Putin - con người và số phận

06/03/2012 17:28

Một cuộc chuyển giao quyền lực vô cùng bất ngờ đã quyết định số phận của nước Nga trong một thập kỷ và nhiều năm sau đó. Đêm 31/12/1999, tổng thống già và ốm yếu Boris Yeltsin từ chức và chuyền quyền lực cho thủ tướng trẻ tuổi ít ai biết đến, Vladimir Putin. Và khi đồng hồ điểm chuông đánh dấu bước chuyển sang thiên niên kỷ mới, Putin đã lần đầu tiên phát biểu trước công chúng với tư cách là nhà lãnh đạo của nước Nga.

Một cuộc chuyển giao quyền lực vô cùng bất ngờ đã quyết định số phận của nước Nga trong một thập kỷ và nhiều năm sau đó. Đêm 31/12/1999, tổng thống già và ốm yếu Boris Yeltsin từ chức và chuyền quyền lực cho thủ tướng trẻ tuổi ít ai biết đến, Vladimir Putin. Và khi đồng hồ điểm chuông đánh dấu bước chuyển sang thiên niên kỷ mới, Putin đã lần đầu tiên phát biểu trước công chúng với tư cách là nhà lãnh đạo của nước Nga.

"Cũng như các bạn, tôi định tối nay sẽ chờ nghe lời chúc mừng năm mới của Tổng thống Boris Yeltsin", Putin nói trước hàng triệu khán giả. "Nhưng tình thế đã thay đổi".

Số phận đã đặt bàn tay kỳ diệu lên vai cựu sĩ quan tình báo KGB, cựu giám đốc cơ quan an ninh liên bang. Nhưng khi đó hiếm có ai đoán được rằng Putin sẽ là chính trị gia chủ chốt của Nga trong 12 năm sau đó. Và không chỉ 12 năm sau đó. Ông vừa đắc cử tổng thống Nga lần thứ ba, theo các kết quả sơ bộ, với nhiệm kỳ 6 năm.


Putin khóc trong khi phát biểu mừng chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Nga hôm 4/3. Ảnh: AP

Bản năng sống sót

Sinh năm 1952 ở một thành phố miền bắc Liên Xô và là cái nôi của thời tiền cách mạng Bolshevik, thành phố Leningrad nay là St Petersburg, Putin thời đi học là đứa trẻ "máu chiến" hay "đại ca", như ông từng thú nhận. Ông học võ, và "khẳng định vị trí của mình" ở trường, Putin tiết lộ trong một phim tài liệu mới đây của Đức.

Bản năng sống sót của Putin, thứ sẽ giúp ông trong nhiều năm sau này, có thể là do được thừa hưởng từ ông nội, ông Spiridon Putin, đầu bếp cho cả Lenin và sau đó là Stalin.

"Hiếm người nào quanh Stalin suốt ngày mà lại có thể thoát ra không hề hấn gì", Putin từng kể sau khi trở thành tổng thống. "Nhưng ông tôi làm được điều đó".

Sau khi tốt nghiệp khoa luật đại học tổng hợp Leningrad, Putin gia nhập lực lượng tình báo Liên Xô, thực hiện giấc mơ thời niên thiếu là được bước chân vào thế giới đầy hiểm nguy nhưng lấp lánh vinh quang mà những bộ phim thời đó xây nên. Nhưng Putin đã không trở thành một James Bond người Slavơ, mà chỉ "làm công tác tình báo thông thường", ở Dresden, Đông Đức. Đây cũng là công việc ở nước ngoài duy nhất của ông.

Trong thời gian Putin ở Đức, Liên Xô bắt đầu tan rã. Lãnh đạo đảng Cộng sản Mikhail Gorbachev thực hiện tiến trình cải tổ, điều mà Putin sau này mô tả là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ".

Trở về Nga, Putin làm công việc ở Leningrad với thày dạy luật cũ của mình, khi đó là thị trưởng Anatoly Sobchak. Về sau khi làm tổng thống, Putin đã sử dụng những người thân quen từ thời này vào bộ máy chính phủ, trong đó có cựu bộ trưởng tài chính Alexei Kudrin, và nổi tiếng hơn nữa là Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev.

