Hy vọng và trăn trở

09/03/2012 17:10

(Baonghean)- Sinh viên trẻ Nguyễn Thị Bích Hậu được kết nạp Đảng vào cuối năm 2011 khi đang là học sinh 12 của Trường THPT Thị xã Cửa Lò. Nay đã là sinh viên năm thứ nhất của Học viện báo chí tuyên truyền, em vẫn không quên cảm giác "xúc động xen lẫn niềm vinh dự, tự hào" khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Để trở thành đảng viên, Hậu đã trải qua quá trình rèn luyện phấn đấu không ngừng. Ngoài việc là học sinh giỏi toàn diện, giải Nhất học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, với vai trò là Ủy viên BCH Đoàn trường, Hậu còn phải khẳng định mình qua các hoạt động sôi nổi của tổ chức đoàn- hội các cấp. Hiện nay, trong môi trường mới, Hậu vẫn đang tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng là người đảng viên gương mẫu.


Để có được những đảng viên học sinh ưu tú như Hậu, từ năm 2001 đến nay, Chi bộ Trường THPT Thị xã Cửa Lò đã xây dựng và thực hiện nghị quyết phát triển đảng viên trong học sinh, đưa phong trào thi đua phấn đấu được kết nạp Đảng trong học sinh phát triển mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Từ năm 2001 đến nay, chi bộ đã kết nạp được 26 đảng viên là học sinh, giới thiệu được hàng trăm đoàn viên ưu tú tham gia lớp cảm tình Đảng. Đảng viên, Bí thư Đoàn trường Lê Văn Hoàng cho biết: Các học sinh được kết nạp Đảng trong nhà trường đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu.




Những sân chơi trí tuệ là môi trường để phát triển, bồi dưỡng đối tượng đảng trong học sinh

Đại học Vinh là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh và khối các trường đại học, cao đẳng toàn quốc về công tác phát triển Đảng với tỷ lệ trung bình hơn 200 sinh viên được kết nạp mỗi năm. Xác định tầm quan trọng của công tác phát triển Đảng, Đảng ủy nhà trường đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển Đảng trong sinh viên, trong đó đưa chỉ tiêu kết nạp Đảng là sinh viên vào tiêu chí xếp loại chi bộ hàng năm. Chú trọng công tác tuyên truyền qua nhiều kênh với nhiều hình thức ngay từ khi sinh viên vừa mới nhập trường để xác định mục tiêu phấn đấuvà được kết nạp Đảng ngay từ năm thứ hai, thứ ba. Đẩy mạnh các hoạt động của tổ chức đoàn- hội tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên cống hiến, rèn luyện, trưởng thành.

Riêng đối với sinh viên dân tộc thiểu số thì có sự ưu tiên hơn trong qui trình, tiêu chuẩn xét kết nạp để khuyến khích và tạo nguồn. Nhờ những cách làm phù hợp, đội ngũ đảng viên sinh viên Trường Đại học Vinh không chỉ tăng về số lượng mà còn luôn đảm bảo chất lượng, nhất là có lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng. Riêng năm 2011, toàn Đảng bộ kết nạp được 369 đảng viên tăng 130% so với năm 2010, trong đó có 346 đảng viên sinh viên (9 đảng viên là sinh viên dân tộc thiểu số)... Hay như tại Trường THPT Hoàng Mai (Quỳnh Lưu), được tách từ Trường THPT Quỳnh Lưu 2, sau 13 năm thành lập, từ 6 đảng viên ban đầu, đến nay, chi bộ trường đã phát triển được 36 đảng viên, trong đó hơn 80% là đảng viên trẻ....


Có thể nói, những năm qua công tác phát triểnĐảng trong sinh viên luôn được các cấp ủyĐảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh coi trọng và đã phát huy tác dụng. Theo số liệu thống kế từ Ban Tổ chức Tỉnh Đoàn thì trong vòng 10 năm trở lại đây số học sinh được kết nạp qua các năm là 762 em, số sinh viên được kết nạp Đảng là 2.620,chưa kể lực lượng cán bộ, giáo viên trẻ. Tuy nhiên, so với nguồn thì còn thấp, chủ yếu tập trung ở các trường đại học, cao đẳng có quá trình phát triển lâu dài, lực lượng sinh viên đông, ổn định. Cònhệ THCN, vì thời gian đào tạo tại trường ngắn nên HSSV ít có cơ hội rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.

Riêng các trường THPT nhất là khu vực nông thôn miền núi, tỷ lệ học sinh kết nạp Đảng hàng năm đang còn nằm ở những con số khiêm tốn. Điển hình như TX Cửa Lò, năm 2011 kết nạp được 117 đảng viên trong tuổi Đoàn, nhưng học sinh phổ thông chỉ có 3 em. Theo anh Võ Minh Vỹ-Bí thư Thị Đoàn Cửa Lò thì việc các trường THPT gặp khó trong tạo nguồn phát triển Đảng trong học sinh một phần là do giới hạn độ tuổi (quy định 18 tuổi mới được kết nạp Đảng) trong khi quy trình từ việc từ theo dõi bồi dưỡng, xem xét học đối tượng, thẩm tra lý lịch, hoàn tất hồ sơ, theo dõi thử thách lại dài.

Đó là chưa kể phải đáp ứng các tiêu chuẩn đòi hỏi như học sinh giỏi toàn diện, cán bộ đoàn- hội xuất sắc và đậu đại học, cao đẳng hay đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế... Mặt khác, đội ngũ cán bộ đoàn- hội trong các trường THPT chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm nên cũng có những hạn chế nhất định về thời gian, năng lực, kỹ năng tổ chức các hoạt động tạo cơ hội cho học sinh khẳng định mình. Một số cấp ủy nhà trường mới chỉ chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, chưa thật sự quan tâm đến công tác tạo nguồn đảng viên trẻ. Mặt khác, do hoàn cảnh đặc thù, học sinh vùng nông thôn miền núi nhận thức, ý chí rèn luyện phấn đấu vào Đảng cũng hạn chế hơn...


Phó Bí thư Thành Đoàn Vinh, Cao Nguyên Hùng nêu ý kiến "Đội ngũ cán bộ đoàn- hội trong trường học nên tổ chức nhiều hoạtđộng, mô hình câu lạc bộ, nhóm gắn với các hình thức bổ trợ kiến thức, kỹ năng chohọc sinh, sinh viên nhằm tìm các nhân tố tích cực để giới thiệu vào Đảng". Còn Phó Ban trường học Tỉnh Đoàn, Dương Hoàng Vũ lại cho rằng: "Phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên là một nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đoàn; Bồi dưỡng học sinh, sinh viên vào Đảng là cuộc vận động chính trị lớn trong đời sống học đường. Nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm, chăm lo thì nơi, đó công tác phát triển Đảng có những chuyển biến tích cực."


Khánh Ly