Thanh Chương: Trồng thành công giống sắn cao sản TC11

05/03/2012 15:15

Từ nhiều năm nay, Thanh Chương là vùng nguyên liệu sắn chính của Nhà máy Tinh bột sắn Thanh Chương ( thuộc Công ty Intimex Chi nhánh Nghệ An). Để bổ sung giống sắn, có năng suất cao, thay thế giống cũ đã thoái hóa, cuối vụ xuân năm 2011, Công ty Intimex Nghệ An đã đầu tư gần 600 triệu đồng để triển khai 10 ha mô hình khảo nghiệm giống sắn TC11 (hay con gọi là giống Ketmăngcon- Vảy rồng) tại 3 xã: Thanh Ngọc, Thanh Lâm, Thanh Mỹ (Thanh Chương). Bước đầu, kết quả mô hình rất khả quan, giống sắn TC11 đã chứng tỏ sự vượt trội cả về năng suất và sức chống chịu các loại sâu bệnh.

(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, Thanh Chương là vùng nguyên liệu sắn chính của Nhà máy Tinh bột sắn Thanh Chương ( thuộc Công ty Intimex Chi nhánh Nghệ An). Để bổ sung giống sắn, có năng suất cao, thay thế giống cũ đã thoái hóa, cuối vụ xuân năm 2011, Công ty Intimex Nghệ An đã đầu tư gần 600 triệu đồng để triển khai 10 ha mô hình khảo nghiệm giống sắn TC11 (hay con gọi là giống Ketmăngcon- Vảy rồng) tại 3 xã: Thanh Ngọc, Thanh Lâm, Thanh Mỹ (Thanh Chương). Bước đầu, kết quả mô hình rất khả quan, giống sắn TC11 đã chứng tỏ sự vượt trội cả về năng suất và sức chống chịu các loại sâu bệnh.


Anh Nguyễn Công Anh, Phó phòng Kế hoạch nông vụ Nhà máy Tinh bột sắn - người trực tiếp theo dõi và chỉ đạo mô hình cho biết: Tháng 3/2011, Nhà máy Tinh bột sắn Thanh Chương đã phối hợp với Trạm Khuyến nông- khuyến ngư huyện làm mô hình khảo nghiệm 10 ha giống TC11, lấy giống sắn KM94 làm đối chứng.



Giống sắn TC11 tại mô hình khảo nghiệm ở xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) cho năng suất gần 50 tấn/ha

Tại xã Thanh Ngọc bố trí trồng 4 ha trên đất sỏi nhựa, có độ dốc từ 5 - 8 độ; xã Thanh Lâm trồng 3 ha trên đất trang trại, có độ dốc 2-3 độ; xã Thanh Mỹ trồng 3 ha trên đất bãi phù sa. Mật độ trồng 11.000 cây/ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ hom giống và phân bón (phân hữu cơ sinh học 2.500kg/ha, NPK 6-4-8 800kg/ha).

Điều đáng mừng là tỷ lệ nảy mầm của giống sắn TC11 đạt bình quân 98%, sức sinh trưởng khoẻ, thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống sắn KM94 từ 40- 50 ngày. Giống sắn TC11 mới được 9 tháng đã cho từ 10- 12 củ; năng suất thu hoạch thực tế ở 3 xã đạt từ 47,3- 50,6 tấn/ha (cao hơn giống KM 94 từ 6- 7 tấn/ha). Với giá sắn nguyên liệu hiện nay (1.100 - 1.200 đồng/kg), giống sắn TC11 cho tổng thu 58.920.000 đồng/ha, lãi ròng 33.065.000 đồng/ha; trong khi giống sắn KM 94 chỉ đạt 50.400.000 đồng/ha. Qua khảo nghiệm, giống này sinh trưởng khoẻ, chịu hạn và chịu thâm canh, thích nghi rộng trên nhiều loại đất, nhất là đất bãi phù sa; có thể trồng rải vụ, cơ cấu ở các vũng bãi... Vụ xuân 2012 Nhà máy tiếp tục khảo nghiệm 20ha.


Tại Hội nghị Tổng kết mô hình khảo nghiệm mới được tổ chức gần đây, hầu hết các đại biểu và bà con nông dân đều thống nhất đánh giá cao giống sắn TC11 với nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống sắn bản địa đang trồng rộng rãi tại địa phương.

Ông Võ Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc phấn khởi cho biết: "Nhà tôi sau khi thu hoạch 1 ha cây keo sau vườn nhà liền thuê máy về đào gốc, sau đó triển khai làm mô hình khảo nghiệm cho nhà máy trên diện tích 10 sào. Năng suất đạt cao hơn nhiều so với giống sắn KM 94 trồng trên cùng một thửa đất. Trên thực tế, giống TC11 hom sắn nảy mầm khoẻ, cây to và cao đến 1m50 mới bắt đầu phân cành. Sau 10 tháng trồng, chúng tôi đã thu hoạch được 20 tấn củ. Ngày 23/2/2012, gia đình tôi đã tiếp tục xuống giống trồng 8 sào".


Ông Trịnh Văn Thắm (ở xã Thanh Ngọc) trồng 8 sào giống sắn TC11 cũng không giấu được niềm vui: "Khi trồng giống sắn mới,tôi nghĩ chắc cũng không ăn thua vì đất đồi toàn sỏi răng ngựa, lại trồng vào thời điểm trời bắt đầu nóng (cuối tháng 3/2011)... Nhưng đến thời điểm thu hoạch, khi nhổ từng bụi sắn lên củ nào cũng mập, mỗi bụi có đến 12- 14 củ, trong khi giống cũ chỉ đạt 8 - 10 củ/bụi. Năng suất bình quân đạt khoảng 1,9 - 2 tấn/sào".

Chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại xã Thanh Mỹ cũng phấn khởi cho hay: "Nhà tôi trồng khảo nghiệm giống sắn TC11 trên diện tích 4 sào đất bãi phù sa. So với giống KM 94 hiện đang được trồng nhiều ở xã, trong cùng điều kiện canh tác như nhau nhưng giống TC11 đạt năng suất cao hơn hẳn 6 - 7 tạ/sào. Vụ tiếp theo tôi đã trồng giống mới hết toàn bộ diện tích đất phù sa (7sào) của gia đình "...


Theo ông Trần Đình Bình, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Thanh Chương, giống sắn cao sản TC11 bước đầu đã chứng tỏ là một giống sắn có tiềm năng, năng suất cao hơn giống sắn đối chứng KM 94 từ 17- 20%, lại phù hợp với các chân đất khác nhau. Mặc dù các hộ dân đầu tư phân bón chưa đúng quy định và triển khai trồng muộn nhưng năng suất vẫn đạt trên dưới 50 tấn/ha.

Năm 2012, huyện Thanh Chương chủ trương phối hợp với Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương tiếp tục làm mô hình khảo nghiệm tại 6 xã trồng sắn trọng điểm của huyện (Thanh Nho, Thanh Hoà, Thanh Lâm, Thanh Đức, Thanh Thuỷ, Thanh Xuân) với diện tích 23ha. Thành công bước đầu của mô hình khảo nghiệm là cơ sở khoa học chắc chắn để tỉnh quyết định đưa giống sắn cao sản TC11 vào cơ cấu các giống sắn công nghiệp của địa phương.


Ngọc Anh