Các biện pháp phòng chống sâu bệnh trên lúa xuân

10/02/2012 13:57

(Baonghean) Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa vụ xuân. Tuy nhiên, hiện trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại và với thời tiết còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương và bà con cần chủ động các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.

(Baonghean) Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa vụ xuân. Tuy nhiên, hiện trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại và với thời tiết còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương và bà con cần chủ động các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.

Đến ngày 6/2, toàn tỉnh đã gieo cấy trên 65.000 ha lúa vụ xuân, dự kiến việc gieo cấy sẽ kết thúc trước ngày 15/2. Theo đánh giá chung, vụ xuân năm nay các địa phương cơ bản thực hiện đúng kế hoạch của tỉnh về lịch thời vụ cũng như áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Tuy nhiên, hiện trên cây lúa đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại, trong đó đáng ngại nhất là rầy nâu và rầy lưng trắng đã xuất hiện trên một số diện tích mạ không phủ nilon và mạ được mở nilon chuẩn bị cấy, dù mật độ đang rất thấp nhưng đây là một nguy cơ rất cao gây bệnh lùn sọc đen trên lúa.



Tranh thủ thời tiết ấm, người dân chuẩn bị mạ gieo cấy lúa.


Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, với diễn biến thời tiết còn như hiện nay, tình hình phát sinh sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ xuân còn nhiều phức tạp.

Theo dự báo, nếu thời tiết ấm, không có diễn biến bất thường thì đợt rầy nâu thứ nhất có thể sẽ phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ dưới dạng các ổ rầy và tích lũy mật độ cho đợt rầy thứ hai vào giai đoạn lúa làm đòng trở đi.

Vào giai đoạn này, do đã được tích lũy mật độ nên phạm vi, mức độ gây hại của rầy thường lớn và dễ gây cháy rầy. Bên cạnh đó, rầy lưng trắng thường không phát sinh thành lứa rõ ràng như rầy nâu, song mật độ rầy thường có hai đợt phát triển mạnh, đó là giai đoạn lúa đẻ nhánh (cuối tháng 2 đến tháng 3) và giai đoạn lúa ôm đòng- trỗ (tháng 4).

Ngoài tác hại trực tiếp, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên cây lúa, vì vậy bà con cần đặc biệt chú ý theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nếu điều kiện thời tiết ấm, lúa sinh trưởng nhanh thì bệnh có thể sẽ phát sinh gây hại nặng từ giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ trở đi (cuối tháng 2, đầu tháng 3), còn nếu gặp điều kiện ẩm độ cao, thời tiết âm u... bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng và có thể gây cháy lụi nếu không được phòng trừ kịp thời.

Trong phòng trừ, cần đặc biệt chú ý theo dõi trên các giống như IR 1820, IR 17494, Nghi hương 2308, BC 15... Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các địa phương và bà con cũng cần hết sức chú ý phát hiện và xử lý kịp thời bệnh lùn sọc đen- một loại bệnh nguy hiểm do virut gây ra với môi trường truyền bệnh chính là rầy lưng trắng. Sự phát sinh gây hại của bệnh có quan hệ chặt chẽ với nguồn môi giới mang nguồn bệnh trên đồng ruộng, nếu thời tiết ấm, mật độ môi giới truyền bệnh cao thì bệnh khả năng sẽ phát sinh trong vụ xuân.

Không chỉ có các loại sâu bệnh, cây lúa xuân còn có khả năng phải chịu một số vấn đề khác như hiện tượng vàng lá (do cảm ứng thời tiết). Trong vụ xuân, sau những đợt rét đậm, trời âm u và thiếu ánh sáng kéo dài làm cây lúa không quang hợp được, do vậy một lượng đạm tự do trong cây bị dư thừa không được đồng hóa làm cho cây lúa bị ngộ độc với triệu chứng lá lúa bị đỏ và khô đầu lá. Rệp muội hại lúa cũng thường phát sinh gây hại vào thời kỳ cây lúa đẻ nhánh đến cuối đẻ nhánh (cuối tháng 2 đến tháng 3), khi mật độ cao sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lúa.


Để đảm bảo cây lúa vụ xuân phát triển tốt, các địa phương và ngành Nông nghiệp cần tập trung theo dõi, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng có nguy cơ phát sinh gây hại nặng để có giải pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả, phù hợp. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền đến nông dân để bà con hiểu về tác hại cũng như các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn lây lan ra diện rộng của rầy và bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa. Đồng thời, tiến hành các giải pháp kỹ thuật cần thiết.

Trước hết, để quản lý rầy gây hại và truyền bệnh lùn sọc đen trên lúa, sau khi mở nilon (trước khi cấy) phải thường xuyên theo dõi để phát hiện kịp thời sự xâm nhập của rầy. Khi có rầy gây hại trên mạ và trước khi đưa ra ruộng cấy 2- 3 ngày thì phun thuốc nội hấp phòng trừ rầy như Chess 50WG, Oshin 20 WP, Alika 247 SC... Giám sát chặt chẽ diện tích mạ, nếu phát hiện có triệu chứng bệnh thì kịp thời phun trừ bằng thuốc tiếp xúc và tiêu hủy triệt để cả luống hoặc cả ruộng tùy theo mức độ nhiễm bệnh, tuyệt đối không dùng mạ ở những ruộng mạ nhiễm bệnh để cấy.

Sau khi cấy phải theo dõi, chỉ đạo bao vây phun trừ rầy trên những diện tích có mật độ rầy cao bằng các loại thuốc Bassa 50 EC, Victory 585 EC, Chess 50 WG... Trên những ruộng lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen cần bao vây phun trừ rầy lưng trắng và sau đó nhổ, tiêu hủy cây bị bệnh bằng cách vùi xuống bùn và cấy dặm lại bằng cây khỏe nếu còn thời vụ, với những diện tích lúa bị bệnh gây hại nặng không còn khả năng cho thu hoạch thì cày vùi tiêu hủy toàn bộ ruộng lúa.


Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN và PTNT, ông Từ Trọng Kim cho biết: Ngoài các loại sâu bệnh hại trên thì thời tiết mưa phùn, ẩm độ cao có xen kẽ nắng như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi để bệnh đạo ôn phát triển và gây hại, nhất là trên những giống lúa mẫn cảm với bệnh như IR 1820, IR 17494, Nghi hương 2308, Nhị ưu 838...

Đặc biệt, từ giai đoạn lúa đẻ nhánh trở đi, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện bệnh, khi có tỷ lệ bệnh từ 3- 5% số lá bị bệnh, điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, bà con cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm thời ngừng bón thúc đạm và phun phòng trừ ngay bằng các loại thuốc Beam 75WP, katana 20SC, Bump 650 WP...

Bên cạnh đó, các địa phương và bà con cũng cần chú ý chăm sóc lúa xuân khỏi các loại bệnh khác như rệp muôi hay hiện tượng vàng lá do cảm ứng thời tiết. Bón đầy đủ, cân đối dinh dưỡng, đặc biệt là kali để lúa sinh trưởng tốt, khỏe cây, tăng khả năng chống rét. Khi gặp thời tiết âm u, thiếu ánh sáng kéo dài và nhiệt độ không khí thấp thì phải tạm dừng ngay việc bón đạm và phun phân bón lá. Những diện tích có mật độ rệp muội cao, gây hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc như Actara 25 WG, Alika 247 SC... để phun trừ.


Phú Hương