Tìm người trong câu hát…

17/03/2012 15:09

(Baonghean) “Đẹp sao cô gái làng Đong, ngày đêm chiến đấu cùng toàn dân ghi chiến công trận đầu ngày mười lăm lịch sử…” - lời bài hát ấy của nhạc sỹ Thanh Tùng đã khiến tôi nung nấu ý định tìm gặp những cô gái ở trong câu hát. Và một chiều tháng Ba mưa bụi, nơi ngôi làng bình yên thuộc xã Nghĩa Tiến, huyện Nghĩa Đàn, trong căn nhà của người chị cả, và cũng là A trưởng của tiểu đội nữ dân quân trực chiến năm nào, tôi đã gặp lại họ cùng những ký ức tươi xanh…

(Baonghean) “Đẹp sao cô gái làng Đong, ngày đêm chiến đấu cùng toàn dân ghi chiến công trận đầu ngày mười lăm lịch sử…” - lời bài hát ấy của nhạc sỹ Thanh Tùng đã khiến tôi nung nấu ý định tìm gặp những cô gái ở trong câu hát. Và một chiều tháng Ba mưa bụi, nơi ngôi làng bình yên thuộc xã Nghĩa Tiến, huyện Nghĩa Đàn, trong căn nhà của người chị cả, và cũng là A trưởng của tiểu đội nữ dân quân trực chiến năm nào, tôi đã gặp lại họ cùng những ký ức tươi xanh…

“Chị Ba à, chị Ba ơi!”- người cùng đi với tôi, phóng viên Lê Bá Liễu (Báo Văn hiến) cất giọng gọi khi vào đến mảnh sân gạch sau cái ngõ dài. Người phụ nữ nhỏ nhắn, đôi tay còn lấm đất chạy ra từ khoảnh vườn nở vàng hoa cải: “ Ồ, khách quý đấy à”. Khoác thêm tấm áo ấm, vấn lại mái tóc, chị Hồ Thị Ba mời chúng tôi ngồi xuống cái chiếu trải dưới mái hiên nhà. Biết ý định chúng tôi muốn tìm gặp lại những cô gái làng Đong năm nào, chị Ba nói: “Để tôi đi gọi, trong làng Đong này vẫn có gần 10 người cơ. Cũng sắp tới ngày kỷ niệm rồi, chúng tôi đã có dự tính cho buổi gặp mặt đấy. Hôm đó, nhất định nhà báo phải đến chung vui!”

Ngày chị Ba nhắc, ấy là ngày 15/3/1965, ngày đã đi vào lịch sử của quân và dân huyện Nghĩa Đàn (cũ). Và ký ức, không cần phải gợi mở nhiều hơn nữa, nó đã tràn về trong từng ánh mắt, lời kể… của những cô gái làng Đong năm nào, giờ đã lên chức bà. Ngày ấy, 17 cô gái, tuổi vừa mười tám, đôi mươi; người nhiều tuổi nhất là chị Hồ Thị Ba (23 tuổi) và cũng là người duy nhất đã có chồng (một anh lính biên phòng), còn lại các chị: Hồ Thị Cam, Hồ Thị Năm, Hồ Thị Hào, Sầm Thị Mươi, Hồ Thị Thơm, Sầm Thị Chanh, Sầm Thị Sinh, Hồ Thị Chiu, Hồ Thị Tình, Hồ Thị Hợi, Hồ Thị Cầm, Hồ Thị Thân, Hồ Thị Xuân, Hồ Thị Liên, Phạm Thị Trúc và Võ Thị Thảo được tuyển chọn kỹ trong số những đoàn viên thanh niên của làng Đong để thành lập nên tiểu đội nữ dân quân cơ động trực chiến của xã Nghĩa Tiến vào đầu năm 1965, nhằm tăng cường và phối hợp với đơn vị 710 pháo phòng không 37 ly trực tiếp bảo vệ khu vực làng Đong- nơi có một mục tiêu quân sự rất quan trọng trên vùng đất miền Tây Nghệ An trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Phần lớn trong số họ là người dân tộc Thổ ở làng Đong, chỉ có 2 cô vốn là giáo viên nơi khác lên đây dạy học và cùng sinh hoạt trong chi đoàn. Tiểu đội đặt trực tiếp dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy xã đội Nghĩa Tiến với nhiệm vụ tham gia trực chiến trên trận địa phòng không bằng súng bộ binh được trang bị và làm công tác phục vụ chiến đấu cho đơn vị cao xạ 37 ly phòng không 710.



