Đô Lương: Các lò giết mổ gia súc tập trung "đắp chiếu"?

16/02/2012 10:16

(Baonghean) Từ năm 2002, thực hiện chủ trương của UBND Tỉnh về việc xây dựng và phát triển các lò giết mổ gia súc tập trung, huyện Đô Lương đã thành lập được 19 cơ sở giết mổ gia súc tại các xã, thị. Tuy nhiên, qua nhiều năm hoạt động, các cơ sở này đều nằm trong tình trạng "đắp chiếu" bởi người giết mổ không tuân thủ quy định đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung, dẫn đến tình trạng thiếu sự kiểm soát, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.

(Baonghean) Từ năm 2002, thực hiện chủ trương của UBND Tỉnh về việc xây dựng và phát triển các lò giết mổ gia súc tập trung, huyện Đô Lương đã thành lập được 19 cơ sở giết mổ gia súc tại các xã, thị. Tuy nhiên, qua nhiều năm hoạt động, các cơ sở này đều nằm trong tình trạng "đắp chiếu" bởi người giết mổ không tuân thủ quy định đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung, dẫn đến tình trạng thiếu sự kiểm soát, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước năm 2002, việc giết mổ gia súc ở Đô Lương được tập trung tại lò giết mổ gia súc ở xã Đông Sơn. Do bất cập về việc vận chuyển gia súc từ các hộ thu mua đến cơ sở giết mổ nên UBND huyện Đô Lương đã mở các lò giết mổ tại các xã, thị. Xã Tràng Sơn là một trong những xã đi đầu trong việc xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung ở Đô Lương.



Lò giết mổ cũ ở xã Tràng Sơn đã chuyển thành nơi buôn bán
vật liệu xây dựng.


Từ năm 2004, xã đã cấp đất cho một cá nhân xây dựng 2 lò giết mổ với quy mô mỗi lò trên 60 triệu đồng. Nhưng các lò mổ này cũng chỉ hoạt động được một vài năm rồi gần như phải ngừng hoạt động. Ông Lương Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn thừa nhận: "Những năm đầu khi triển khai, hầu hết các hộ giết mổ gia súc đều tuân thủ quy định đưa gia súc đến để kiểm tra dịch bệnh và mổ tại các lò này. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ lại không đem đến các lò này bởi vì vừa tốn kém, vừa mất công chở gia súc đến làm thịt."


Theo thống kê, đến nay trong tổng số 19 lò đã được xây dựng trên địa bàn Đô Lương thì 2 lò đã chuyển mục đích sử dụng; 12 lò phải tạm ngưng hoạt động ở các xã: Đà Sơn, Minh Sơn, Đặng Sơn, Tràng Sơn..., chỉ còn 5 lò hoạt động gồm: Thượng Sơn 2 lò, Bài Sơn, Hồng Sơn và Giang Sơn Đông. Nói là đang hoạt động, nhưng qua khảo sát của chúng tôi, hoạt động tại một số lò giết mổ gia súc này luôn nằm trong tình trạng "bữa có, bữa không". Lò giết mổ gia súc của chị Nguyễn Thị Tám ở xóm 7, xã Đông Sơn trước đây luôn nhộn nhịp cảnh người kinh doanh thịt lợn xếp hàng để chờ giết mổ. Hiện nay, lò của gia đình chị cũng chỉ giết mổ được 3 con, cao điểm vào những ngày lễ, tết thì cũng chưa đến 7 con.

Ông Võ Đình Khoa, Trưởng Trạm Thú y Đô Lương cho hay: "Trong năm 2011, tổng số gia súc được đưa vào lò giết mổ là 7.200 con lợn và 1.800 con bò. Sở dĩ công tác giết mổ gia súc tập trung thời gian qua chưa đạt được hiệu quả do tại một số xã chưa có sự quản lý chặt chẽ từ xóm đến xã, nhiều đơn vị còn khoán trắng cho tổ chuyên trách hay ban thú y, trong khi đó lực lượng thú y kiểm soát tại các lò mổ này lại còn mỏng."


Việc các lò giết mổ gia súc tập trung bị ngừng hoạt động đã làm cho công tác quản lý, kiểm dịch gia súc, kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi bán ra thị trường cung cấp cho người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, thịt gia súc, gia cầm được làm bày bán tại hầu hết các chợ đều không có dấu kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.


Huy Phong