Nhân rộng các mô hình sản xuất ở miền núi

05/03/2012 18:29

(Baonghean) Trong những năm qua, mỗi năm tỉnh Nghệ An thực hiện bình quân 30 dạng mô hình khuyến nông; phần lớn các mô hình được bà con nông dân và các địa phương ghi nhận năng suất, hiệu quả tăng cao hơn so với đối chứng, trừ khi gặp điều kiện bất khả kháng như thời tiết, thiên tai, dịch bệnh...

(Baonghean) Trong những năm qua, mỗi năm tỉnh Nghệ An thực hiện bình quân 30 dạng mô hình khuyến nông; phần lớn các mô hình được bà con nông dân và các địa phương ghi nhận năng suất, hiệu quả tăng cao hơn so với đối chứng, trừ khi gặp điều kiện bất khả kháng như thời tiết, thiên tai, dịch bệnh...

Mỗi mô hình đều có 30- 40 hộ nông dân được tập huấn, tham quan, hội thảo từ chương trình, nhờ vậycác tiến bộ kỹ thuật được ứng dụngrộng rãi. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình tập trung phần lớn ở các vùng đồng bằng như: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên...


Mặc dầu Nhà nước luôn có những chính sách đặc thù đối với miền núi, nhưng việc nhân rộng mô hình vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, do một số nguyên nhân: Dân cư phân bố thưa, tập quán canh tác của đồng bào là trồng chay, quen sử dụng giống địa phương tự để giống lưu giữ, thủy lợi trông chờ vào thời tiết, việc tham quan học tập ít đượcnông dân quan tâm do đường xa, đi lại khó khăn, tốn kém...



Mô hình thâm canh ngô lai LVN14 mật độ cao vụ đông 2011 tại Mường Nọc - Quế Phong


Tuy vậy, vẫn còn một số mô hình được thực hiện hiệu quả tại miền núi và đã được nhân rộng như: Bón phân viên NK dúi sâu cho lúa tại Quế phong từ 2 ha (năm 2005), đến nay 2011 đã mở rộng xấp xỉ 700 ha toàn huyện; Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thành rừng giàu tại Con Cuông từ 5 ha (năm 2001) đã tăng lên 300 ha (năm 2011); kinh doanh rừng nguyên liệutại Quỳ châu 20 ha năm 2004 tăng lên 4.500 ha (năm 2010); vỗ béo bò thịt tại Thái Hòa từ 120 con (năm 2008) tăng 1500 con (năm 2011)... Từ đó chúng ta có thể rút ra một số giải pháp như sau:


Trước tiên, lãnh đạo địa phương cần xác định nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả cao là trách nhiệm của cả cộng đồng, các cấp, các ngành; từ đó thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, xã, có quy chế làm việc nghiêm túc, phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên phụ trách một số điểm (tận thôn, bản), có triển khai thực hiện, kiểm tra, tổng kết đánh giá đầy đủ.


Giao các tổ chức khuyến nông tại địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng mô hình và đề xuất cho chính quyền địa phương các dạng mô hình cần nhân rộng, hướng dẫn tài liệu, kỹ thuật phù hợp với thực tế.


Công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất không cứng nhắc mà phải lựa chọn công nghệ thích hợp; các tiến bộ kỹ thuật phải phù hợp với trình độ dân trí (tập quán sản xuất, khả năng đầu tư, khả năng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật...).


Vùng sản xuất phải được ổn định và có khả năng mở rộng, điều kiện tự nhiên (khí hậu thời tiết, đất đai...) phù hợp với loại cây trồng vật nuôi. Bố trí nhân rộng theo từng vùng tập trung, không nên tràn lan, thành công vùng này rồi mới chuyển sang vùng khác.


Trước khi xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình cần bố trí cho người dân hoặc ít nhất là đại diện của người dân (lãnh đạo thôn, bản, xã) được tham quan, học tập các mô hình đã thành công và họ được tham gia trong việc lập kế hoạch và tự nguyện thực hiện.


Nhà nước có chính sách hỗ trợ giống và các loại vật tư thiết yếu theo hình thức giảm dần ở những năm sau cho đến khi người dân thực sự nhìn thấy hiệu quả và tự giác làm theo.


Nhà nước hỗ trợ hình thành các tổ dịch vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho người dân đảm bảo thuận tiện, dễ thực hiện.


Hy vọng rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các ngành liên quan tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ giúp nhân dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cách thức sản xuất, phát huy tiềm năng, mang lại hiệu quả, làm giàu trên mảnh đất mà họ đã từng gắn bó, góp phần ổn định kinh tế xã hội, an ninh - quốc phòng.


Nguyễn Thị Hà