Công trình Thủy điện Hủa Na: Tất cả cho ngày hòa lưới điện quốc gia

16/02/2012 11:31

(Baonghean.vn) - Công trình Thủy điện Hủa Na (TĐHN) có công suất 180 Mw, tổng vốn đầu tư gần 6000 tỷ đồng, khởi công ngày 30/3/2008. Công trình phấn đấu hoàn thành di dân tái định cư; tích nước lòng hồ vào ngày 15.6 và phát điện hòa mạng lưới quốc gia vào quý IV năm 2012.  Gian nan di dân tái định cư

(Baonghean.vn) - Công trình Thủy điện Hủa Na (TĐHN) có công suất 180 Mw, tổng vốn đầu tư gần 6000 tỷ đồng, khởi công ngày 30/3/2008. Công trình phấn đấu hoàn thành di dân tái định cư; tích nước lòng hồ vào ngày 15.6 và phát điện hòa mạng lưới quốc gia vào quý IV năm 2012.

Gian nan di dân tái định cư


Từ trên điểm cao của công trình thủy điện Hủa Na, ta nhìn thấy một phần miền Tây xứ Thanh và một phần ngút ngát đại ngàn của nước bạn Lào anh em. Sau chút ngỡ ngàng trước kết quả: 8/10 tổng khối lượng đã làm được, với con đập dài 366,9 m, đỉnh 244,7 m, đường hầm dẫn nước dài 3.826m; đường kính 7,3m, một nhà máy TĐHN với lưu vực hồ chứa lên tới 5.345 km2 (gần 36% diện tích tự nhiên của huyện), nên vùng lòng hồ ảnh hưởng trực tiếp 5 xã (trong tổng số 14 xã, thị trấn của huyện), và 1361 hộ dân thuộc diện phải di dời tái định cư, chiếm 10,05 % tổng số hộ của huyện (tính đến 6.2010), thế nên dám khẳng định rằng, kể từ ngày thành lập huyện (19.4.1963) đây là cuộc nhượng đất và di dân tái định cư lớn nhất diễn ra trên địa bàn Quế Phong. Để hằng năm sẽ cung cấp một lượng điện khoảng 722 triệu kwh, hai xã Đồng Văn, Thông Thụ coi như ngập chìm dưới lòng hồ.

Tuy nhiên, hầu hết phần việc còn lại đang “bị kẹt” ở đền bù GPMB, di dời dân tái định cư, bởi đến ngày 9/2/2012 mới di chuyển được 103/1361 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng lòng hồ, còn hàng nghìn hộ dân nữa. Gói GPMB là gian nan cực nhọc nhất, phải di dời trước ngày 15.6. Phần việc này phải huy động cả guồng máy huyện ủy, chính quyền huyện Quế Phong và một số sở, ban, ngành của tỉnh. Trong 16 điểm tái định cư để di dời 1361 hộ đến, mới có điểm Piềng Cu (xã Tiền Phong) đã đưa được 103 hộ đến sinh sống, 15 điểm còn lại đang trong quá trình ngổn ngang san lấp mặt bằng. Với 103 hộ đã định cư này, hiện bà con vẫn chưa có đất để sản xuất, ngoài số gạo được hỗ trợ hàng tháng, về lâu dài bà con chưa biết sống bằng cách gì. Tại điểm Piềng Cu, đã đào được 2 giếng nước nhưng vẫn chưa sử dụng được, thiếu nước sạch nên bà con phải dùng nước khe suối để ăn uống.

Chủ đầu tư (chính) gồm 2 Tập đoàn kinh tế Petrovietnam và Lilama, cùng sự góp vốn của các cổ đông lớn gồm Ngân hàng Thương mại CP Quân đội, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn, Cty CP Tư vấn và Đầu tư tài chính, Cty Chứng khoán Sài Gòn…Nguồn tiền để di dời dân không thiếu, cái phải lo là cách làm. Ngay từ đầu chủ đầu tư đã ký kết giao trọn gói phần GPMB cho chính quyền địa phương với một núi việc phải làm: Tìm kiếm mặt bằng mới để bố trí 16 điểm đến, xây mới 1361 căn nhà, đón ngần ấy hộ thuộc diện di dời ra khỏi khu vực lòng hồ, tìm kiếm đất sản xuất tại nơi đến cho ngần ấy hộ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng vô vàn việc phát sinh, bất cập phải giải quyết cho bà con.

Gồng mình vượt qua

Gặp ông Trần Quốc Thành - Bí thư Huyện ủy Quế Phong, cho biết: Đảng bộ, chính quyền huyện đã huy động tất cả lực lượng hiện có. Ngay từ sáng thứ hai (30/1/2012 (mồng Tám tháng Giêng Nhâm Thìn) toàn thể CBVC LĐ thuộc các cơ quan của huyện Quế Phong đã vào vị trí: Chủ động phối kết hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tìm kiếm đủ mặt bằng để bố trí xây dựng mới 16 điểm tái định cư, di dời 1361 căn nhà thuộc diện ra khỏi khu vực lòng hồ, phải tìm kiếm đủ đất cho ngần ấy hộ dân sản xuất để tạo đủ cái ăn cái mặc về lâu về dài cho bà con. Các tổ chức chính trị xã hội của huyện tỏa về bám trụ tại các bản làng thuộc vùng lòng hồ để vận động thuyết phục bà con, xắn tay cùng bà con di chuyển đồ đạc nhà cửa.

Công tác GPMB công trình TĐHN kết quả thực hiện không đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra, khối lượng công việc còn lại là rất lớn…UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo huyện Quế Phong và các sở, ban ngành liên quan vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ mọi ách tắc trên “trận chiến” này. UBND tỉnh lập hẳn tổ công tác gồm một số chuyên viên của các sở, ban, ngành liên quan phối hợp cùng UBND huyện Quế Phong giải quyết mọi vướng mắc liên quan đến Luật đất đai, Luật đầu tư, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Công nhân chứng kiến Lễ ký cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công công trình

Ngoài ra, Công ty cũng đã tổ chức lễ phát động thi đua, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, di dân, GPMB, tạo điều kiện cho các nhà thầu triển khai thi công xây dựng công trình đúng kế hoạch tiến độ đề ra.

Tại Lễ phát động, đại diện của 4 bên ký cam kết thi đua hoàn thành nhiệm vụ, trong đó: UBND huyện Quế Phong cam kết hoàn thành các điểm tái định cư trước ngày 30.4.2012, di chuyển 900 hộ dân dưới cao trình 226m ra khỏi vùng lòng hồ. Cty CP TĐHN cam kết thu xếp đủ vốn, giải ngân kịp thời về công tác bồi thường GPMB di dân tái định cư.Tổng thầu Sông Đà cam kết hoàn thành xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình; Tổng thầu Lilama cam kết cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị đồng bộ các hạng mục công trình đảm bảo tích nước lòng hồ vào ngày 15.6.2012 và phát điện vào quý IV 2012.


Giao Hưởng