“Mỗi năm hoa đào nở...”

05/02/2012 12:05

(Baonghean) Cứ mỗi độ cuối năm, khi đâu đó trên khắp mọi vùng quê ngập tràn hương sắc của mùa Xuân và không khí của ngày giáp Tết, một nét văn hóa không thể thiếu, đó là xin chữ.

Người ta thường đi đến các cụ cao niên hay những người mà được xem là hay chữ để xin những bức thư pháp chữ Nho như các chữ Phúc, Thọ, Khang,... mang tính chúc tụng, ngợi ca hay giáo dục, được thể hiện vuông vức và sinh động trên giấy đỏ mực Tàu và đem về đặt ở những nơi trang trọng trong nhà với ước muốn sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp trong năm mới. Tục xin chữ đầu năm trở thành một nét đẹp và một món ăn tinh thần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều nhớ đến hình ảnh “ông đồ” trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…

Cho đến ngày nay, nghệ thuật thư pháp càng được nhiều người quan tâm. Thư pháp với cách hiểu đơn giản, đó là cách viết chữ và thể hiện chữ. Tuy nhiên, nếu như chỉ hiểu với cách hiểu đơn giản sẽ làm mất hẳn ý nghĩa của thư pháp và cả những nét đẹp văn hóa nằm trong đó. Thư pháp không chỉ là cách thể hiện chữ sao cho đẹp mà còn là phương tiện để biểu hiện tâm, ý, khí, lực của người dụng bút.

Chính vì vậy, trên mỗi bức thư pháp, chữ là cái tinh thần, cái tâm đức của người viết và sự kính trọng đặc biệt của người xin chữ. Ngoài tài hoa để thể hiện những nét chữ như “phượng múa rồng bay”, còn phải chọn lựa những chữ hay, những câu thơ văn thật hay và ý nghĩa để thể hiện tư tưởng, kiến thức và tâm hồn. Vì vậy, ngoài bút pháp còn phải có bút ý thì thư pháp mới có thể đi vào hoàn mỹ. Người tiếp nhận đều xem mỗi bức là một tác phẩm thiêng liêng, chỉ được bày ở những nơi trang trọng, và khi đã cũ lại được gỡ ra và cẩn thận đốt đi, không được tùy tiện đặt để đâu đó, bởi chữ Thánh hiền là đạo đức, là biểu hiện của Chân - Thiện - Mỹ.

Nghệ thuật thư pháp vốn có nguồn gốc Trung Hoa, sau đó ảnh hưởng sang các nước nằm trong vùng văn hóa chữ Hán như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam và được tiếp nhận, tiếp biến thành nét văn hóa đặc thù trong mỗi nước. Ở Việt Nam, nghệ thuật thư pháp không phát triển mạnh mẽ và liên tục như các nước kia. Nhưng không vì thế mà thiếu đi những tài danh hay những tác phẩm nổi tiếng…

Ngày nay, bên cạnh chữ Nho, một loại hình nghệ thuật mới đã xuất hiện và phát triển mạnh, đó là thư pháp chữ Quốc ngữ. Không phải là hình ảnh quá lạ lẫm nhưng cũng chưa thật mới mẻ khi những chữ cái latinh được những “ông đồ trẻ” với áo dài khăn đóng, bút lông, giấy dó, mực Tàu thể hiện đầy sáng tạo và phá cách như một sự tìm tòi tới những hình thức biểu hiện mới, được nhiều người quan tâm, ủng hộ và đang dần trở thành một nét văn hóa mới trong dòng chảy bất tận của Văn hóa Việt!


Trần Tử Quang