Năm 1996, Putin được đưa về Kremlin làm phó giám đốc cơ quan quản lý tài sản công và nhanh chóng thăng tiến trong chính phủ trước khi được bổ nhiệm là giám đốc cơ quan an ninh liên bang FSB vào năm 1998. Một năm sau đó, Yeltsin bổ nhiệm ông là thủ tướng. Một số nhà phân tích cho rằng thời gian làm tình báo và phụ trách cơ quan an ninh đã hình thành nên thế giới quan của Putin sau này.

Nắm quyền lực

Sự thăng tiến nhanh chóng của Putin được khẳng định năm 2000, trong cuộc bầu cử tổng thống, với hơn 50% phiếu. Tuy nhiên tỷ lệ ủng hộ ông tăng nhanh chóng khi dân chúng được chứng kiến đoàn quân mà Putin đưa đến Chechnya trở về.

Trước các hoạt động khủng bố của phiến quân Chechnya, Putin phát biểu: "Chúng ta sẽ ném chúng vào đống rác". Câu nói này đánh dấu một loạt các phát ngôn đầy tính cứng rắn của nhà lãnh đạo.

Trong những năm tiếp theo ở Kremlin, Putin củng cố quyền lực của mình với báo chí, nhất là truyền hình. Tỷ phú dầu mỏ Nga Mikhail Khodorkovsky bị bắt và cáo buộc các tội danh liên quan đến tài chính, gây xôn xao trong nước Nga và cả nước ngoài.

Trong nhiệm kỳ tổng thống, Putin đã cho xóa bỏ hệ thống bầu thống đốc vùng, nhằm củng cố an ninh và ngăn chặn "nguy cơ sụp đổ" của nước Nga, sau vụ phiến quân gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Beslan, Bắc Kavkaz.

Trên trường quốc tế

Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gọi điện đến Nhà Trắng để thăm hỏi và chia buồn sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Khi Mỹ phát động cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan, Putin sẵn lòng để Mỹ đồn trú quân hoặc sử dụng hậu cần tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, nơi Nga coi là hậu phương của mình.

Nhưng tình nồng ấm kéo dài không lâu. Với thế mạnh kinh tế có được nhờ xuất khẩu dầu mỏ khi giá tăng, Nga muốn lấy lại vị thế cường quốc và điều này được khẳng định một cách chắc chắn tại Hội nghị an ninh Munich, nơi Putin có bài phát biểu gây chấn động, trong đó tố cáo phương Tây đã sử dụng vũ lực một cách bừa bãi trong quan hệ quốc tế.

Việc NATO mở rộng sang phía đông ôm trọn các nước đồng minh cũ của Nga ở Đông Âu, rồi những cuộc cách mạng màu ở Đông Âu và Trung Á những năm 2003-04 khiến sự không hài lòng của Putin đối với các nước phương Tây ngày càng tăng, bởi người Nga cho rằng có bàn tay của phương Tây đằng sau các sự kiện đó.

Tháng 12 năm ngoái, khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ nổ ra ở Nga sau cuộc bầu cử quốc hội, Putin cũng cho rằng các thế lực phương tây đã hậu thuẫn biểu tình. "Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép người ngoài áp đặt chúng ta", Putin khẳng định. Ông cũng lên án những người biểu tình là "phụ thuộc vào tiền và sự tiếp tay của nước ngoài, không ủng hộ nhân dân".

"Putin nói chung là không ưa Mỹ. Ông ấy nhạy cảm và không tin tưởng vào các mối quan hệ", Fiona Hill, giám đốc Trung tâm Mỹ và châu Âu tại Brookings Institution bình luận. "Xây dựng mối quan hệ với Putin là việc khó đối với tổng thống Obama cũng như bất kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo nào".

Tuy nhiên giới quan sát lại thấy rằng chính lập trường của Putin đối với Mỹ đang khiến ông nhận được sự ủng hộ từ một số nước như Ấn Độ và Trung Quốc.

