Tiếp sức cho học sinh vùng cao

13/01/2012 15:36

(Baonghean.vn) -  Những đứa trẻ vùng cao mắt xoe tròn, rất lạ. Tan học, chúng về ở trong những căn nhà bán trú, cứ năm, sáu đứa một nhóm quây quần bên niêu cơm. Chúng ăn ngon lành rồi lại trêu đùa nhau cười khúc khích. Với chúng, được đến trường học cái chữ là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong những ngôi nhà tạm mà nhà trường cùng phụ huynh dựng lên đó là những hy vọng lớn lao của biết bao gia đình và bản làng.

(Baonghean.vn) - Những đứa trẻ vùng cao mắt xoe tròn, rất lạ. Tan học, chúng về ở trong những căn nhà bán trú, cứ năm, sáu đứa một nhóm quây quần bên niêu cơm. Chúng ăn ngon lành rồi lại trêu đùa nhau cười khúc khích. Với chúng, được đến trường học cái chữ là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong những ngôi nhà tạm mà nhà trường cùng phụ huynh dựng lên đó là những hy vọng lớn lao của biết bao gia đình và bản làng.
.

Mỗi sáng, khi mặt trời chưa kịp ló dạng sau đỉnh núi, khi con gà rừng vừa gáy gọi canh năm thì cô bé Lư Thị Chơ ở bản Yên Hương, học sinh lớp 8A Trường THCS Yên Na (Tương Dương) đã rời nhà đi đến trường. Gia đình ở xa, tới trường phải đi bộ qua quãng đường dốc núi gập ghềnh dài gần 10 km, nhưng Chơ vẫn cứ đều đặn đến lớp. Với em, đó là niềm vui lớn nhất, đói khổ em chịu đựng được, miễn là được đến trường. Em bảo, không có cái chữ chẳng biết mình khổ, chẳng biết mình đang ở đâu. Được đi học, em được mở mang kiến thức, hiểu biết thêm bao điều, em thấy yêu trường, yêu lớp lắm.



Giường vừa là bàn học tại Trường THCS Nga My (Tương Dương)


Cũng như Chơ là các bạn ở Trường Yên Hòa, Trường THCS Nga My, một trường vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương. Đây là ngôi trường mà các em học sinh đều được "hưởng lương" của nhà nước. Các em học sinh đều đến từ các bản xa, nên phần đông phải sống nội trú tại trường hoặc ở nhà dân. Đi bộ 7-8 km để đến trường đối với các em là chuyện không lạ ở các bản vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ con đường kiếm tìm cái chữ các em học sinh mới gian nan, mà con đường "gieo chữ" của các thầy cô giáo cũng khó khăn trăm đường. Tiêu biểu như Trường tiểu học Mường Lống II (Kỳ Sơn), ngoài cơ sở chính, còn có 7 điểm bản, trong đó bản Mò Nừng ở khu vực xa và khó khăn nhất. Từ trung tâm xã Mường Lống phải mất non 4 giờ đồng hồ leo núi, vượt dốc mới vào đến bản. Trước những năm 2009, Trường THCS Yên Hòa (Tương Dương) là Trường THCS Dân tộc nội trú nên các em học sinh ở xa được ở lại trường.

Nhà trường có KTX cho học sinh và bếp ăn tập thể. Từ năm học 2009-2010, trường giải thể hình thức dân tộc nội trú, chuyển sang trường THCS nên các em học sinh không được ở lại trường. Để tạo điều kiện cho các em ở xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường bố trí một số phòng học cũ cho các em ở. Từ đầu năm học này, các học sinh thuộc đối tượng này phải ở nhờ nhà dân vì mưa lũ không đi lại được. "Trời mưa, lớp thường vắng học hơn 15%. Nhiều hôm thấy các em đội mưa đến ướt sũng, đứng run trong giá lạnh mà không cầm nổi nước mắt, thương các em quá"- cô giáo Trần Thị Thắm tâm sự.


Cũng ở Tương Dương, Trường Nga My có 167 học sinh với 7 bản ở 2 xã Nga My và Xiêng My. Hiện có 66 em ở 5 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn như: Na Ngân, Na Kho, Xốp Kho, Đình Tài và Chà Hìa, xa nhất là bản Na Ngân cách trường 19 km, đi bộ hết hơn 8h đồng hồ, đường đồi dốc đá cheo leo. Mấy cơn lũ vừa qua làm đường sạt lở nghiêm trọng, không thể đi xe máy vào bản được mà chỉ có thể đi bộ.

