Đảng lo cho Dân - Dân lo cho Đảng

23/01/2012 01:12

(Baonghean.vn) - Những

(Baonghean.vn) - Những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, dân ta một cổ hai tròng. Đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc nặng lòng yêu nước thương dân đứng lên kêu gọi, tập hợp nhân dân với nhiều hình thức tranh đấu để cứu nước, cứu dân, song, thảy đều thất bại. Nỗi lo của cả mấy chục triệu người dân đất Việt luôn canh cánh trong lòng: Tìm con đường nào đây? Đi con đường nào đây?

Một thế hệ thanh niên mới mà tiêu biểu là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc vì nỗi lo ấy, gánh vác nỗi lo ấy đã ra đi khai phá, tìm kiếm con đường để có thể giải đáp được nỗi lo của dân, của nước. Người và các đồng chí đã tập hợp nhau lại để thành một chính đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, đảm đương vai trò lãnh đạo toàn dân tộc giành lại độc lập cho nước, tự do cho dân. Nỗi lo của dân đã được Đảng giải toả.



Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm làng nghề ở Nghi Thái (Nghi Lộc).
Ảnh: Thanh Lê


Theo con đường Đảng đã chỉ ra, quần chúng nhân dân tập hợp lại trong các tổ chức cách mạng: Thanh niên cộng sản, Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các hội trương tế, ái hữu... và Mặt trận dân tộc thống nhất, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra lực lượng chống đế quốc, chống thực dân, chống phong kiến. Ngay sau khi thành lập, Đảng đã phát động một cao trào cách mạng được đông đảo quần chúng hưởng ứng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Cuộc diễn tập đầu tiên của Cách mạng Việt Nam theo đường lối của Đảng là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng.


Cao trào cách mạng bị dìm trong biển máu. Nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng bị bắt bớ, tù đày, bị chém giết. Phần lớn cơ sở đảng không còn. Cách mạng bị đẩy vào thế thoái trào, nhưng cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản. Họ rèn đúc thêm ý chí, tự nâng cao tầm trí tuệ qua học tập lý luận và qua những bài học thực tiễn từ cao trào cách mạng, chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới. Còn quần chúng nhân dân lo bảo vệ các cơ sở của Đảng, nuôi nấng chở che cho những cán bộ, đảng viên của Đảng chưa bị địch bắt.

Trong những năm tháng đen tối nhất, càng sáng bừng lên một chân lý: Vì Đảng lo cho dân, nên dân theo Đảng, dân lo cho Đảng bất chấp phải hy sinh của cải, tính mạng. Với sức mạnh của chân lý ấy, Đảng đã hồi sinh để tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh với phong trào dân chủ (1936 - 1939) và chuẩn bị để đón thời cơ và tận dụng thời cơ (1941 - 1944). Đảng tin ở dân - dân tin vào Đảng, một cuộc cách mạng điển hình và mẫu mực đã diễn ra và thành công: Cách mạng tháng Tám - 1945 lịch sử. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mà cái đích sẽ tới, phải tới là nước nhà được Độc lập, nhân dân được Tự do - Hạnh phúc. Có chính quyền của dân mới có thể lo cho dân được tự do hạnh phúc. Chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước những thử thách "ngàn cân treo sợi tóc".

Bảo vệ chính quyền mới lo được cho dân. Bảo vệ chính quyền trở thành nỗi lo trong mọi nỗi lo mà Đảng đã tự mình xác định để làm trọn những gì phải lo, cần lo cho dân. Và dân, thấu hiểu nỗi lo đó của Đảng, lại tiếp tục lo cho Đảng đã vượt qua nạn đói, thanh toán giặc dốt và chiến thắng giặc ngoại xâm. Không có một đảng nào như Đảng ta, sau khi đã nắm được chính quyền lại rút lui vào hoạt động bí mật với việc tuyên bố tự giải tán. Đảng làm thế là vì dân, là để lo cho dân, lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cũng thật hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam ta, phải trải qua 30 năm hy sinh xương máu, để đánh thắng 2 cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hùng mạnh nhất. Cả dân tộc đã chứng tỏ cho cả thế giới, cho toàn nhân loại biết rằng:


"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy" (Tuyên ngôn độc lập).


"Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh).


Hạnh phúc thay dân ta có Đảng. Hạnh phúc thay Đảng ta là con đẻ của Dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Thêm một nỗi lo của Đảng, của dân được thực hiện.


