Thực phẩm rớt giá, người chăn nuôi lao đao

07/03/2012 16:35

(Baonghean.vn) - Hiện nay, ngoài việc phải đối mặt với các loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò... thì thực trạng giá thịt lợn hơi xuất chuồng và giá trứng gia cầm giảm mạnh, trong khi giá thức ăn tăng, khiến người chăn nuôi lao đao, nhất là những hộ chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn.

(Baonghean.vn) - Hiện nay, ngoài việc phải đối mặt với các loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò... thì thực trạng giá thịt lợn hơi xuất chuồng và giá trứng gia cầm giảm mạnh, trong khi giá thức ăn tăng, khiến người chăn nuôi lao đao, nhất là những hộ chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn.

Nghi Lộc là một trong những huyện chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều nhất tỉnh, với tổng đàn trâu, bò trên 37.000 con, đàn lợn hơn 68.000 con, tổng đàn gia cầm khoảng 736.000 con. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi (theo giá cố định 1994) đạt 176 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% trong ngành nông nghiệp của huyện. Ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện đang từng bước chuyển dần từ chăn nuôi tận dụng sang chăn nuôi thâm canh và bán thâm canh theo quy mô tập trung với hình thức trang trại. Đến nay toàn huyện đã có 214 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 41 trang trại quy mô lớn, thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Tuy vậy, nghịch lý ở chỗ, trong khi người chăn nuôi nỗ lực đầu tư, chăm sóc để tăng tổng đàn, tăng năng suất vật nuôi thì đầu ra lại khó khăn, rớt giá.



Ông Nguyễn Văn Thọ (xóm 20, xã Nghi Trung) đang nỗ lực duy trì đàn vịt từng ngày

Tới thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ở xóm 20, xã Nghi Trung (Nghi Lộc), với quy mô 80 con lợn, 3.000 con vịt đẻ, 7 con bò và đàn ngan. Ông Thọ cho biết: Năm 2011, giá bán trứng vịt 3.000 - 3.200 đồng/quả, từ trước Tết Nguyên đán đến nay giá trứng hạ mạnh chỉ còn 1.500 - 1.800 đồng/quả.

Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi tăng giá, năm 2011, giá 1 bao cám vịt đẻ 40 kg là 360.000 đồng, nay lên 385.000 đồng/bao, tăng 25.000 đồng/bao, còn giá bán trứng rớt mạnh gần một nửa. 3.000 con vịt ăn mỗi ngày hết gần 5 triệu đồng tiền cám. Trong khi mỗi ngày chỉ thu được 2.100 quả trứng, bán được 3,6 triệu đồng, như vậy gia đình bị lỗ 1,4 triệu đồng/ngày. Giá trứng rẻ, lại khó tiêu thụ do một số huyện có dịch bệnh xảy ra nên người tiêu dùng hạn chế mua sản phẩm gia cầm. Năm 2011, chủ yếu khách đến trang trại mua sỉ, số còn lại gia đình đưa vào chợ Vinh nhập.

Sang đầu năm 2012, không thể bán được tại đầu mối chợ Vinh nữa, 3 thành viên trong gia đình ngày nào cũng phải đưa trứng vịt đi bán lẻ ở khắp các chợ trong huyện và đưa ra Diễn Châu, sang cả Hà Tĩnh. Thế nhưng, hôm nào bán được nhiều nhất là 400 quả, số còn lại đưa vào lò ấp trứng vịt lộn, lại tiếp tục đưa đi bán cho các nhà hàng, chợ lẻ. Nhiều bữa ế ẩm phải bán tháo cho hết hàng. Thêm vào đó, chăn nuôi lợn cũng lỗ, nuôi một con lợn từ 3,5 - 4 tháng mới xuất chuồng, tiền đầu tư mua con giống và thức ăn hết 4,1 triệu đồng/con. Gia đình vừa xuất chuồng 40 con lợn thịt, bình quân 80 kg/con, với giá bán 45.000 đồng/kg lợn hơi, thu được 3,6 triệu đồng/con. Như vậy, so với tiền đầu tư mua con giống và thức ăn còn bị lỗ 500.000 đồng/con. Hiện tại gia đình đang vay nợ ngân hàng 400 triệu đồng, mỗi tháng trả tiền lãi suất hết 6,4 triệu đồng.


Tương tự hộ ông Thọ, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Từ Đức Huyên ở xóm 1, xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) cũng đang rơi vào tình cảnh lao đao. Ông Huyên cho biết: "Gia đình tôi đã đầu tư 700 triệu đồng để cải tạo 3,5 ha đất chua mặn, xây dựng chuồng trại và mua con giống. Đến nay, sau 4 năm làm trang trại, ngoài vốn tự có, tôi còn vay nợ ngân hàng 200 triệu đồng chưa trả hết.

Hiện tại, trang trại của gia đình nuôi 1.000 con vịt thịt và 1.500 vịt đẻ, ao cá. Năm 2011, giá bán trứng cao, đầu ra thuận lợi, nhưng năm nay giá trứng hạ mạnh, trong khi giá thức ăn tăng, chi phí thuê lao động tăng. Bình quân mỗi ngày gia đình bị lỗ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Dù khó khăn như vậy nhưng gia đình tôi quyết tâm không bỏ cuộc, hy vọng trời nắng ấm lên, trứng bán được giá, kéo lại nguồn vốn đầu tư".


Không chỉ trang trại ông Thọ, ông Huyên mà hàng trăm trang trại, gia trại chăn nuôi khác của huyện Nghi Lộc đang rơi vào cảnh khó khăn do sản phẩm chăn nuôi xuống giá, khó tiêu thụ. Ông Trần Hải Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trung chia sẻ: Toàn xã Nghi Trung có đàn trâu bò hơn 800 con, đàn lợn 1.200 con, gia cầm trên 39.000 con. Hiện nay người chăn nuôi trong xã đang gặp khó khăn vì giá sản phẩm thấp, đầu ra bấp bênh. UBND xã rất chia sẻ với nhân dân, nhưng cũng chỉ biết động viên bà con nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn chung này. Lãnh đạo UBND xã cũng tích cực tìm kiếm đầu ra, giới thiệu với các nhà hàng, các tư thương trong huyện và vùng phụ cận đến tiêu thụ sản phẩm cho những hộ chăn nuôi tại địa phương.


Hiện tại, người chăn nuôi đang rất mong muốn được hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp để tiếp sức vượt qua giai đoạn khó khăn chồng chất này...


Quỳnh Lan