Ổn định và những thách thức mới

"Người Nga đã không có được cảm giác ổn định trong 10 năm qua", Putin từng phát biểu, hai tháng sau khi nhậm chức tổng thống từ tay Yeltsin. "Chúng tôi hy vọng cảm giác này sẽ trở lại".

Đó là điều mà đa số dân chúng Nga mong đợi, sau nhiều năm hỗn loạn kể từ khi Liên Xô tan rã. "Putin đã ổn định đất nước và mang lại niềm tự hào cho người dân", một nhà phân tích nói. "Trong thời ông ấy cầm quyền,Nga cũng đạt nhiều thành tựu kinh tế".

Putin cam kết bảo vệ tự do báo chí, nhưng những năm 2000, báo chí Nga dường như tương đối yên ắng. Tuy nhiên ngay khi tầng lớp trung lưu bắt đầu giàu có lên, đã có một sự thay đổi.

"Hiển nhiên là Putin mang đến sự ổn định. Ông ấy chấm dứt cuộc chiến ở Chechnya, chấm dứt nạn tội phạm đường phố tràn lan và nâng chất lượng cuộc sống dân chúng", Sergey Mikheyev, nhà phân tích của trung tâm chính trị Moscow nói.

"Nhưng điều đó lại dẫn đến những đòi hỏi khác. Những năm 90, dân chúng chỉ quan tâm xem họ sẽ ăn gì, giờ đây họ muốn hưởng thụ cuộc sống như họ thấy ở châu Âu châu Mỹ". Cho dù thế, cũng vẫn còn rất nhiều người khác chẳng thấy ai hơn được Putin và lo sợ vào một tương lai nếu câu khẩu hiệu 'Nước Nga không có Putin' biến ngay thành sự thực".

"Hiện nay, hệ thống chính trị Nga đang được xây dựng theo cách mà không thể có ai thay thế được Putin", nhà phân tích nói. "Nếu ông ấy đáp ứng đòi hỏi của phe đối lập mà từ chức ngay bây giờ, nước Nga sẽ hỗn loạn".

Thay đổi để tồn tại?

Tỷ lệ ủng hộ Putin từ mức trên 50% một chút khi ông đắc cử lần thứ nhất đã tăng một cách đều đặn và chắc chắn. Đến năm 2008, khi Medvedev ứng cử tổng thống, con số này lên đến 70%, bởi vì ông chính là người được Putin hậu thuẫn. Nhưng tháng 12 năm ngoái, sau bầu cử quốc hội, các kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Putin giảm xuống và dao động ở 50%, thậm chí bản thân Putin còn thừa nhận ông có thể phải tranh đấu trong vòng hai mới có thể giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống.

Nhiều người cho rằng giờ đây Putin cũng cần thay đổi để tồn tại..

"Đúng là Putin đã ổn định đất nước và mang lại niềm tự hào cho người Nga", nhà phân tích chính trị người Đức Rahr nói. "Nhưng người Nga đã thay đổi nhiều kể từ năm 2000 đến nay, và ông ấy cũng cần thay đổi".

"Tôi chắc rằng ông ấy sẽ duy trì quyền lực trong 6 năm tới, nhưng cũng có nhiều khó khăn cho Putin. Người Nga không muốn chỉ có dân chủ trên danh nghĩa, và là một nhà lãnh đạo, Putin hiểu rõ điều đó".

Khi Putin bước lên sân khấu cuộc mít tinh lớn chào mừng chiến thắng tối 4/3, đám đông 100.000 người hoan hô ông không dứt. Nhưng phe đối lập nói rằng cảnh tượng đó là do dàn xếp. Những tranh cãi như thế sẽ còn tiếp diễn quanh Putin khi ông lần thứ ba trở thành tổng thống Nga.

Người đàn ông được coi là biểu tượng của nước Nga hiện đại tỏ ra rất kiên cường: "Cuộc chiến vì nước Nga sẽ tiếp tục. Và chúng ta sẽ thắng".


theo RIA Novosti