Ngư dân và nỗi lo về giá dầu
(Baonghean) - Mỗi lần dầu tăng là lại thêm một gánh nặng đối với ngư dân. Bởi theo họ, chỉ một thay đổi nhỏ của giá dầu thì lợi ích kinh tế của họ sẽ bị tác động rất lớn, thậm chí có thể phải bỏ nghề.
Trong hơn 1 năm qua, giá dầu diezel đã tăng đến 3 lần. Đợt 1 là vào ngày 24/2/2011, giá dầu tăng thêm 3.550 đồng/lít (từ 14.750 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít), đến đợt 2 là vào ngày 29/3/2011, giá dầu tiếp tục tăng thêm 2.800 đồng/lít, nâng lên 21.000 đồng/lít. Và mới đây nhất, ngày 7/3/2012, giá dầu tại tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm (tính từ tháng 2/2011 đến nay), giá dầu đã tăng thêm đến 7.350 đồng.
Theo cách tính đơn giản của một ngư dân, một chiếc thuyền có công suất 90CV, mỗi chuyến ra khơi "ngốn" hết khoảng 1.500 lít dầu. Nếu giá dầu tăng thêm 1.000 đồng thì chi phí sẽ đội thêm khoảng 1 triệu đồng/1 đêm. Đối với những thuyền có công suất lớn hơn thì chi phí này sẽ cao hơn. Như vậy, một bài toán không khó giải khi giá dầu trong vòng hơn 1 năm tăng hơn 7.000 đồng thì chí phí khai thác bị đội lên là con số không hề nhỏ.
Nhiều tàu cá của ngư dân đang phải nằm bờ.
Không những thế, khi giá dầu tăng sẽ khiến cho giá các nguyên liệu khác tăng theo: đá lạnh, điện, tiền nhân công... Ông Võ Văn Phúc, khối 5, phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò lo lắng: "Nếu cho thuyền ra khơi thì có thể thua lỗ, mà để thuyền "nằm bờ" thì nợ ngân hàng cứ đội lên. Đó là còn chưa tính những rủi ro ngoài biển không lường hết được". Ông Phúc là một trong những chủ tàu lớn nhất ở Thị xã Cửa Lò. Hiện ông có đến 5 chiếc tàu, trong đó có 4 chiếc có công suất 450CV. Ông nhẩm tính: Trước khi xăng tăng thêm 1.000 đồng thì mỗi đêm, 2 chiếc tàu của ông tốn đến 12 triệu đồng tiền dầu. Sau khi giá dầu tăng, mỗi đêm ông phải bỏ thêm 1,5 triệu đồng nữa. Chỉ cần 2 đêm đầu mà thấy "thất thu" thì ông phải cho tàu về ngay. Vì nếu không, chuyến đó sẽ lỗ đậm.
Anh Trần Văn Đồng, xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho biết: Sau Tết, 2 chiếc tàu của anh chỉ mới đi có 2 chuyến, còn lại là nằm bờ. Trong khi đó, lương nhân công đến ngày là phải trả. Anh Đồng tính toán, một tháng 2 chiếc tàu công suất 90CV của gia đình tiêu tốn 66 triệu đồng tiền dầu, cộng thêm 2 triệu tiền nhớt, tiền đá lạnh, tiền thuê 8 lao động tốn thêm gần 50 triệu đồng. "Từ Tết đến giờ, tiền bán cá, mực không đủ cho những khoản trên. Trong khi đó, giá cá thì không tăng lên, mà chủ yếu là cá tạp (chiếm 50% sản lượng) nên giá trị thấp".
Xã Diễn Bích là địa phương có đặc thù nghề biển. Hiện xã có khoảng hơn 200 chiếc tàu, thuyền lớn nhỏ, trong đó có đến khoảng 60 chiếc tàu có công suất trên 90CV. Hơn 10.000 nhân khẩu của xã đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ nghề khai thác thủy sản. Xã rất muốn có những chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi, bám biển nhưng ngặt nỗi nguồn vốn của địa phương quá eo hẹp.
Không thể trông chờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều ngư dân của phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) phải tự "cứu" mình. Ông Võ Văn Tuất- Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Đến 90% chủ tàu thuyền của phường phải vay vốn từ các nguồn khác nhau. Người ít cũng vài trăm triệu đồng, người nhiều thì vài tỷ đồng. Do phải vay vốn ngoài nên lãi suất thường rất cao và dễ có khả năng vỡ nợ nếu không trả kịp thời. Tuy nghề khai thác thủy sản chỉ có tỷ trọng 30% trong cơ cấu kinh tế của địa phương nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng. Khai thác thủy sản phát triển mới kéo theo được các nghề khác như chế biến, du lịch, dịch vụ phát triển theo.
Từ khi chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân hết hiệu lực, người dâng đang "bơ vơ" khi không biết bấu víu vào đâu. Bài toán về nguồn vốn luôn khiến họ đau đầu, nhất là khi những rủi ro ngày càng tăng cao. Anh Đồng cho biết rằng, nếu bây giờ có thêm vốn, anh sẽ mở rộng xưởng chế biến đá lạnh chứ không đầu tư cho tàu. Vừa qua, anh phải mang 2 sổ đỏ đi vay 150 triệu đồng để mở xưởng đá. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để vay vốn như anh Đồng. Chẳng hạn như trường hợp anh Trần Đức Hưng, xóm Bắc Chiến Thắng, xã Diễn Bích do thiếu vốn đã không thể theo được nghề. Chiếc thuyền có công suất 48CV của gia đình anh đang nằm chỏng chơ vì đã quá cũ nát, bán cũng không ai mua.
Phạm Bằng