Bài 5: "Thế khó"cho công nghiệp

30/03/2012 15:53

Xem Bài 4: Bảo vệ, phát triển vốn rừng - còn nhiều khó khăn

Ngày 22/8/2008, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 2244/TTg - KTN điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp Nghệ An vào các danh mục quy hoạch các khu công nghiệp của cả nước. Theo đó, các huyện miền núi Nghệ An có 5 khu công nghiệp tập trung với diện tích là 1.600 ha (gồm khu công nghiệp Tân Kỳ, Sông Dinh, Nghĩa Đàn, Phủ Quỳ và Tri Lễ). Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay, tại các khu công nghiệp miền Tây Nghệ An vẫn đang là những "khoảng trống" lớn.




Các doanh nghiệp sản xuất chế biến đá trong tình trạng tạm bợ.

Mất khá nhiều công sức, thời gian của các cấp, ngành liên quan trong việc lập dự án khu công nghiệp Phủ Quỳ rộng 300 ha tại Thị xã Thái Hòa, tỉnh đang đề nghị bỏ dự án đó. Một trong nguyên nhân là do thiếu đất: Huyện Nghĩa Đàn sau khi chia tách thành 2 đơn vị hành chính mới, thì Thị xã Thái Hòa rất khó khăn cho việc dành ra nguồn quỹ đất rộng 300 ha để xây dựng khu công nghiệp.

Đầu tư phát triển các khu công nghiệp ở miền Tây có rất nhiều lợi thế, đó là môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạngvới trữ lượng lớn, đất đai rộng lại màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nguồn lao động dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển thị trường (kể cả xuất khẩu)... và đặc biệt là được hỗ trợ rất lớn về cơ chế, chính sách (theo Quyết định phê duyệt Đề án " Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An của Thủ tướng Chính phủ). Nhưng đến nay, miền Tây vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Phần lớn các khu công nghiệp ở miền Tây hiện vẫnchưa có chủ đầu tư hạ tầng.

Và hiện tại chỉ có khu công nghiệp Nghĩa Đàn đã có Công ty CP Lâm nghiệp Tháng 5 đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Được biết, diện tích quy hoạch khu công nghiệp Nghĩa Đàn rộng 300 ha, nhưng để phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của các doanh nghiệp ở miền Tây, thì dự án này đang lập tờ trình đề nghị các cấp, ngành chức năng điều chỉnh quy mô xây dựng lên 675 ha.

Trong quá trình thực hiện đầu tư các khu công nghiệp ở miền Tây, phần lớn tiến độ của việc quy hoạch chi tiết khu công nghiệp vẫn chậm so với yêu cầu. Một số đề án phải chỉnh sửa nhiều lần khi thực hiện và quá trình phối hợp khảo sát, lựa chọn địa điểm quy hoạch các khu công nghiệp chưa chặt chẽ, mất nhiều thời gian để thống nhất địa điểm (như khu công nghiệp Tri Lễ - Anh Sơn, khu công nghiệp Phủ Quỳ). Quy hoạch chậm và thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án.

Qua tìm hiểu được biết, để các khu công nghiệp ở miền Tây thực hiện đúng tiến độ và thu hút được nhà đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2015, thì tại khu công nghiệp Sông Dinh(Quỳ Hợp) cần 540 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp Tân Kỳ cần 120 tỷ đồng làm trục đường chính (trong khucông nghiệp), khu công nghiệp Nghĩa Đàn 600 tỷ đồng, khu công nghiệp Tri Lễ (Anh Sơn) 120 tỷ đồng...

Theo đánh giá của lãnh đạo SởKế hoạch Đầu tư: Trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn và Chính phủ thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11/CP, công tác huy động vốn đầu tư vào các khu công nghiệp ở miền Tây gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, ưu tiên nguồn vốn, thì việc điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư là rất cần thiết, như lập danh mục các dự án và ban hành cơ chế tham gia, hỗ trợ vốn của nhà nước và vốn của tỉnh trong các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật...


Liệu các khu công nghiệp có thực sự tạo ra được " động lực" phát triển kinh tế - xã hội miền Tây hay không? Câu trả lời hiện vẫn còn phía trước.


Hoàng Vĩnh