Quản lý thức ăn chăn nuôi:Nhiều bất cập

21/03/2012 18:07

(Baonghean) - Với gần 800 nghìn con gia súc, 1,1 triệu con lợn và trên 15 triệu con gia cầm, Nghệ An là thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi rất lớn. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề quản lý và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập.

Diễn Châu được coi là một trong những địa bàn trọng điểm về chăn nuôi của tỉnh. Toàn huyện có trên 96 nghìn con lợn và 1,3 triệu con gia cầm, số cơ sở kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi lên tới trên 70 điểm.

Bà Thái Thị Phương Anh - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: "Chúng tôi thường xuyên có các đoàn đi kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở này, tuy nhiên chỉ có thể kiểm tra được một số vấn đề như hạn sử dụng, nhãn mác sản phẩm, còn về chất lượng thì đòi hỏi phải có thiết bị kiểm nghiệm. Việc phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả cũng rất khó khăn, vì hiện nay trên thị trường có hàng trăm sản phẩm thức ăn chăn nuôi". Hiện tại, Diễn Châu đã có 1 cán bộ được tập huấn về việc lấy mẫu, nhưng lại không có điều kiện để phân tích, kiểm tra, vì mẫu phải được gửi ra Hà Nội với chi phí rất cao.


Thực tế, qua kiểm tra, trên 90% cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở Diễn Châu đều có các vi phạm như: không đăng ký nhãn mác sản phẩm qua phòng Nông nghiệp, không treo biển hiệu, địa chỉ kinh doanh rõ ràng, nơi bày bán không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thức ăn chăn nuôi... Thường mỗi lần như thế, đoàn chỉ... nhắc nhở. Một số trường hợp khi phát hiện thức ăn quá hạn mới yêu cầu chính quyền lập biên bản và tiến hành tiêu hủy.


Người tiêu dùng ăn các sản phẩm có hoóc môn cấm, sẽ làm tim đập nhanh, rung cơ, hồi hộp, lo lắng, và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất; người ăn sẽ bị ngộ độc, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Về vấn đề sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, bà Anh cho biết: "Chúng tôi có nghe thông tin về việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng kiểm tra thì chưa phát hiện được. Thường các trang trại lớn nuôi theo hình thức công nghiệp mới có khả năng sử dụng chất cấm. Còn các hộ nuôi theo hình thức nhỏ lẻ thường chỉ sử dụng sản phẩm thức ăn công nghiệp và tận dụng thức ăn trong sản xuất nông nghiệp mà thôi" - bà Anh nói.


Trong vai người chăn nuôi đi mua chất tạo nạc, chúng tôi đến các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Tuy nhiên, tại tất cả các cửa hàng, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu. Có thể các cửa hàng này không bán và cũng có thể chúng tôi chưa đủ "tin tưởng" để họ đưa ra loại "độc dược" này. Bởi ai cũng biết, đây là một trong những loại chất kích thích mà Nhà nước cấm.


Được coi là một trong những địa phương thực hiện khá bài bản công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, từ dự án cạnh tranh chăn nuôi, Nghệ An đã tiến hành đào tạo được 20 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, cộng thêm lớp tập huấn do ngành Nông nghiệp phối hợp mở, hiện 18/20 huyện, thị đã có cán bộ lấy mẫu xét nghiệm. Đó là cơ sở để công tác quản lý thức ăn chăn nuôi có thể thực hiện ngay từ cấp huyện.

Tuy nhiên, theo các cán bộ quản lý, vấn đề này ở các huyện hầu như còn bỏ ngỏ. Bà Nguyễn Thị Na- phòng Chăn nuôi Sở NN và PTNT cho biết: Hàng năm, ngành đều thành lập các đoàn thanh kiểm tra hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trừ những doanh nghiệp sản xuất thức ăn lớn của Pháp, Mỹ và Hà lan có quy trình sản xuất rất chặt chẽ, còn lại hầu hết các doanh nghiệp đều có vi phạm.

Qua thanh kiểm tra, ngành đã gửi hàng trăm mẫu gửi giám định chất lượng, đồng thời phân tích nhưng chưa phát hiện ra các chất cấm sử dụng. Việc lấy mẫu kiểm tra cũng rất hạn chế, bởi toàn miền Bắc chỉ có 4-5 cơ sở có khả năng giám định, chi phí rất đắt (600.000- 900.000 đồng/mẫu). Bởi vậy, dù rất muốn nhưng chỉ "ưu tiên" giám định đối với những mẫu thực sự có nghi ngờ hoặc của những hãng thức ăn có thị phần lớn. Một bất cập khác là, khi đã có kết quả vi phạm, việc phối hợp giải quyết cũng rất khó khăn, vì hầu hết các hãng sản xuất đều có thái độ thiếu hợp tác, trong khi chế tài xử lý thiếu và chưa đủ mạnh.

Thực tế những năm qua, việc xử phạt các vi phạm thực hiện được rất ít. Rất nhiều các sản phẩm thức ăn, kể cả của các thương hiệu nổi tiếng, phổ biến tình trạng chỉ tiêu Protein thực (số protein vật nuôi hấp thụ được) thường chỉ bằng 40% số chỉ tiêu Protein công bố, nghĩa là nếu kiểm tra, sản phẩm vẫn đủ số Prtein như công bố trên bao bì, nhưng khoảng 60% trong đó là tóc, các loại lông vũ... Thế nhưng, theo các cán bộ quản lý, "biết đấy nhưng không thể xử phạt được vì chưa có chế tài quy định".


Là cơ quan chủ quản quản lý về chăn nuôi trên địa bàn, nhưng ngành Nông nghiệp không thể quản lý nổi hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Dù đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng việc cấp giấy phép kinh doanh chưa được các cơ quan chức năng như chính quyền các huyện, các cơ quan liên quan quan tâm đến vấn đề đảm bảo các điều kiện cần và đủ. Ví như theo quy định, điểm kinh doanh phải nằm cách xa khu vực độc hại như bãi rác, nước thải, không bán chung với những chất làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn như lân, đạm, thuốc BVTV..., nhưng trên thực tế, qua các đợt kiểm tra, những vi phạm này rất phổ biến. Để có thể giải quyết tận gốc những vấn đề này, rất cần những chế tài đủ mạnh, sự vào cuộc thực sự của các ban, ngành chức năng và chính quyền các địa phương.

4 đặc điểm nhận biết thịt siêu nạc có hóa chất: Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thịt thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng. Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng. Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.


Phú Hương - Phạm Bằng