Đô Lương: Khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh tiểu học

21/12/2011 18:36

(Baonghean) - Nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh, năm học 2011-2012, Ngành giáo dục Đô Lương đã triển khai chương...

(Baonghean) - Nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh, năm học 2011-2012, Ngành giáo dục Đô Lương đã triển khai chương trình “Ngày hội đọc sách” đến tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Thực hiện chương trình, mỗi trường học có cách thức tổ chức riêng, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng mạnh mẽ đối với bạn đọc...

Đã thành thói quen, vào giờ ra chơi hoặc 15 phút sinh hoạt đội, học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Đô Lương lại tìm đến tủ sách di động để đọc sách. Tủ sách di động được bố trí ở ngay sân trường, bên cạnh vườn hoa, dãy bàng và hàng ghế đá. Học sinh tự giác mượn sách đọc, tự giác trả sách dưới sự hỗ trợ của thầy thủ thư. Sách ở tủ di động được thay đổi thường xuyên, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh.



Mô hình thư viện vườn trường của trường Tiểu học Văn Sơn



Đọc sách ở thư viện vườn trường Tiểu học Văn Sơn



Mô hình tủ sách di động trường Tiểu học Thị trấn Đô Lương


Cô Lê Thị Sử, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Đô Lương cho biết: Nhằm tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với các loại sách, hằng năm nhà trường dành khoảng 5 - 10 triệu đồng để mua sách, tạp chí phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học bổ sung vào thư viện trường. Hiện thư viện nhà trường có trên 2.000 đầu sách, báo các loại. Bên cạnh đó, trường đầu tư nối mạng 56 máy vi tính, xây dựng mô hình thư viện điện tử, phân công chi đoàn giáo viên hướng dẫn học sinh đọc báo, tra cứu thông tin trên mạng... Phong trào “Đọc và làm theo sách” được phát động rộng rãi trong toàn thể học sinh nhà trường. Hàng tuần, vào tiết chào cờ sáng thứ 2, mỗi khối lớp cử học sinh lên giới thiệu về cuốn sách mà mình được đọc; 15 phút sinh hoạt đầu giờ thi kể chuyện theo sách; trả lời theo hình thức hỏi -đáp về nội dung câu chuyện, cuốn sách mà các em đã được đọc. Căn cứ vào đó, hàng tháng có xếp loại, trao thưởng cho những học sinh có số lần tham gia giới thiệu sách, kể chuyện theo sách nhiều nhất. Cán bộ thư viện của trường thường xuyên giới thiệu các loại sách mới cho học sinh và phụ huynh tìm đọc; tổ chức cho học sinh mượn sách về nhà đọc...




Học sinh Tiểu học Thị trấn mượn sách tại thư viện



Mô hình thư viện điện tử thu hút đông đảo học sinh truy cập



Học sinh trường TH Thị trấn tham gia đọc và kể chuyện theo sách.



Một tiết mục minh họa câu chuyện kể trong sách của học sinh trường TH Văn Sơn.


Còn ở trường Tiểu học Văn Sơn, bắt đầu từ năm học 2008 - 2009, mô hình “thư viện vườn trường” được xây dựng. Ở phía sau khu hiệu bộ, 10 tủ sách nhỏ chia theo từng lớp được bố trí ngay ngắn dưới mỗi tán cây. Giờ ra chơi, thời gian rảnh rỗi, học sinh tự do đọc sách theo sở thích. Trong tủ sách có đủ các loại sách: sách giáo khoa, sách tham khảo, tạp chí Toán tuổi thơ, truyện tranh... Thư viện vườn trường đã giải quyết được những hạn chế của thư viện trong nhà: giờ ra chơi của học sinh ít, không có thời gian chờ mượn sách, các em ngại đăng ký mượn... Em Thái Thị Ngọc Anh (học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Văn Sơn) cho biết: Từ khi có tủ sách ở vườn trường, em và các bạn chăm đọc sách hơn. Qua những câu chuyện kể, những cuốn truyện tranh, chúng em học được rất nhiều điều về tình đoàn kết, lòng yêu thương, tinh thần nhân ái. Các loại tạp chí như Toán tuổi thơ, đố vui ô chữ trong Báo Thiếu niên, Nhi đồng... giúp chúng em hiểu biết hơn.

Do ngân sách hạn hẹp nên kinh phí đầu tư để mua sách không nhiều, hàng năm, trường phát động học sinh đóng góp sách vào tủ sách chung của trường. Những cuốn sách, quyển truyện của các em, sau khi học, đọc xong đều được giữ gìn cẩn thận, đến đợt quyên góp, mang đến tặng lại nhà trường. Chính điều này đã rèn luyện cho các em ý thức yêu quí, gìn giữ sách.

Đến nay, 35 trường tiểu học trên địa bàn huyện đều có thư viện đạt chuẩn, nhiều trường xây dựng được các mô hình hay như “Tủ sách di động”, “Thư viện vườn trường”, “Tủ sách Bác Hồ”, “Tủ sách em yêu”... Đặc biệt 100% các trường đã tổ chức “Ngày hội đọc sách” cho học sinh với các nội dung: Thi trình bày sách nghệ thuật; giới thiệu sách, tủ sách; kể chuyện theo sách; hỏi – đáp về sách... tạo hứng thú, trí tò mò, thích khám phá những cuốn sách mới trong học sinh.

Ông Nguyễn Tất Tây, Trưởng phòng giáo dục huyện Đô Lương cho biết: Chương trình đã đem lại hiệu ứng mạnh mẽ, học sinh không chỉ đam mê đọc sách mà còn có những hoạt động hưởng ứng “nói lời hay, làm việc tốt” theo sách; phụ huynh tự nguyện đóng góp sách làm phong phú vốn sách ở các trường; các trường quan tâm, chăm lo hơn đến văn hóa đọc cho học sinh. Đây chính là một trong những nội dung thực hiện đổi mới giáo dục Tiểu học, hướng đến giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh...


Duy Nam - Thảo Nhi