Những cô gái làng Đong ngày ấy. Ảnh: Lê Bá Liễu

“Ngày ấy vui lắm, phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang” đã cuốn cả lớp thanh niên chúng tôi hăng hái hưởng ứng: làm bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất cứ nơi đâu vì Tổ quốc”- các chị chia sẻ. Hàng ngày, các chị cùng với chiến sỹ đơn vị 710 chung tay đào đắp trận địa pháo phòng không với hào giao thông, hầm công sự, lúc rảnh rỗi họ lại chăm chút đường kim, mũi chỉ cho tấm áo lính pháo. Tiếng hát của những cô dân quân, lời đối đáp của họ với các anh bộ đội từ rất nhiều miền quê miền Trung, miền Bắc… đã vang lên rộn rã khi đào hào, lúc kéo pháo cùng với những giọt mồ hôi đã thấm ướt mảnh đất nơi này.

Hôm đó, ngay sau khi các chị vừa mới đưa cơm cho các chiến sỹ trên trận địa pháo trở về vị trí trực chiến của mình, cả tiểu đội, ngoài những chị đang làm nhiệm vụ cảnh giới luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất, những người chưa đến phiên trực đều không ngủ được bởi cái nóng hầm hập trên trận địa. Khoảng12 giờ trưa, còi báo động từ trận địa pháo vang lên từng hồi. Cả tiểu đội nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Từ phía Đông- Nam, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ hung hổ lao tới quần đảo, ném bom khu vực Cát Mộng- nơi có mục tiêu quan trọng đang được bảo vệ. Trận chiến đấu diễn ra rất quyết liệt giữa quân- dân ta với máy bay Mỹ. Trên khắp một khu vực rộng lớn, các loại hoả lực của ta từ những khẩu pháo phòng không 37 ly của các đơn vị 710, Tiểu đoàn Tự vệ xưởng 250 B, Tiểu đoàn Tự vệ Nông trường Tây Hiếu, cùng với hoả lực bằng súng bộ binh của các đơn vị dân quân Thị trấn Thái Hoà, Nghĩa Hoà, Nghĩa Quang và Nghĩa Tiến đồng loạt giăng lưới lửa bủa vây và đánh trả trực tiếp vào tốp máy bay Mỹ hung hăng như muốn làm mưa, làm gió.

Trận đánh kéo dài với những loạt bom dày đặc. Trong thời điểm ác liệt nhất của trận chiến, máy bay Mỹ trực tiếp công kích vào trận địa pháo 37 ly của đơn vị 710- đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu quan trọng. Lúc này, các khẩu đội pháo 37 gần như hết đạn, buộc phải bắn trả dè sẻn từng loạt ngắn trong lúc hết tốp này tiếp đến tốp khác, máy bay Mỹ thay nhau quần đảo... Tiếng pháo cao xạ thưa dần... Trong tình huống đó, 17 cô gái trong Tiểu đội nữ dân quân làng Đong đã nhất loạt theo lệnh của A trưởng Hồ Thị Ba nhanh chóng cắt đường đến kho đạn để tiếp đạn cho trận địa. Lúc bấy giờ, trên đầu là bom đạn, là khói súng và tiếng máy bay gầm rít, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng những cô gái làng Đong đã không quản ngại, họ dũng cảm băng mình trên trận địa nóng bỏng, trên vai mỗi người mang một thùng đạn pháo 37 ly có trọng lượng trên 50 kg- hơn cả trọng lượng của chính mình- với những bước chân trần rắn rỏi vượt qua quãng đường đồi núi gần một cây số mỗi chuyến đi, kịp thời tiếp cho từng khẩu đội từng quả đạn quý báu để trận địa pháo phòng không 710 lại đĩnh đạc giòn giã từng loạt , từng loạt nã thẳng vào lũ giặc trời... Đó là ngày 15/3/1965- ngày mãi đi vào lịch sử truyền thống của quân dân Nghĩa Đàn với chiến thắng trận đầu bắn rơi một Thần sấm F105 của không quân Mỹ, bảo vệ an toàn mục tiêu. Trong chiến thắng đó, sự dũng cảm quên mình của các cô gái làng Đong đã thực sự góp một phần không nhỏ. Với chiến công này, tập thể Tiểu đội dân quân làng Đong được vinh dự nhận Huân chương Chiến công hạng Ba....

