Diễn biến thị trường sau ngày xăng dầu tăng giá
(Baonghean) - Chuyện xăng dầu tăng giá không mới, tuy nhiên, khác với những lần trước, đợt tăng giá này diễn ra vào thời điểm thị trường hàng hoá tiêu dùng thiết yếu đang chịu những tác động mạnh mẽ từ việc tăng giá gas liên tiếp trong hơn 2 tháng qua.
Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, đường, dầu ăn... đều tăng từ 1.000- 2.000 đồng/sản phẩm.
Sau 1 tuần xăng tăng giá, nhiều mặt hàng đã rục rịch tăng theo. Điều chỉnh cước nhanh nhất trên thị trường là giới xe ôm. Thông thường, giá đi xe ôm giao động từ 4.000- 5.000 đồng/km (tùy vào quãng đường đi xa hay gần và khả năng trả giá của khách)... Nhưng mới bắt đầu từ sáng ngày 8/3, mức giá đã tăng lên từ 6.000- 7.000 đồng/km. Bác Nguyễn Văn Huấn, làm nghề xe ôm tại Ga Vinh than thở: "Cực chẳng đã mới phải tăng giá, chứ kiếm được đồng tiền cũng chật vật lắm!".
Anh Nguyễn Hữu Hà, chạy xe ôm trên đường Phùng Chí Kiên phân trần: "Nước nổi thì bèo nổi, theo là chuyện đương nhiên, nhưng tôi chưa dám tăng giá ngay vì sợ mất mối khách quen lâu nay, nên phải tính phương án tăng từ từ để khách dần thích nghi... Điều khiến chúng tôi lo lắng là khi tăng giá lượng khách sẽ giảm, thu nhập càng "èo uột". Tính toán chi li, trước đây mỗi ngày tôi đổ gần 3 lít xăng hết hơn 60.000 đồng, nhưng nay số tiền phải lên đến gần 70.000 đồng, sau khi trừ chi phí hao mòn xe và bảo trì bảo dưỡng, thu nhập cũng "thâm hụt" đáng kể".
Ngay sau khi xăng dầu tăng giá thêm 10%, Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An đã lên phương án điều chỉnh giá cước taxi. Anh Trần Đăng Phú, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An cho biết: "Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% giá thành cước taxi, khi xăng tăng 10% thì cước taxi phải tăng ít nhất 3%. Bắt đầu từ ngày 10/3, Công ty đã áp dụng giá mới cao hơn giá cũ từ 500- 1.000 đồng/km (tuỳ loại xe).
Ngay từ tháng đầu năm 2012, người tiêu dùng liên tục phải "đón" những đợt tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu, trong đó sữa cũng đang là mặt hàng có nhiều biến động chỉ trong thời gian ngắn. Tính từ đầu tháng 1 đến nay, hàng loạt các sản phẩm sữa đã 2 lần tăng giá, trung bình từ 10-18% (tăng tương ứng 10.000- 50.000 đồng/hộp); hiện sữa Enfa A+ loại 900g tăng từ 360.000 đồng lên 420.000 đồng/hộp, sữa Alpha Opti-Grow loại 900g tăng 176.000 lên 200.000 đồng/hộp tuỳ theo độ tuổi... Nguyên nhân sữa tăng giá vẫn theo điệp khúc: giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao và do thay đổi mẫu mã, bổ sung vi chất mới...
Dạo qua một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Vinh, mặt hàng rau xanh, củ quả cũng đang rục rịch tăng giá từ 10 - 15%; một số loại loại trái cây được nhập từ các tỉnh, thành về đã đồng loạt tăng thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện tại, nhóm hàng thực phẩm tươi sống chưa có biến động, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa - chủ quầy hàng thịt lợn tại chợ Quán Lau cho biết: Các lái buôn hiện chưa tăng giá, nhưng họ đã đánh tiếng nay mai hàng sẽ tăng giá lên khoảng 2.000 đồng/kg, vì khi xăng tăng giá sẽ kéo theo chi phí vận chuyển, tiền công vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi tăng theo...
Hết gas rồi đến xăng dầu tăng giá sẽ tác động mạnh đến thị trường, tất cả các loại hàng hóa dịch vụ đang có xu thế tạo lập một mặt bằng giá mới. Để tránh tình trạng "té nước theo mưa", làm bất ổn thị trường, các cơ quan quản lý, kiểm soát thị trường cần tăng cường kiểm tra giá cả; yêu cầu niêm yết giá, công bố giá để hạn chế tình trạng tăng giá bán bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ngọc Anh