Để được đến trường, các em ở các bản này phải ở nội trú. Hiện tại, nhà trường có 9 phòng ở được "dựng tạm". Đó là những dãy nhà lá tạm bợ, tuềnh toàng, dột nát... Dù năm nào, phụ huynh, học sinh và nhà trường cũng tu sửa phòng ở cho các em, song cũng chỉ mang tính tạm thời. Phòng ở là vậy, các vật dụng phục vụ sinh hoạt cũng rất thiếu thốn. Mỗi phòng có 7-8 em học sinh ở. Bữa ăn của các em đạm bạc chỉ có măng rừng. Mỗi tháng bố mẹ chu cấp cho vài kg gạo, còn rau rừng với củi nấu các em phải tự "cải thiện". Tuy đã được trợ cấp theo Quyết định 142 của Chính phủ là 120.000 đồng/tháng/em, nhưng không đủ chi phí. Sau những buổi học, các em phải tranh thủ vào rừng hái măng, lấy củi, chài lưới bắt tôm, cá để lo cho bữa ăn của mình.


"Khó khăn còn nhiều, song mô hình bán trú dân nuôi rõ ràng rất phù hợp với những trường vùng cao, vùng sâu như ở Nga My. Mong sao có nhà nội trú để các em có điều kiện học tập và nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường"- Thầy giáo Trần Nhật Giao, Hiệu trưởng Trường THCS Nga My chia sẻ.


Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ, số lượng học sinh đi học xa nhà từ 5 km trở lên chiếm đa số. Mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú dân nuôi là một trong những sáng tạo rất có ý nghĩa, cần nhân rộng và tập trung làm tốt để nuôi dưỡng những ước mơ tri thức cho các em.


Những năm trước, học sinh ở các bản xa của Trường THCS Hạnh Dịch (Quế Phong) phải dựng lều lán tạm ở gần trường. Từ ngày có nhà bán trú, trường không còn tình trạng bỏ học giữa chừng như trước đây nữa, chất lượng dạy học được nâng lên rõ nét. Còn tại huyện Quỳ Châu, để tạo điều kiện cho học sinh đến trường, các Trường THCS Châu Hội, Hòa Lãm, Hạnh Thiết, phụ huynh và giáo viên dựng bếp ăn ở ngoài nấu cơm cho học sinh.

Một số nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cũng chung tay làm nhà nội trú cho học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa. Các trường ở những xã đặc biệt khó khăn khi có nhà bán trú dân nuôi đã giúp các em theo học được cái chữ, không còn phải rơi vào tình cảnh "trèo đèo, lội suối" mỗi ngày và các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn với việc ăn, ở, học hành của các em. Điển hình như xã Yên Tĩnh, sau khi có nhà bán trú dân nuôi, chất lượng dạy học đã được nâng lên rõ rệt, 100% học sinh đậu THPT.


Thầy giáo Bùi Hoàng Báu, Phó Phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu cho biết: Việc quản lý học sinh bán trú rất được các nhà trường chú trọng. Ban quản lý ở các trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc học tập, sinh hoạt thường ngày của các em. Ngoài ra, các trường cần tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai để các em trồng rau, hỗ trợ điện thắp sáng.

Các thầy, cô giáo cũng có thể thường xuyên kiểm tra việc học tập, qua đó nắm được sức học của từng em và có điều kiện giúp đỡ các em. Em Kha May Loa, lớp 7B Trường THCS Nga My chia sẻ: "Ở nhà bán trú chúng em được tập trung, ăn, ở và học tại chỗ, được giao lưu, gặp gỡ với bạn bè và thầy, cô thường xuyên hơn. Chúng em có cơ hội luyện tiếng phổ thông nhiều hơn. Sống trong sự yêu thương, đùm bọc của thầy cô, bạn bè em vui lắm".


Trong những năm qua, thông qua việc lồng ghép thực hiện các chương trình dự án, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của phụ huynh học sinh, ở một số nơi trên địa bàn các huyện miền núi, các em học sinh THCS đã được ở trong các ngôi nhà trên kín dưới lành. Tuy nhiên, ở nhiều xã, học sinh vẫn đang phải ở trong các nhà tạm bợ do phụ huynh học sinh tự làm theo từng năm học.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần dành sự ưu tiên đầu tư xây dựng nơi ở cho các em học sinh tại các trường, cụm trường ở địa bàn dân tộc, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của mô hình trường, lớp bán trú dân nuôi, tạo điều kiện để các địa phương phát triển loại hình trường, lớp này một cách đồng bộ, thống nhất.

Khi đó, học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ theo học được các bậc học cao hơn, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ cho phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, việc huy động xã hội hóa nguồn lực để xây dựng mô hình trường bán trú dân nuôi cũng là việc cần làm ngay.


Thanh Lê