Trong căn nhà nhỏ của chị cả Hồ Thị Ba, những cô gái làng Đong năm xưa dũng cảm băng mình trong lửa đạn với mái tóc xanh, nụ cười thanh xuân giờ đã thành bà nội, bà ngoại. Những đôi tay đã nhăn theo năm tháng, theo những nỗi vất vả ngược xuôi của cuộc sống đời thường lại ấm trong tay nhau. Những nụ cười sáng lên bên bát chè xanh sóng sánh, mọi lo toan bao năm bỗng như tan biến khi ngày 15/3 trở về. Hàng năm, vào ngày đó, họ đều tụ họp bên nhau, sau buổi gặp mặt do xã tổ chức. Họ nhắc về những người đã theo chồng rời làng Đong như chị Hồ Thị Cầm, Sầm Thị Chanh, Hồ Thị Thân… Có những người không còn nữa như chị Phạm Thị Trúc, Hồ Thị Chiu.

Phần lớn, trong số các chị cuộc sống còn nhiều vất vả, chỉ có vài ba chị có lương hưu (vì sau khi hết nhiệm vụ ở Tiểu đội dân quân, có chị đã đi học để thành giáo viên), còn lại, các chị lại trở về với ruộng nương, mùa màng, lại gieo cấy trên mảnh đất mà họ đã đổ mồ hôi, xương máu để bảo vệ. Họ lặng lẽ hòa mình vào cuộc sống, không một lời thở than, đòi hỏi. Trong thẳm sâu, ký ức về “trận đầu lịch sử” là một ký ức thiêng liêng, đầy tự hào. Ai đó có nhắc về, ai đó nhớ đến, thì những cô gái làng Đong xưa lại thoáng rưng rưng. Ký ức ấy, theo các chị là để soi mình, để biết mình đã sống mà không phải hổ thẹn với mảnh đất quê hương, lớn hơn là với Tổ quốc mình, và bây giờ là để sống cho xứng đáng, là tấm gương mẫu mực cho con, cháu, dân làng.

Với các chị, chiến công xưa đã thuộc về một giai đoạn lịch sử, và “mỗi người nhắc về nó để sống tốt hơn” chứ không phải để cầu mong sự đền đáp lợi ích. Mấy năm trước, các chị ao ước được cùng nhau về thăm quê Bác ở Kim Liên, đến nay, ước mơ ấy đã được thực hiện. “Xã cũng rất quan tâm, nhưng xã cũng còn nghèo. Vì vậy, được đến quê Bác đã là điều chúng tôi thỏa nguyện. Bây giờ, chỉ còn niềm mong là được cùng nhau ra thăm Lăng Bác một lần”.

Tạm biệt những bông cải ngồng vàng một góc sân nhà chị Ba, tạm biệt cây đông sừng sững tỏa bóng xanh cho bao đời người dân làng Đong, nơi bay lá cờ đỏ những năm kháng chiến, tạm biệt những cô gái làng Đong giờ đã thành bà, chúng tôi trở ra Thị xã Thái Hòa khi chiều muộn, lòng không thôi ngân nga câu hát về các chị...


Thùy Vinh