là bản sắc văn hóa của người Việt, là cốt lõi của tinh thần đoàn kết dân tộc để ổn định và phát triển nhằm đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà. Trên tinh thần đó, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội cần quán triệt kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến mỗi công dân để động viên, cổ vũ mỗi người thấy rõ quyền và nghĩa vụ thiết thực của mình trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

(1).(2) ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr81, 245.


Hồ Minh Đức