* * *


Giang sơn thu về một mối. Đất nước hoàn toàn độc lập. Nỗi lo trước đã xong. Nỗi lo mới lại đặt lên vai Đảng ta - dân ta. Bác Hồ kính yêu, lãnh tụ của Đảng, Cha già của dân tộc đã nói: "Nước nhà được độc lập mà nhân dân không có tự do, đồng bào không có cơm ăn áo mặc, không được học hành, không được hưởng hạnh phúc thì nền độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì". Nỗi lo cháy bỏng ấy của Đảng, của Bác Hồ, toàn dân đều thấu hiểu để cùng lo với Đảng.

Đáng tiếc là sau ngày toàn thắng, Đảng ta đã mắc phải một số sai lầm, khuyết điểm dẫn đến những tổn thất cho cuộc sống của dân, cho sự hùng mạnh của đất nước. Là Đảng của toàn dân tộc, luôn lấy nỗi lo của dân, của nước làm nỗi lo của mình, Đảng tự nhận ra sai lầm, khuyết điểm và dám sửa chữa, biết sửa chữa sai lầm khuyết điểm - phẩm chất của một Đảng chân chính. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo chính là để sửa chữa sai lầm khuyết điểm đó.

Đường lối đổi mới của Đảng được khởi thảo từ Đại hội VI (1986), được định hình với Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Đại hội VII (1991) và đã được bổ sung, phát triển ở Đại hội XI của Đảng (2011) với Cương lĩnh bổ sung, phát triển.

Chính ở thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử cách mạng, thêm một lần nữa Đảng minh chứng rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục đích nào khác ngoài mục đích độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân; thêm một lần nữa dân thể hiện niềm tin mãnh liệt vào Đảng. Cả dân tộc hồ hởi, phấn chấn đón nhận và hành động cho công cuộc đổi mới mà Đảng khởi xướng.


Sau 5 năm đổi mới, đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sau 25 năm đổi mới, đất nước thoát khỏi tình cảnh một nước nghèo, kém phát triển bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử ấy đã đem lại cho nhân dân cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Việt Nam đang có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.


Cùng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó, trong 25 năm đổi mới, Đảng đã lớn mạnh lên cả về lượng lẫn về chất. Bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ của Đảng được nâng lên, đáp ứng đòi hỏi của một Đảng lãnh đạo, của một Đảng cầm quyền. Song, trong quá trình lớn lên của Đảng cũng xuất hiện những triệu chứng của một căn bệnh mới: "Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân". Căn bệnh này đã được Lênin, Hồ Chí Minh cảnh báo và nhắc nhở từ rất sớm đối với các đảng cộng sản cầm quyền, trong đó có Đảng ta. Căn bệnh này đang làm suy yếu Đảng, thậm chí làm cho Đảng bị biến chất từ bên trong.

Căn bệnh này, nếu không phòng chống có hiệu quả "sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ XHCN và của Đảng". Bước vào những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ XXI, Đảng và dân cùng có hai nỗi lo song hành: Lo đưa đất nước tiến lên trở thành "một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN" để không chỉ chiến thắng nghèo nàn mà còn chiến thắng cả lạc hậu; lo chữa trị cho kỳ được căn bệnh "quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân".

Đảng muốn lo được cho dân, phải làm được hai điều đó. Còn dân lo cho Đảng, bảo vệ Đảng cũng từ hai điều đó. Dân hoàn toàn thấu hiểu những nỗi lo của Đảng và đang hành động để lo cho Đảng. Đảng càng nhận thức sâu sắc hơn những nỗi lo của dân để tự đổi mới, tự chiến thắng mình, tự chỉnh đốn, tự nâng mình lên để gánh vác trách nhiệm lịch sử mới trước nhân dân, trước đất nước. 81 năm qua, Đảng là như vậy, và trong thời kỳ lịch sử mới, Đảng ta chắc chắn sẽ tiếp tục là như vậy.


Nghĩ về Đảng 81 năm qua, nghĩ về Đảng bước vào tuổi 82 là nhớ về một câu hát: "Đảng vì dân - ta theo Đảng", là nghĩ về một Đảng lo cho dân để dân lo cho Đảng, là để khẳng định một điều: Đảng lo cho dân là Đảng lo cho mình, dân lo cho Đảng là lo cho chính mình. Bất cứ việc gì, dù to lớn, khó khăn, trở ngại đến đâu mà Đảng với dân, dân với Đảng cùng lo thì đất nước ta - dân tộc ta nhất định sẽ làm được.


Xuân 2012


Trương Công Anh