Quỳnh Lưu: Cần đẩy nhanh công tác "dồn điền, đổi thửa"

22/02/2012 09:14

(Baonghean)- Năm 2007 huyện uỷ Quỳnh Lưu tiếp tục có chỉ thị số 08 về việc vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi và khuyến khích tích tụ ruộng đất. Mặc dù đây là một chủ trương lớn, có tính định hướng cao, song đến nay mới chỉ có Quỳnh Diễn và Quỳnh Bảng hoàn thành việc chuyển đổi.

(Baonghean)- Năm 2007 huyện uỷ Quỳnh Lưu tiếp tục có chỉ thị số 08 về việc vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi và khuyến khích tích tụ ruộng đất. Mặc dù đây là một chủ trương lớn, có tính định hướng cao, song đến nay mới chỉ có Quỳnh Diễn và Quỳnh Bảng hoàn thành việc chuyển đổi.


Thực hiện chủ trương chuyển đổi, tích tụ ruộng đất lần 2 theo Chỉ thị số 08 của Huyện uỷ đã 4 năm, thế nhưng hiện nay phần lớn diện tích đồng đất ở xã Quỳnh Hoa vẫn manh mún, nhỏ lẻ, trung bình mỗi nhà có từ 5 đến 7 mảnh ruộng, nhà nhiều từ 10 đến 12 mảnh, nằm rải rác khắp nơi. Được biết năm 2007, xã Quỳnh Hoa được huyện chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất lần 2 cùng với 3 xã khác là Quỳnh Tân, Quỳnh Diễn và Quỳnh Bảng.

Thế nhưng, khi đề án chuyển đổi đưa xuống dân thì tính thống nhất không cao. Bà Trần Thị Sơn - một người dân ở xóm 6 xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu cho chúng tôi hay: "Gia đình tôi có 5 sào ruộng mà có tới 7 mảnh. Ở đây đồng ruộng không đều, nơi cao nơi thấp. Chỗ luôn thừa nước nhưng chỗ lại thiếu nước thường xuyên, vì thế ở nhiều nơi thì mới mong có thu hoạch, còn tập trung về một chỗ, lỡ gặp phải vùng hạn hán, quanh năm thiếu nước thì gia đình không có thu hoạch".

Cùng chung suy nghĩ đó, anh Trần Văn Quyết, xóm 6 Quỳnh Hoa cũng chia sẻ: "Gia đình có 7 sào, nhưng thực tế có tới 7 miếng, gia đình cũng rất mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để quy về một mối cho dễ sản xuất và canh tác. Nhưng ruộng đồng ở đây không đồng đều, cồn cạn nhiều, ruộng bậc thang, giờ mà chuyển đổi sợ gặp phải thửa xấu thì gia đình không biết lấy gì mà ăn cả".


Người dân ở đây cho rằng, họ không đồng ý chuyển đổi vì đồng ruộng không đồng đều nên họ muốn đảm bảo hệ số an toàn cho gia đình mình. Thế nhưng có một thực tế là, tại sao cùng ở trên địa bàn xã mà hiện nay 113 hộ dân ở xóm 12 - một xóm có diện tích đất sản xuất được xem là xấu nhất trên địa bàn xã Quỳnh Hoa lại đã chuyển đổi thành công, với 47% hộ có một thửa, còn lại là 2 thửa, chỉ có một vài hộ có 3 thửa, và đây cũng là xóm duy nhất đã hoàn thành việc chuyển đổi lần 2. Dồn điền đổi thửa thành công không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân ở đây, mà nhiều hộ có đất tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.


Quỳnh Diễn - một trong những xã được huyện chọn làm xã điểm thực hiện chuyển đổi năm 2007 đã hoàn thành 100% kế hoạch chuyển đổi. Đặc biệt, việc chuyển đổi ruộng đất không chỉ tạo thuận lợi cho việc thâm canh và cơ giới hoá, với trung bình mỗi gia đình chỉ còn khoảng 1 - 2 thửa lớn, đặc biệt có tới 57% hộ có 1 thửa, nhờ vậy xã đã tập trung vận động nhân dân khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của đất, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi như trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập cao.

Ông Trần Văn Quang - một người dân ở xóm 1 xã Quỳnh Diễn cho hay: "Trước gia đình có 7 sào đất sản xuất, nhưng cứ manh mún nên điều kiện chăm sóc, điều tiết nước khó khăn, không có điều kiện để thăm đồng. Nhờ chuyển đất lại một vùng, gia đình đổi 7 sào lại một vùng thấy thuận tiện hơn.

Thứ nhất điều tiết nước dễ dàng, thứ hai lúc nào lúa thóc cũng bảo đảm năng suất hơn, máy móc thuê một lần cũng dễ hơn. Cùng với quy đất về một vùng, gia đình cũng nhận thầu thêm đất 5% của xã để phát triển trang trại chăn nuôi, kết hợp trồng trọt. Nhờ đó mà kinh tế khá lên rất nhiều".


Nhờ việc chuyển đổi, tích tụ đúng mục đích, đến nay toàn xã Quỳnh Diễn đã xây dựng được trên 70 trang trại lớn, nhỏ có mức thu nhập hàng năm từ 50 triệu đồng trở lên. Đối với những diện tích chuyên trồng lúa, xã đã tập trung đưa những giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Những diện tích chủ động được nước, xã khuyến khích nhân dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu hàng hoá cho thu nhập cao như: dưa bao tử, bí xanh, dưa leo, đồng thời tích cực gieo trồng ngô vụ đông... Nhờ thâm canh tốt, lựa chọn được những giống cây phù hợp với từng chất đất, cơ cấu hợp lý, đúng lịch thời vụ, thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật, chăm bón hợp lý nên đã đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Ông Lê Văn Long - Trưởng Ban Nông nghiệp xã Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu cho biết: "Thực hiện chủ trương chuyển đổi của Huyện ủy, UBND huyện, năm 2007, xã Quỳnh Diễn tổ chức triển khai dồn điền đổi thửa trên địa bàn 6 xóm. Trong lúc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu chủ trương, chính sách. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện và được sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự phân công của các tổ chức đoàn thể nên kết quả chuyển đổi đất của xã đã đạt kết quả tốt đẹp".


Thực tế tại xã Quỳnh Diễn cho thấy, nếu chuyển đổi thành công thì không chỉ giảm được chi phí sản xuất mà còn rất thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá vào trong nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù UBND huyện đã phê duyệt Đề án Chuyển đổi cho 20 xã, thị trấn, nhưng mới chỉ có xã Quỳnh Diễn và Quỳnh Bảng đã hoàn thành chủ trương chuyển đổi. Những xã còn lại công tác triển khai thực hiện đề án này còn chậm, hoặc lúng túng trong khi triển khai. Các xã, thị trấn chưa phê duyệt thì đã lập đề án nhưng chưa thông qua Đảng uỷ, chưa đưa xuống các xóm để nhân dân đóng góp ý kiến. Là một chủ trương lớn, có tính định hướng cao, nhưng chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.


Minh Hằng