Làng hương trầm Quỳ Châu ngày áp Tết

16/01/2012 17:37

(Baonghean.vn) - Trong tâm thức người Việt, nén hương như một nhịp cầu nối hai thế giới hữu hình và vô hình, giữa cuộc đời...

(Baonghean.vn) -Trong tâm thức người Việt, nén hương như một nhịp cầu nối hai thế giới hữu hình và vô hình, giữa cuộc đời thực và thế giới tâm linh. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài những lễ vật dâng lên bàn thờ gia tiên thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thì việc thắp nén hương thơm để nguyện cầu cho nhân khang, vật thịnh là điều không thể thiếu.

Vẫn còn đây những lời ca:“Tổ tiên một nén hương trầm /Nối dòng máu đỏ âm thầm thiết tha”.

Hương trầm là một sản phẩm truyền thống của người dân Qùy Châu. Vào những ngày giáp Tết, thị trấn Tân Lạc, huyện Qùy Châu trở nên tấp nập hơn bởi nhiều người về đây mua hương trầm đem về xuôi bán. Nghề làm hương ở vùng này được bắt nguồn từ những người miền xuôi lên lập nghiệp. Từ chỗ làm vườn rừng, họ phát hiện ra Phủ Qùy là cả một vùng nguyên liệu dồi dào cho nghề làm hương, dần dần hương trầm hiệu Quỳ Châu trở nên nổi tiếng.




Những ngày áp Tết, làng nghề hương trầm ở Qùy Châu luôn nhộn nhịp


Để có những búp hương trầm thơm ngát, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ lưỡng. Ngay từ đầu mùa hè, họ đã đi khắp vùng để đặt mua rễ cây hương bài (làm nguyên liệu chính), là cây thuộc loài thảo mộc, lá dài, có bộ rễ chùm dày thường mọc thành từng bụi, đám lớn ven khe suối hay trên sườn đồi, dưới những tán lá rậm ẩm mát. Nguyên liệu làm hương trầm còn có thảo quả, hoa hồi, quế chi, trầm xô, bã mía, chủ yếu là những nguyên liệu sẵn có trong vùng, trừ thảo quả và hoa hồi phải nhập từ Lạng Sơn về. Nguyên liệu được phơi khô, xay thành bột mịn, trộn đều với nhau theo bí quyết gia truyền

. Từ xưa, cây quế được ví là vàng của vùng đất Phủ Quỳ. Dọc QL48, san sát những cánh rừng quế bạt ngàn được trồng từ thời Pháp thuộc. Rễ hương cũng giúp người dân miền tây xứ Nghệ có thêm một cái nghề, đó là “nghề săn rễ hương”. Cứ sau tết Nguyên đán, người dân lại thi nhau vào rừng tìm rễ hương gom về bán cho các cơ sở sản xuất hương.


Chu hương được làm từ thân cây lùng, một loại cây thuộc họ nhà tre, nứa. Chu hương được ngâm khoảng vài ba tháng, phơi thật khô làm sao để khô ải mà không giòn, dễ gãy. Tàn hương sau khi cháy còn nguyên uốn cong tuyệt đẹp. Việc chuẩn bị chu làm hương được hoàn tất từ nhiều tháng trước, phơi khô nhuộm phẩm đỏ phần gốc.

Hương được se chặt bằng giấy bản. Đây là loại giấy rất mỏng, mềm, dai, và cháy đượm, được mua từ Bắc Ninh về. Một mép giấy bản quét phẩm màu, khi quấn thành cây hương có hoa văn rất đẹp. Công việc cứ rải đều trong năm và tập trung chủ yếu trong những tháng giáp Tết Nguyên đán. Vốn đầu tư của một gia đình độ từ 10 đến 20 triệu đồng cho mọi khâu từ nguyên liệu cho đến bao thứ cần thiết khác.Mỗi vụ sau khi trừ chi phí, cũng thu nhập được từ 30 đến 40 triệu đồng.

Hiện nay, thị trấn Tân Lạc có khoảng 25 cơ sởsản xuất hương trầm quy mô lớn. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nghề truyền thống đối với người làm hương nơi đây vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn. Trước sự phát triển của nghề làm hương trầm, nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, những rừng quế, rừng trầm hương tự nhiên đã khan hiếm dần. Anh Nguyễn Hồng Lĩnh – khối trưởng khối 1 thị trấn Tân Lạc huyện Qùy Châu cho biết: “Hiện nay nghề sản xuất hương trầm còn mang tính đơn lẻ, nhiều cơ sở sản xuất hương ở các vùng khác vẫn lấy thương hiệu là hương trầm Qùy Châu nhưng chất lượng không đảm bảo khiến người dân làng nghề lo lắng lắm”.

Thiết nghĩ, chính quyền huyện Qùy Châu cần quy hoạch lại vùng sản xuất, sớm tiến hành đăng ký thương hiệu để tạo đà cho sự phát triển của nghề truyền thống.


Nguyễn Lê